Nhà Trắng hôm nay thông báo "lệnh trừng phạt ngăn chặn toàn diện với hơn 400 cá nhân và tổ chức, trong đó có Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) cùng các thành viên, giới thượng lưu Nga và các công ty quốc phòng Nga" liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Danh sách trừng phạt mới gồm 328 thành viên Duma Quốc gia Nga và cơ quan này, 17 thành viên hội đồng quản trị ngân hàng Sovcombank, tỷ phú Gennady Timchenko cùng các công ty và gia đình ông và CEO kiêm chủ tịch Sberbank Herman Gref.

Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với 48 doanh nghiệp quốc phòng Nga. Nhà Trắng lập luận những công ty này sản xuất vũ khí được sử dụng trong chiến dịch ở Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) tại Moskva ngày 26/1. Ảnh: AP.

Các cá nhân và tổ chức nằm trong danh sách bị đóng băng tài sản tại Mỹ. Lệnh trừng phạt cũng cấm mọi hoạt động hợp tác, giao dịch và đầu tư từ Mỹ với cá nhân hay tổ chức trong danh sách đen, trừ trường hợp được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) cấp phép đặc biệt. Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ cho biết với động thái này, 48 doanh nghiệp quốc phòng Nga sẽ không thể tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ, nguồn lực tài chính và công nghệ phương Tây.

Washington khẳng định Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ duy trì sức ép, buộc Moskva nhận thức rõ "hệ lụy chồng chất qua những hành động kinh tế hiện tại và tương lai" nếu vẫn duy trì hoạt động quân sự tại Ukraine.

Thông cáo được Nhà Trắng công bố nhân chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại châu Âu và dự cuộc họp thượng đỉnh NATO hôm nay ở Brussels, Bỉ. Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày cảnh báo mọi giao dịch vàng có liên quan đến Nga đều có thể bị Mỹ trừng phạt.

Liên lạc giữa Mỹ và Nga giảm mạnh sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2. Điện Kremlin mô tả chiến dịch nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" nước láng giềng.

Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt một số vòng trừng phạt với Nga, bao gồm loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu, kim cương, hải sản và vodka Nga. Nước này và các đồng minh bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, mở đường để tăng thuế áp với các mặt hàng của Nga.

Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Putin, phong tỏa tài sản và lợi ích tại Mỹ của ông. Tuy nhiên, biện pháp này được đánh giá là chỉ mang tính biểu tượng. Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga nhận mức lương tương đương 140.000 USD/năm và chỉ sở hữu một căn hộ nhỏ.

Đáp trả Washington, Moskva áp lệnh trừng phạt với Tổng thống Mỹ Biden và một số quan chức hàng đầu Mỹ, cấm họ nhập cảnh vào Nga. Tuy nhiên, động thái này cũng được coi là chỉ mang tính biểu tượng, khi Điện Kremlin khẳng định có thể tổ chức đối thoại giữa ông Putin và ông Biden nếu cần thiết.

Nga đã cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Một số sản phẩm trong ngành lâm nghiệp và đồ gỗ cũng bị cấm xuất khẩu đến "các quốc gia thiếu thân thiện", gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Nga là nước sở hữu 1/5 diện tích rừng của thế giới.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-ap-trung-phat-voi-hon-300-nghi-si-nga-4443123.html