Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, trong báo cáo gần đây cho biết không quân Mỹ thực hiện 36 chuyến bay do thám trên Biển Đông trong tháng 6, giảm một nửa so với 72 chuyến trong tháng 5.

Trong khi đó, tần suất các chuyến bay trinh sát trên biển Hoa Đông của Mỹ "gia tăng đáng kể" trong tháng 6, so với các đợt xuất hiện "lẻ tẻ" trước đó.

22 lượt trinh sát cơ Mỹ hoạt động trên biển Hoa Đông tháng trước gồm máy bay cảnh báo sớm E-3B, máy bay trinh sát điện tử RC-135U cùng máy bay trinh sát không người lái MQ-4C và RQ-4.

Máy bay RC-135U số hiệu 64-1849 làm nhiệm vụ năm 2020. Ảnh: USAF.

SCSPI cho biết một trinh sát cơ RC-135U Mỹ hôm 3/6 bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông. Chiếc RC-135U này cất cánh từ căn cứ Kaneda ở Okinawa, Nhật Bản, bay vào biển Hoa Đông trước khi di chuyển theo hướng tây và áp sát Trung Quốc.

Quân đội Mỹ cũng thực hiện một số chuyến bay trinh sát quanh đảo Đài Loan. Một máy bay tuần thám săn ngầm P-8A của hải quân Mỹ hồi tháng 6 cất cánh từ Okinawa, bay qua eo biển Đài Loan theo hướng bắc - nam. Đây là lần đầu tiên P-8A bay theo hành trình này từ khi được triển khai tại Tây Thái Bình Dương năm 2013.

Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bình luận về các thông tin trên.

Báo cáo của SCSPI cũng đề cập đến lần hạ cánh đầu tiên của vận tải cơ C-17A xuống đảo Đài Loan trong chuyến thăm của ba thượng nghị sĩ Mỹ hôm 6/6. Việc sử dụng vận tải cơ quân sự thay cho máy bay dân sự trong chuyến thăm này khiến căng thẳng tại eo biển Đài Loan leo thang, báo cáo cho biết.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên án vận tải cơ quân sự Mỹ đáp xuống đảo Đài Loan là "hành động khiêu khích chính trị xấu xa". Một ngày sau, quân đội Trung Quốc diễn tập đổ bộ ngoài khơi bờ biển đông nam nước này.

Trung Quốc hôm 15/6 điều nhóm máy bay quân sự đông kỷ lục gồm 28 chiếc áp sát đảo Đài Loan, một ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập ở Biển Đông.

Đảo Đài Loan và eo biển cùng tên. Đồ họa: CSIS.

SCSPI nhận định ngoài việc chuyển hướng sang biển Hoa Đông, hoạt động trinh sát của Mỹ tại Biển Đông còn giảm mạnh do Nga tổ chức một cuộc diễn tập quy mô lớn ở vùng biển gần Hawaii hồi giữa tháng 6, khiến quân đội Mỹ phải điều lực lượng giám sát.

Các quan chức Nga cho biết đây là cuộc diễn tập lớn nhất của quân đội nước này ở Thái Bình Dương sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Quân đội Mỹ đã phải triển khai ba tiêm kích tàng hình F-22 xuất kích từ Honolulu trong chuyến "tuần tra bất thường", dường như để đáp trả đợt diễn tập của hải quân Nga.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-giam-tan-suat-trinh-sat-bien-dong-4305201.html