Trong Chiến tranh Lạnh, châu Âu được xem là ưu tiên chiến lược của Mỹ. Đông Á hầu như không được Washington chú trọng, dù Mỹ vẫn cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh trong khu vực.

Nhưng trong cuộc cạnh tranh siêu cường gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc mà nhiều người xem như "Chiến tranh Lạnh mới", các ưu tiên chiến lược của Washington đã bị đảo lộn. Hiện nay, chiến lược an ninh của Mỹ chủ yếu bị chi phối bởi mối đe dọa từ Trung Quốc và Đông Á đã thay thế châu Âu trở thành mặt trận cho cuộc ganh đua địa chính trị quan trọng của thế giới.

Nhưng khi Mỹ tập trung nguồn lực cho cuộc đối đầu với Trung Quốc, những hệ quả an ninh ngày càng trở nên rõ ràng, theo Minxin Pei, giáo sư Đại học Claremont McKenna và là thành viên Quỹ German Marshall của Mỹ.

Các đối thủ đang tận dụng thời cơ để thách thức quyết tâm của Mỹ. Iran đã tìm cách củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán bế tắc về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã rút vào năm 2018. Các lãnh đạo Iran dường như đang đặt cược rằng Tổng thống Joe Biden sẽ ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự và bị sa lầy trong cuộc chiến tranh Trung Đông mới, khi Mỹ muốn tập trung ứng phó với Trung Quốc.

Các mối đe dọa quân sự hiện tại của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Ukraine dường như cũng dựa trên những tính toán như vậy, theo giáo sư Pei.

"Putin tin rằng ông đang có cơ hội để khôi phục ảnh hưởng của Nga trong khu vực, bởi vì Mỹ khó có thể phân tâm khỏi chiến lược tập trung vào Trung Quốc", Pei nhận định.

Tổng thống Joe Biden (trái) hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 15/11. Ảnh: NY Times.

Những động thái gần đây của Nga và Iran là minh chứng cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ. Để tăng khả năng đạt kết quả thuận lợi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ phải duy trì kỷ luật chiến lược và tránh xa nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột khác có thể khiến tâm điểm chú ý và nguồn lực của họ bị phân tán. Pei cho rằng cuộc rút quân đột ngột và hỗn loạn của Biden khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021 cho thấy quyết tâm của chính quyền ông về vấn đề này.

Căng thẳng giữa Mỹ với Iran, Nga sẽ diễn ra như thế nào có thể phải cần thêm thời gian để kiểm chứng, nhưng Pei nhận định Washington sớm muộn cũng phải đối mặt với bài toán tương tự ở nhiều nơi khác.

"Một số cường quốc khu vực có thể tranh thủ bắt nạt nước láng giềng yếu hơn vì họ nghĩ rằng Mỹ xoay trục sang Đông Á đồng nghĩa họ ít có khả năng vấp phải can thiệp quân sự của Washington", Pei cho hay.

Giới quan sát tin rằng việc Mỹ tập trung vào Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác theo những cách khác nhau, trong đó tác động an ninh ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi sẽ ít hơn nhiều so với Trung Đông. Tại Mỹ Latinh và châu Phi, chính sách của Mỹ trong những năm tới có thể sẽ tập trung vào cạnh tranh kinh tế, công nghệ và ngoại giao với Trung Quốc.

Tác động an ninh lớn nhất khi Mỹ xoay trục sang Đông Á sẽ được cảm nhận ở Trung Đông, khu vực có an ninh phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Tập trung vào Trung Quốc rất có thể sẽ làm giảm đáng kể vai trò "cảnh sát" khu vực của Mỹ. Trong khi Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí và viện trợ cho các đồng minh, đối tác quan trọng nhất, Trung Đông sẽ phải đối mặt với tương lai không có bảo trợ an ninh từ Washington.

"Nếu Mỹ duy trì tập trung chiến lược vào Trung Quốc, họ sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ mất ảnh hưởng địa chính trị đáng kể ở những khu vực khác. Khi mất đi nguồn hỗ trợ tài chính hay đảm bảo an ninh của Mỹ, các quốc gia sẽ cảm thấy ít chịu ảnh hưởng hơn từ Washington", Pei cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ cho rằng vị thế toàn cầu của Washington sụt giảm cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể, cho cả nước này và phần còn lại của thế giới. Về phần Mỹ, duy trì ưu tiên vào cuộc ganh đua siêu cường với Trung Quốc sẽ giúp nước này giảm nguy cơ sa lầy các cuộc chiến không cần thiết.

Mặt tối tình trạng đơn cực của Mỹ trong phần lớn thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là Washington có xu hướng lạm dụng sức mạnh quân sự trong các vấn đề quốc tế, theo Pei. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết trong ba thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ hầu như năm nào cũng đưa lực lượng quân sự tham chiến ở nước ngoài. Đặc biệt, Mỹ đã hứng chịu tổn thất rất nặng nề về người và của trong hai cuộc chiến tranh lớn ở Afghanistan và Iraq.

Ở những nơi khác, xoay chuyển ưu tiên địa chính trị mới của Mỹ sẽ khiến những quốc gia vốn phụ thuộc vào Washington phải học cách tự bảo vệ mình, theo giới chuyên gia. Một số nước Trung Đông đang tìm cách xây dựng lại mối quan hệ và thúc đẩy hòa bình để chuẩn bị cho kịch bản "vắng bóng" Mỹ. Mối quan hệ giữa một số quốc gia vùng Vịnh và Israel đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.

Tại châu Âu, "quyền tự chủ chiến lược" có thể mới chỉ là lời kêu gọi của một số cường quốc khu vực. Nhưng khi Mỹ ngày càng khiến các đồng minh châu Âu thấy rằng khu vực này chỉ là ưu tiên thứ yếu của Washington, các nước ở lục địa già sẽ phải biến lời nói thành hành động.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright từng tuyên bố rằng Mỹ là "quốc gia không thể thiếu" của thế giới. Nhận xét này được cho là đúng với hầu hết thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Nhưng trong thời đại đối đầu gay gắt với Trung Quốc, Mỹ có thể chỉ là siêu cường không thể thiếu đối với Đông Á, chứ không phải với các khu vực khác.

"Khi thực tế này xảy ra, phần còn lại của thế giới sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài thích nghi. Điều đó có thể dẫn tới xung đột quân sự nhiều hơn, nhưng cũng có thể mang đến hòa bình nhiều hơn", Pei nhận định.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-nguy-co-ho-suon-khi-don-luc-dau-trung-quoc-4415679.html