Trong cơn tuyệt vọng, một loại thuốc thử nghiệm đã cứu mạng hai bác sĩ người Mỹ nhiễm Ebola ở châu Phi.
Hôm thứ Năm tuần trước, bác sĩ người Mỹ Kent Brantly nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Đây là ngày thứ 9 kể từ khi vị bác sĩ này mắc các triệu chứng của căn bệnh Ebola chết người ở quốc gia châu Phi Liberia.
Tình trạng sức khỏe xấu dần đi từng phút, và bác sĩ Brantly đã gọi cho vợ để nói lời vĩnh biệt. Thế nhưng, hóa ra cuộc gọi đó là không cần thiết.
Bác sĩ Brantly (phải) bị nhiễm virus Ebola khi đang làm từ thiện ở Liberia
Giờ đây bác sĩ Brantly đang gắng gượng vực dậy sau khi đồng nghiệp của anh sử dụng giải pháp cuối cùng, đó là một loại thuốc mới đang trong giai đoạn thử nghiệm có độ rủi ro rất cao.
Sau khi được tiêm loại thuốc này, sức khỏe của bác sĩ Brantly và người đồng nghiệp Nancy Writebol (người có cùng các triệu chứng mắc bệnh Ebola) khá dần lên trông thấy. Brantly được chuyển về Mỹ hồi cuối tuần và đến bệnh viện trường đại học Emory, bang Atlanta, Mỹ để điều trị.
Hôm 22/7, Brantly tỉnh dậy với cảm giác ngây ngấy sốt. Lo sợ điều xấu nhất xảy ra, Brantly lập tức tự cách ly mình. Người đồng nghiệp Writebol cũng có cùng các triệu chứng 3 ngày sau đó. Xét nghiệm máu nhanh cho thấy cả hai người đã bị nhiễm virus Ebola sau khi có triệu chứng sốt, nôn mửa và tiêu chảy.
Brantly và Writebol đều làm việc cho tổ chức nhân đạo Purse để giúp đỡ người dân ở quốc gia nghèo đói Liberia, và người ta tin rằng cả hai nhiễm Ebola khi đang chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện địa phương.
Dịch Ebola đang bùng phát ở châu Phi khiến hơn 800 người thiệt mạng
Thứ thuốc thần kỳ đã cứu mạng họ có tên gọi là ZMapp do tập đoàn dược phẩm Mapp Biopharmaceutical ở San Diego, Mỹ phát triển. Đây là loại thuốc chưa bao giờ được thử nghiệm trên người, tuy nhiên nó đã cho thấy tác dụng khi được sử dụng trên loài khỉ.
Theo tài liệu của công ty này, 4 con khỉ nhiễm Ebola đã sống sót sau khi được tiêm ZMapp trong vòng 24 giờ từ lúc nhiễm bệnh. Hai trong số 4 con khỉ khác cũng sống sót khi được tiêm thuốc trong vòng 48 giờ. Một con khỉ không được tiêm thuốc đã chết trong vòng 5 ngày sau khi phơi nhiễm Ebola.
Mặc dù biết rằng đây mới chỉ là loại thuốc thử nghiệm có độ rủi ro rất cao, cả Brantly và Writebol đều đồng ý tiêm thuốc vì đây là thứ duy nhất có thể cứu họ, bởi từ trước tới nay nhân loại chưa hề có loại thuốc nào trị được virus Ebola, thứ virus đang hoành hành khủng khiếp ở châu Phi khiến hơn 800 người thiệt mạng.
Hình ảnh virus Ebola sau khi thâm nhập vào cơ thể bệnh nhân
Thuốc ZMapp là kháng thể được lấy từ cơ thể của những con chuột đã bị phơi nhiễm virus Ebola, có tác dụng ngăn chặn loại virus chết người này xâm nhập và lây nhiễm với các tế bào mới bên trong cơ thể.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân, Ebola gây ra hiện tượng sốt xuất huyết khi xâm nhập vào hệ thống đa tạng của cơ thể, thường đi kèm với hiện tượng chảy máu trong. Các triệu chứng đầu tiên bao gồm sốt, nhức mỏi, đau đầu, đau họng. Sau đó, người bệnh sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy, suy thận và gan, xuất hiện các dấu hiện chảy máu trong và chảy máu ngoài.
Thuốc ZMapp được đưa tới Liberia vào sáng thứ Năm tuần trước, và bác sĩ Brantly đã được tiêm loại thuốc này đầu tiên khi tình trạng sức khỏe của anh bất ngờ diễn biến xấu. Sau khi được tiêm loại thuốc này, Brantly đã thở dễ dàng hơn, và những vết phát ban trên cơ thể nhạt dần đi. Một bác sĩ đã mô tả sự kiện này là “phép màu”.
Một người bệnh với các triệu chứng nhiễm virus Ebola
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các cơ quan y tế không nên “sử dụng các loại thuốc chưa qua thử nghiệm trong đại dịch vì nhiều lý do khác nhau.
Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới cũng có những khuyến nghị tương tự: “Việc bác sĩ sử dụng một loại thuốc chưa qua thử nghiệm trên bệnh nhân là một lựa chọn rất khó khăn vì ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là không làm điều gì có thể gây hại, và chúng tôi cho rằng các liệu pháp thử nghiệm vẫn là lợi bất cập hại”.
ZMapp là loại thuốc chưa được cấp phép sử dụng ở người, và thậm chí chưa trải qua quá trình đánh giá lâm sàng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của nó. Những loại thuốc thử nghiệm này chỉ được sử dụng ở người trong những trường hợp tối khẩn cấp, khi không còn biện pháp nào khác, chẳng hạn như trong trường hợp của Brantly và Writebol.
Dịch virus Ebola hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là tên gọi của một loại bệnh trên người có tỷ lệ tử vong cao đến 90%. Virus được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu vào năm 1976. Virus gây bệnh này có hàng loạt biến thể. Virus Ebola tấn công hầu hết các cơ quan và mô của cơ thể con người, gây suy giảm hệ thống miễn dịch, xuất huyết và dễ khiến người nhiễm bệnh tử vong. |
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.