Mỹ khá thận trọng trong việc đáp trả vụ tập kích căn cứ ở Jordan

04:00' 02-02-2024
Tổng thống Biden tuyên bố đáp trả mạnh mẽ lực lượng tấn công căn cứ ở Jordan khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng, song đối mặt nhiều thách thức về quân sự và chính trị.

Ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 34 người bị thương sau khi Tháp 22, một tiền đồn Mỹ ở đông bắc Jordan, bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) hôm 28/1. Đây là những binh sĩ Mỹ đầu tiên ở Trung Đông thiệt mạng do hành động thù địch kể từ khi chiến sự Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023.

Một ngày sau, Tổng thống Joe Biden nhóm họp cùng các trợ lý hàng đầu để xem xét các biện pháp phản ứng. Ông Biden đã cam kết khiến những bên thực hiện vụ tấn công "phải chịu trách nhiệm", song chưa rõ ông sẽ thực hiện điều đó như thế nào.

Giới chức Mỹ cáo buộc UAV tấn công Tháp 22 do một nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn phóng từ Iraq. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết nhóm bị nghi ngờ hàng đầu là Kataib Hezbollah, lực lượng dân quân thân Iran có trụ sở tại Iraq và duy trì hiện diện ở Syria. Tuy nhiên, phản ứng của Nhà Trắng đến nay vẫn khá thận trọng.

"Tôi sẽ không nói về bất kỳ phản ứng nào tại đây và cũng sẽ không bình luận gì trước khi Tổng thống thông báo hoặc ra quyết định. Ông ấy đã gặp đội ngũ an ninh quốc gia hai lần và đang cân nhắc các lựa chọn", ông Kirby cho hay, nhấn mạnh Mỹ "không muốn gây ra cuộc chiến tranh mới".

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Columbia, bang Nam Carolina ngày 27/1. Ảnh: AP

Vụ tập kích Tháp 22 diễn ra trong bối cảnh ông Biden đang thúc đẩy chiến dịch tái tranh cử để cạnh tranh với đối thủ từ đảng Cộng hòa, phe luôn có lập trường cứng rắn với Iran. Bất kỳ lựa chọn nào của ông vào thời điểm này cũng tiềm ẩn những rủi ro về chính trị và quân sự, theo giới quan sát.

Tại Đồi Capitol, các nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích Nhà Trắng "yếu đuối" khi không tung đòn đáp trả nhanh chóng. Họ viện dẫn quyết định tiến hành chiến dịch ám sát tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qasem Soleimani của chính quyền Donald Trump năm 2020 là ví dụ về hành động răn đe hiệu quả.

Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10 năm ngoái, các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn đã tiến hành hơn 150 cuộc tấn công vào binh sĩ Mỹ ở Trung Đông.

Dù các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng họ chưa tìm thấy bằng chứng Iran chỉ đạo cuộc tấn công, nhiều nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra phẫn nộ và yêu cầu có hành động đáp trả quyết liệt với Tehran. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham kêu gọi "giáng đòn mạnh vào Iran ngay bây giờ".

Nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói rằng Mỹ nên tiến hành đòn đáp trả trực tiếp nhắm vào Iran, thay vì các nhóm dân quân mà nước này hậu thuẫn.

"Tôi có thể nói với bạn rằng Iran không quan tâm chuyện lực lượng ủy nhiệm của họ bị tấn công, bởi họ chỉ quan tâm nếu chính họ bị tổn hại", Bacon, thiếu tướng không quân từng phục vụ ở Iraq, nói. "Những bình luận từ ông Kirby và những người khác rằng họ không muốn leo thang căng thẳng là hoàn toàn vô nghĩa. Những người này luôn lo lắng về việc leo thang, trong khi tình hình vốn đã leo thang rồi".

Bacon cùng hầu hết thành viên Cộng hòa không kêu gọi chính quyền Biden tập kích sâu vào lãnh thổ Iran. Ông nói Washington thời điểm này nên tấn công vào các cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu hoặc căn cứ hải quân của Tehran.

"Đó là cách có thể thu hút sự chú ý của họ mà không gây rủi ro quá mức cho lực lượng của chúng ta", ông nói.

Michael McCaul, nghị sĩ Cộng hòa ở bang Texas và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói rằng Mỹ có thể dễ dàng tấn công các mục tiêu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran ở Iraq, Syria và Yemen. "Tôi không cho rằng chúng ta nên loại bỏ bất kỳ khả năng nào", McCaul nói.

Trong khi đó, nghị sĩ Dân chủ Seth Moulton, cựu lính thủy quân lục chiến ở Iraq, kêu gọi hành động thận trọng, chỉ trích giọng điệu "hiếu chiến" của các thành viên Cộng hòa.

