Phối hợp cùng G7 và Liên minh châu Âu (EU), Nhà Trắng hôm 6/4 công bố loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào hai ngân hàng lớn nhất của Nga và các con gái của Tổng thống Vladimir Putin, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách tăng cường áp lực tài chính đối với Điện Kremlin vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Lệnh trừng phạt đối với ngân hàng Sberbank và Alfa Bank đi kèm lệnh cấm các khoản đầu tư mới của người Mỹ vào Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt đối với một số doanh nghiệp nhà nước Nga, trong đó có một công ty máy bay và đóng tàu.

Các biện pháp trừng phạt mới cũng được áp đặt đối với thành viên gia đình Ngoại trưởng Sergey Lavrov và các quan chức cấp cao khác của Nga. "Chúng tôi sẽ tăng cường cô lập kinh tế Nga hơn nữa", Tổng thống Biden nói, khẳng định Mỹ "sẽ tiếp tục sát cánh cùng người dân Ukraine".

Nhưng ngay cả khi chính quyền ông Biden áp biện pháp trừng phạt bổ sung, nhiều người ngày càng tỏ ra hoài nghi về mức độ hiệu quả của làn sóng trừng phạt chưa từng thấy của phương Tây nhắm vào Nga.

EU trước đó một ngày cũng đề xuất cấm nhập khẩu than từ Nga nhằm tăng sức ép với Moskva. Nhưng đề xuất này sẽ gặp nhiều thách thức, khi một số thành viên EU lo ngại lệnh cấm năng lượng Nga có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của họ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters.

Mỹ và đồng minh tung ra loạt lệnh trừng phạt đầu tiên với Nga vài tuần trước, khiến đồng ruble lao dốc xuống mức thấp kỷ lục hôm 7/3. Tuy nhiên, đồng ruble đã phục hồi gần đây, khi Nga tung ra một loạt biện pháp để cứu đồng nội tệ, còn châu Âu vẫn tiếp tục mua hàng tỷ USD dầu và khí đốt từ Nga.

Dù chính quyền Biden cấm nhập khẩu năng lượng Nga, Washington đã trì hoãn trừng phạt các giao dịch năng lượng quốc tế của Moskva do lo ngại về tác động của giá năng lượng toàn cầu cao đối với lạm phát trong nước.

"Vấn đề khi chặn nguồn dầu xuất khẩu từ Nga là rất nhiều nước, đặc biệt là ở châu Âu, phụ thuộc vào nguồn dầu này. Chúng ta sẽ chứng kiến giá nhiên liệu tăng vọt nếu áp lệnh cấm hoàn toàn dầu của Nga", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói trong phiên điều trần trước quốc hội hôm qua.

Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt EU tiêu thụ và chiếm khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu của khu vực này.

Mỹ cũng từ chối những lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về áp các biện pháp trừng phạt Nga quyết liệt hơn, trong đó có yêu cầu chặn tàu quốc tế đến cảng Nga.

"Loạt lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU tăng cường đáng kể các biện pháp vốn đã cứng rắn trước đó. Tuy nhiên, với tình hình nghiêm trọng ở Ukraine hiện tại, liệu các biện pháp này có đủ hay không", Daniel Glaser, chuyên gia từng làm việc tại Văn phòng Khủng bố và Tình báo Tài chính tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, đặt câu hỏi. "Dầu và khí đốt Nga không chịu tác động gì và Moskva vẫn tiếp cận được hệ thống tài chính quốc tế".

"Họ không bịt được lỗ hổng lớn nhất trong các lệnh trừng phạt, đó là Nga tiếp tục bán dầu và khí đốt, thu về một tỷ USD mỗi ngày", Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng phụ trách về chính sách trừng phạt Nga dưới thời ông Obama, nói. "Chừng nào vấn đề này còn tồn tại, hiệu quả của biện pháp trừng phạt sẽ còn hạn chế".

Các quan chức Nhà Trắng cho rằng loạt lệnh trừng phạt vẫn đang phát huy hiệu quả, viện dẫn những dự báo cho thấy nền kinh tế Nga có thể sụt giảm 15% trong năm nay. Họ cho biết lạm phát ở Nga đã tăng khoảng 2% mỗi tuần.

"Nếu bất kỳ ai nhìn vào nền kinh tế Nga bây giờ và nghĩ rằng họ đang hồi phục, tôi nghĩ rằng họ chưa nhìn nhận đúng vấn đề", Brian Deese, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, nói. "Họ đang hoàn toàn bị cô lập".

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga được cho có thể làm tăng thêm căng thẳng với nền kinh tế toàn cầu đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.

Nga không chỉ là một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới, mà còn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng phụ tùng xe hơi, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác trên toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo việc giá năng lượng và thực phẩm trên toàn cầu tăng vọt sẽ tác động nghiêm trọng tới các nước nghèo vốn phụ thuộc vào xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine.

"Chúng tôi đang ở giai đoạn phải chịu một số nỗi đau", Benn Steil, giám đốc kinh tế quốc tế của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, nói. "Các biện pháp trừng phạt ban đầu được tạo ra với mục tiêu không làm tổn hại cho phương Tây nhiều bằng Nga".

Tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt tới nền kinh tế phương Tây có thể làm rạn nứt liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm ứng phó với chiến dịch quân sự của Nga.

"Liên minh hai bờ Đại Tây Dương đã chạm tới giới hạn về những gì có thể dễ dàng và nhanh chóng thực hiện để gây áp lực với Nga", Clayton Allen, giám đốc tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nói về các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Giới quan sát cho rằng để chuyển sang vòng trừng phạt cứng rắn hơn, Mỹ sẽ cần cung cấp một số đảm bảo cho các nước châu Âu rằng thị trường năng lượng và nguồn cung của họ vẫn được giữ ổn định để tránh những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

"Một khi bị suy yếu về kinh tế, EU sẽ không thể giúp đỡ được ai", Allen nói. "Nếu rơi vào suy thoái, họ sẽ cạn kiệt cả về tinh thần lẫn vật chất để có thể cung cấp bất cứ hỗ trợ nào cho Ukraine".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/hoai-nghi-ve-hieu-qua-loat-lenh-trung-phat-nham-vao-nga-4448468.html