Mỹ cùng hàng chục nước bàn về Triều Tiên, Trung Quốc đứng ngoài

16:57' 16-01-2018
Mỹ và Canada, hôm 16/1, đồng tổ chức hội nghị ở Vancouver về mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng, giữa lúc căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên vẫn đang âm ỉ và đối thoại trực tiếp giữa hai miền đang tiếp tục.

Hội nghị diễn ra vào một thời điểm quan trọng. Tuy nhiên, do sự chú ý của giới ngoại giao đang tập trung vào đối thoại Hàn - Triều nên giới phân tích cho rằng hội nghị ở Vancouver sẽ không cho nhiều kết quả.

Mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên là chủ đề chính của hội nghị ở Vancouver. (Ảnh: KCNA/AP)

"Tôi chắc chắn, do tình hình hiện thời trên Bán đảo, các đại biểu dự cuộc họp sẽ rất thận trọng khi phát biểu công khai. Bởi vì tôi cho rằng đa số họ không muốn làm hỏng chuyện theo bất kể cách nào. Những gì họ làm, những gì họ nói đều sẽ mang tính cổ vũ những gì Chính phủ Triều Tiên đang cố gắng đạt được", hãng tin CNN dẫn lời nhận định của Joel Wit thuộc Viện Mỹ - Hàn tại Trường Nghiên cứu quốc tế tiến bộ Johns Hopkins. 

Phía chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn rất lạc quan, tin rằng có thể dùng các cuộc thảo luận ở Vancouver để thúc đẩy chiến dịch "áp lực hòa bình" hoặc "áp lực tối đa". Washington cho rằng chính áp lực đã góp phần khiến Triều Tiên nối lại đối thoại với Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ dự hội nghị. Nỗ lực của ông Tillerson về Triều Tiên không ít lần đã trở nên phức tạp bởi chính bình luận của Tổng thống Trump. Hồi tháng 10, ông Trump viết trên Twitter rằng "Rex đang phí thời gian tìm cách đối thoại với Người Tên lửa", ám chỉ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

"Chúng tôi có mặt ở hội nghị Vancouver để đánh giá vể tiến bộ đến thời điểm này.  Chúng tôi sẽ thảo luận về cấm vận – các cấm vận đã thực hiện đa phương và đơn phương đến nay – và sự hiệu quả của chúng, và những gì chúng tôi có thể sẽ làm trong năm tới", CNN dẫn lời ông Brian Hook, Giám đốc phụ trách hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Có tổng cộng 18 nước dự hội nghị do Mỹ và Canada chủ trì, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, không tham gia.

"Chúng tôi sẽ trao cho họ báo cáo của hội nghị sau khi kết thúc", ông Hook cho biết thêm.

Theo giới phân tích, danh sách khách mời hạn chế có thể là cơ hội để các đối tác của Mỹ thúc ép chính quyền ông Trump hướng tới mở rộng đối thoại trực tiếp với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Mới tuần trước, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Phố Wall, Tổng thống Trump dường như tỏ tín hiệu ông cởi mở với Bình Nhưỡng khi bình luận "tôi có thể có quan hệ tốt với Kim Jong Un".

Một lĩnh vực mà các nhà ngoại giao hy vọng sẽ đạt tiến bộ tại hội nghị Vancouver là kiểm soát đường biển: các nỗ lực phá vỡ dòng hàng hóa lậu tuồn vào Triều Tiên vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, với việc Trung Quốc không tham dự, nhiều người cho rằng hội nghị khó mà đạt kết quả.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Moira Deeming MLCParliament of Victoria Vùng: Caroline Springs. Phone: 8363 0288
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMNET.

Original source can be found here: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/my-cung-hang-chuc-nuoc-ban-ve-trieu-tien-tq-dung-ngoai-423869.html