Mỹ đồng ý chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine
Sau nhiều tháng tuyên bố Ukraine không cần F-16 để đối đầu Nga, Mỹ cuối cùng cũng thay đổi quan điểm, đồng ý để các quốc gia đồng minh gửi tiêm kích tiên tiến của phương Tây cho Kiev, thứ mà chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky mong muốn từ lâu.
Kiev giờ đây hy vọng các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất sẽ đến tay họ sớm nhất vào mùa thu này, sau khi Washington đồng ý cho phép các nước thứ ba chuyển giao chúng, theo cố vấn Bộ Quốc phòng Ukraine Yuri Sak.
Một tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên của NATO trên Địa Trung Hải hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: AP
"Nếu tất cả chúng ta cùng nỗ lực và các quyết định được đưa ra nhanh chóng, tôi ước chừng đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, chúng ta có thể thấy những chiếc F-16 đầu tiên bay trên bầu trời Ukraine", ông nói.
Giới quan sát đánh giá mặc dù Ukraine khó lòng triển khai những máy bay này cho chiến dịch phản công dự kiến bắt đầu trong vài tuần nữa, tốc độ đưa ra quyết định của Mỹ thực sự là một bất ngờ.
Gần một năm trước, hai phi công chiến đấu xuất sắc của Ukraine với mật danh "Moonfish" và "Juice" đã gặp gỡ báo chí ở Washington để nêu lý do Kiev cần có F-16, loại chiến đấu cơ được trang bị nhiều radar, cảm biến và tên lửa hiện đại.
Hồi tháng hai, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã giơ hình ảnh một chiếc F-16 khi được hỏi tại Brussels về loại khí tài quân sự mà đất nước ông cần nhất hiện nay.
Đầu tháng này, Tổng thống Zelensky cho biết trong chuyến thăm Đức rằng ông đang thúc đẩy các đồng minh thành lập một liên minh cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu chuẩn NATO để phá vỡ ưu thế trên không của Nga.
Giới lãnh đạo Ukraine cho hay F-16 vượt trội hơn nhiều so với phi đội máy bay chiến đấu thời Liên Xô họ đang có. Nhưng đáp lại, các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đều thẳng thừng từ chối gửi F-16 đến Ukraine hay cho phép các đồng minh chuyển giao chúng cho Kiev.
Các quốc gia đã mua F-16 hoặc bất kỳ hệ thống vũ khí nào khác từ Mỹ đều phải xin phép Washington nếu muốn chuyển giao chúng cho bên thứ ba. Chính phủ Mỹ thường bác bỏ yêu cầu tái xuất khẩu vũ khí nếu họ nhận thấy những rủi ro nhất định từ hành động này.
Hồi đầu năm, khi được hỏi tại sao Nhà Trắng phản đối việc gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine, Tổng thống Biden chỉ trả lời ngắn gọn: "Bởi vì chúng ta nên giữ chúng ở đây".
Các quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc cũng liên tục nhấn mạnh rằng họ không tin F-16 là thứ Ukraine cần cho giai đoạn hiện nay của cuộc xung đột.
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào tháng trước, lãnh đạo Văn phòng các Vấn đề An ninh Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Celeste Wallander cho hay thứ Ukraine cần hơn hiện nay là tên lửa phòng không, pháo binh và xe tăng, thiết giáp.
Thay vì đáp ứng yêu cầu về F-16, Mỹ tìm mọi biện pháp để giúp Ukraine tăng năng lực của các tiêm kích chuẩn Liên Xô trong biên chế. Họ đã nỗ lực chỉnh sửa tên lửa không đối đất HARM để lắp đặt chúng trên tiêm kích MiG-29 Ukraine.
Gần đây nhất, hồi đầu tuần, sau khi Tổng thống Zelensky nhắc lại mong muốn của mình đối với F-16 và các tiêm kích chuẩn NATO khác, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã được hỏi liệu Washington có thay đổi quan điểm về việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Kiev hay không. Câu trả lời của ông vẫn là không.
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân quan trọng hơn khiến Mỹ chần chừ là mối quan ngại rằng việc gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ làm Nga nổi giận và leo thang các hành động quân sự, hoặc tăng quy mô cuộc chiến. Đó là lý do chính quyền Tổng thống Biden cho rằng các cuộc thảo luận về việc gửi F-16 cho Ukraine nên đợi cho đến khi giao tranh khép lại.
Nhưng một số đồng minh châu Âu không có chung suy nghĩ như vậy và bắt đầu chiến dịch gây sức ép để buộc Nhà Trắng thay đổi quan điểm. Đây là một nỗ lực tổng hợp của các nước châu Âu, các nhà lập pháp Mỹ từ cả hai đảng và nhất là giới lãnh đạo Ukraine. Tuần qua, Tổng thống Zelensky đã công du khắp châu Âu để kêu gọi nhiều viện trợ hơn cho Ukraine, đặc biệt là máy bay chiến đấu.