"Những người phe diều hâu kêu gọi chiến tranh với Iran chỉ đang rơi vào bẫy của kẻ thù", Moulton nói. "Chúng ta phải có phản ứng chiến lược và hiệu quả. Răn đe rất khó, song chiến tranh còn tồi tệ hơn".

Trước vụ lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan, các nghị sĩ Dân chủ đã chỉ trích cách xử lý xung đột Israel - Hamas của ông Biden nhiều hơn phe Cộng hòa. Ông Biden đã tiếp tục thể hiện lập trường ủng hộ Israel, bất chấp những áp lực kêu gọi ngừng bắn ngày càng tăng trong đảng Dân chủ.

Trước sức ép ngày càng tăng từ phe Cộng hòa, các quan chức chính quyền ông Biden nhiều lần nói rằng Mỹ không muốn gây chiến với Iran, kịch bản có thể xảy ra nếu Washington tung đòn tấn công đáp trả vào lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng tình hình ở Trung Đông hiện rất nguy hiểm và phản ứng của Mỹ có thể "diễn ra ở nhiều cấp độ theo từng giai đoạn và duy trì trong thời gian dài".

Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu nhiều tháng qua đã nỗ lực ngăn chiến sự Israel - Hamas lan rộng thành xung đột khu vực, buộc Mỹ phải trực tiếp tham chiến. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, căng thẳng khu vực ngày càng leo thang và quân đội Mỹ liên tiếp đối mặt với các cuộc tấn công từ các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn.

"Lựa chọn cân bằng là điều thực sự khó khăn. Nếu Mỹ không đáp trả hoặc đáp trả không đủ mạnh, các cuộc tấn công sẽ tiếp tục xảy ra", Brian Katulis, phó chủ tịch về chính sách tại Viện Trung Đông ở Washington, nói.

Nhưng nếu Mỹ đáp trả quá quyết liệt, tình hình có thể vượt tầm kiểm soát và cản trở mọi nỗ lực đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza cũng như giải thoát các con tin trong tay Hamas, lực lượng thuộc "trục kháng chiến" được Iran hậu thuẫn.

"Mọi hành động quân sự có thể gây ra phản ứng không mong muốn. Đó là bởi Iran và các nhóm vũ trang trong mạng lưới đã đưa vấn đề đoàn kết vì người Palestine vào những tuyên bố của họ", Katulis nói.

Iran đã dành nhiều năm đầu tư vào "trục kháng chiến", mạng lưới lực lượng dân quân hiện diện tại nhiều nước trong khu vực, từ Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen tới các nhóm vũ trang ở Iraq, Syria. Tehran đã cung cấp tiền, vũ khí, vật tư cùng các khóa huấn luyện cho những lực lượng này, trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và gây áp lực buộc Mỹ rút khỏi khu vực.

"Trong ba tháng qua, Iran đã hưởng lợi rất nhiều từ những khoản đầu tư mà họ đã bỏ ra cho trục kháng chiến", Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Mỹ, nói.

Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận chung với quân đội Jordan ở Zarqa, phía đông thủ đô Amman hồi tháng 5/2016. Ảnh: Reuters

Tehran đã chứng kiến các cuộc biểu tình chống Mỹ và Israel ở Trung Đông sau khi xung đột ở Gaza bùng phát. Iran cũng ngày càng gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc. Các quan chức Iraq gần đây bắt đầu lên tiếng kêu gọi Mỹ rút quân khỏi nước này. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu thể hiện ưu thế của Iran, trong khi Mỹ ngày càng có ít lựa chọn để đối phó.

"Mọi thông điệp bạn thấy đều nói về nỗi sợ leo thang tình hình của chính quyền Tổng thống Biden. Mỹ đang tìm cách kiềm chế chính mình", một cựu quan chức quân sự Mỹ cấp cao nói.

Vụ tập kích Tháp 22 khiến ba lính Mỹ thiệt mạng đã tăng thêm áp lực đáng kể với ông Biden, khiến Washington không thể tiếp tục né tránh hành động đáp trả. Tổng thống Mỹ sẽ phải quyết định phản ứng ở mức độ nào cả về quân sự và chính trị với thách thức ngày càng lớn từ Iran.

"Dù chúng tôi không muốn xung đột lớn hơn với Iran, Tehran dường như muốn điều ngược lại. Chúng tôi sẽ không để rơi vào bẫy của họ, nhưng cũng sẽ không để họ sát hại thêm lính Mỹ mà không bị trừng phạt. Iran chắc chắn phải gánh hậu quả", Jeremy Bash, cựu quan chức hàng đầu của CIA và Lầu Năm Góc trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?

Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/thach-thuc-voi-my-khi-dap-tra-vu-tap-kich-can-cu-o-jordan-4706622.html