Mỹ lên kế hoạch chuyển đạn chùm cho Ukraine
Các quan chức Mỹ ngày 6/7 cho biết gói viện trợ quân sự mới nước này dành cho Ukraine sẽ có đạn chùm dùng cho pháo 155 mm. Theo một quan chức, giới chức Mỹ đã xem xét nghiêm túc kế hoạch chuyển bom chùm cho Ukraine trong ít nhất một tuần.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết Mỹ "đang xem xét tích cực" khả năng viện trợ đạn chùm. Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden "đang xem xét" chuyển Đạn dược Thông thường Cải tiến Lưỡng dụng (DPICM) cho Ukraine, song chỉ chọn loại có tỷ lệ để lại đạn con không phát nổ dưới 2,35%.
DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để bao phủ khu vực rộng lớn. Bom con và đạn con thường dùng để chống lại tăng thiết giáp và gây sát thương, do đó được gọi là lưỡng dụng. Mỹ bắt đầu phát triển DPICM từ những năm 1950.
Binh sĩ Ukraine cạnh lựu pháo M777 155 mm tại tỉnh Kharkov tháng 7/2022. Ảnh: AP
Laura Cooper, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Nga và Ukraine, ngày 22/6 nhận định DPICM sẽ có ích cho Ukraine, đặc biệt trong đối phó với chiến hào của Nga trên chiến trường. Tuy nhiên, Mỹ chưa phê duyệt chuyển loại đạn này cho Ukraine do hạn chế từ quốc hội và lo ngại giữa các đồng minh.
Một số tài liệu ngân sách Mỹ cho biết quân đội nước này đang chi hơn 6 triệu USD mỗi năm để dừng sử dụng đạn chùm của pháo 155 mm và các loại đạn cũ khác. Truyền thông Mỹ nhận định chuyển DCIPM cho Ukraine sẽ giúp giảm mức tiêu hao đạn pháo 155 mm thông thường, vốn được Washington viện trợ với số lượng lớn.
Ukraine từng kêu gọi các nghị sĩ Mỹ gây sức ép để chính quyền Tổng thống Joe Biden phê duyệt cung cấp DPICM. Tuy nhiên, những người phản đối cung cấp DPICM cho Ukraine cảnh báo khi đạn chùm hoặc bom chùm phân tán, chúng có thể khiến dân thường thương tật hoặc thiệt mạng. Chúng có thể không phát nổ khi tiếp đất, tạo rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải như mìn.
Các quan chức Mỹ cho biết trong gói viện trợ sắp được công bố, dự kiến trị giá 800 triệu USD, còn có rocket cho pháo phản lực HIMARS, các phương tiện chiến đấu bộ binh như thiết giáp Bradley và Stryker. Gói viện trợ này đang được hoàn thiện và thành phần có thể thay đổi trước khi công bố.
Đây sẽ là gói viện trợ Mỹ dành cho Ukraine theo Quyền Điều chỉnh nguồn lực Tổng thống (PDA). Đạo luật này cho phép chính phủ Mỹ linh động chuyển giao một số nguồn lực và thiết bị quốc phòng tồn kho cho đối tác trong tình huống khẩn cấp, không cần chờ quốc hội bật đèn xanh.
Trong khi đó, Ukraine đang hối thúc phương Tây chuyển giao tiêm kích hiện đại như mẫu F-16 do Mỹ sản xuất. "F-16 hoặc bất cứ thiết bị nào khác cần thiết sẽ giúp chúng tôi có thể di chuyển nhanh hơn, bảo toàn mạng sống nhiều binh sĩ và giữ vị trí lâu hơn", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6/7 nhận định.
Đan Mạch và Hà Lan, hai thành viên NATO, hồi tháng 5 tuyên bố sẽ đi tiên phong trong nỗ lực huấn luyện phi công Ukraine vận hành tiêm kích F-16. Tuy nhiên, chưa quốc gia nào thông báo quyết định chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine, dù Mỹ đã bật đèn xanh cho động thái này.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-sap-chuyen-dan-chum-cho-ukraine-4626252.html