Áp lực càng gia tăng với Mỹ khi Anh hôm 16/5 tuyên bố khởi động một liên minh quốc tế tập trung vào việc mua sắm tiêm kích F-16 cho Ukraine. Theo thỏa thuận, Anh sẽ sớm bắt đầu đào tạo phi công Ukraine điều khiển chiến đấu cơ hiện đại. Bỉ nhanh chóng hưởng ứng, nói rằng họ cũng có thể huấn luyện phi công cho Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine cần bổ sung chiến đấu cơ hiện đại vào hệ thống phòng không của mình. "Thiếu chúng, hệ thống phòng không của chúng tôi không thể trở nên hoàn hảo. Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được điều đó", ông nói.
Người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov trong khi đó nhấn mạnh "tiêm kích là thứ duy nhất còn thiếu trong danh sách mong chờ" của Kiev.
Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine tổ hợp phòng không Patriot hiện đại, tin rằng đây sẽ là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" trên bầu trời Kiev, giúp hoàn thiện lưới phòng không của Ukraine. Nhưng tổ hợp Patriot nhanh chóng lộ điểm yếu khi tác chiến và trở thành mục tiêu tập kích của Nga bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tên lửa Kinzhal đã phá hủy tổ hợp Patriot trị giá 1,1 tỷ USD ở Kiev trong đợt tấn công rạng sáng 16/5. Cả Ukraine và Mỹ đều bác bỏ thông tin này, nhưng thừa nhận tổ hợp Patriot đã bị hư hại một phần sau đòn tập kích.
Việc tổ hợp Patriot bị tấn công càng thúc đẩy Ukraine và các đồng minh châu Âu tăng áp lực thuyết phục Mỹ suy nghĩ lại về việc cung cấp tiêm kích F-16. Marcy Kaptur, đồng chủ tịch Ủy ban Quốc hội Mỹ về Ukraine, gần đây đã nói rằng đã đến lúc Washington cân nhắc phương án hỗ trợ tiêm kích cho Kiev.
"Đối với Ukraine, đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ", bà cho biết. "Tất cả những người Ukraine đến gặp chúng tôi đều đề cập đến F-16. Chúng rất quan trọng với họ".
Kaptur đã cùng 12 nghị sĩ khác từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ tuần qua thúc giục chính quyền Biden gửi tiêm kích. Theo Politico, lần này, họ đã sử dụng ngôn ngữ quyết liệt hơn so với trước và tìm cách bác bỏ lập luận của chính quyền về lý do không nên cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 17/5. Ảnh: AFP
"Đó là quan điểm sai lầm mà chúng ta tự vẽ ra", các nghị sĩ viết trong đơn gửi chính quyền, đề cập tới lập luận từ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc rằng chiến đấu cơ không phải mong muốn hàng đầu của Ukraine. "Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine hỗ trợ quân sự ngay lập tức để phòng thủ trước những cuộc tấn công của Nga và chuẩn bị cho cuộc phản công dự kiến, đồng thời bắt đầu quá trình giúp Ukraine có khả năng chiếm ưu thế trên không trong dài hạn".
Tướng Christopher Cavoli, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, thừa nhận với các nghị sĩ rằng tiêm kích F-16, cùng với tên lửa tầm xa và máy bay không người lái (UAV), sẽ hỗ trợ đáng kể cho Ukraine trong nỗ lực kiểm soát bầu trời.
Hiện tại, dường như chưa chính phủ châu Âu nào đưa ra yêu cầu với Mỹ về việc gửi tiêm kích F-16 của họ cho Ukraine, nhưng họ có thể sẽ để dành chủ đề này đến hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO tại Vilnius, Litva, vào tháng 7.
Tổng thống Biden, cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, dự kiến tham dự sự kiện bên cạnh những người đồng cấp từ khắp liên minh NATO.
Hỗ trợ an ninh phương Tây dành cho Ukraine đã thay đổi đáng kể từ khi xung đột bùng phát đến nay. Ví dụ gần đây nhất là việc Anh quyết định gửi tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow tới Ukraine, giúp Kiev có khả năng bắn trúng mục tiêu cách 250 km, gấp khoảng ba lần tầm bắn của pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp.
Động thái trên một lần nữa cho thấy các đồng minh phương Tây đã giảm bớt lo ngại về các mối đe dọa leo thang từ Nga nếu Ukraine được cung cấp vũ khí mạnh hơn, giới phân tích nhận định.
Dù vậy, không phải mọi nghị sĩ Mỹ đều bị thuyết phục bởi lời kêu gọi cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Kelly cho biết ông ủng hộ việc chuyển chiến đấu cơ cho Ukraine, nhưng lo ngại về những rủi ro tiềm tàng trong ngắn hạn.
Hệ thống phòng không Nga "đang đặt ra một mối đe dọa khá lớn đối với các tiêm kích MiG-29 Ukraine, vậy mà họ sẵn sàng đưa những chiếc F-16 vào môi trường rủi ro như vậy ư?", ông đặt câu hỏi.
Mặc dù chương trình thí điểm huấn luyện hai phi công Ukraine điều khiển F-16 ở Arizona năm nay diễn ra tốt đẹp, "tôi lo ngại liệu họ có thể vận hành nó nhanh đến mức nào và hiệu quả của nó đến đâu trong cuộc chiến này", thượng nghị sĩ Kelly lưu ý.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/suc-ep-khien-my-doi-y-ve-tiem-kich-f-16-cho-ukraine-4607504.html