Mỹ cố “thức tỉnh” các đồng minh về mối nguy cơ từ Triều Tiên
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (Mike Pence) đang có chuyến công du châu Á. Ảnh: NBC.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (Mike Pence) đang có chuyến công du châu Á bắt đầu từ ngày 6/2 vừa qua nhân dịp tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc vào ngày 9/2 tới.
Theo giới quan sát, chuyến đi này của ông Mike Pence không chỉ là để tham dự một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, mà còn là nhằm trấn an và quan trọng hơn cả là “thức tỉnh” các nước đồng minh về mối đe dọa hạt nhân ngày một tăng của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Với tư cách là khách mời tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã mời cha của Otto Warmabier, công dân Mỹ qua đời sau khi bị Triều Tiên bắt giữ đi cùng đoàn. Đây có thể coi là lời nhắc nhở mà Mỹ muốn gửi tới không chỉ các đồng minh, mà còn toàn thế giới về cái mà nước này gọi là “mối nguy cơ” từ Triều Tiên. Theo lịch trình, ông Mike Pence cũng sẽ tới khu khu tưởng niệm 49 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng năm 2010 khi tàu chiến của Hàn Quốc bị chìm, mà nước này cáo buộc là bị ngư lôi của Triều Tiên tấn công.
Phát biểu hôm 7/2 tại thủ đô Tokyo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào Triều Tiên, khẳng định đây là một nỗ lực nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Để trấn an các nước đồng minh, phó Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch gây sức ép tối đa chừng nào Triều Tiên chưa có bước đi cụ thể hướng tới việc phi nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được:
“Mọi lựa chọn đều đang nằm trên bàn, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai khí tài quân sự tân tiến nhất tới Nhật Bản và khu vực rộng lớn hơn để bảo vệ vùng đất của mình cũng như các đồng minh. Hãy để cho thế giới thấy rằng, chúng ta sẽ tiếp tục gia tăng sức ép tối đa cho tới khi Triều Tiên có những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa một cách toàn diên, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Với mục tiêu này, Mỹ sẽ sớm thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất đối với Triều Tiên,” ông nói.
Về phần mình Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định, hai bên không chấp nhận một Triều Tiên được vũ trang hạt nhân. Nhật Bản và Mỹ sẽ khẳng định chính sách gây sức ép tối đa với Triều Tiên trong các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm thể hiện sự hợp tác giữa 3 quốc gia.
Những tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh, ngày 17/1 vừa qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí về việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 diễn ra từ ngày 9-25/2. Đây được coi là một động thái nhằm làm "tan băng" trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, bầu không khí hòa hoãn này lại bị phủ bóng bởi cuộc khẩu chiến không hề có dấu hiệu dịu lại giữa Mỹ và Triều Tiên. Mọi sự chú ý lúc này đều không còn là Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang nữa, mà là cuộc tập trận chung hàng năm Mỹ- Hàn dự kiến sẽ được nối lại ngay sau khi sự kiện thể thao tại Hàn Quốc kết thúc.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 6/2 đăng bài viết cảnh báo, điều này sẽ chỉ khiến bán đảo Triều Tiên trở lại tình trạng đối đầu. Theo bài viết, ngay cả trước khi Thế vận hội bắt đầu vào ngày 9/2 tới tại Hàn Quốc, trong khu vực và trên thế giới đã xuất hiện ngày càng nhiều những mối lo ngại về tình hình trên bán đảo Triều Tiên sau sự kiện thể thao toàn cầu này, ngụ ý việc Mỹ từng tuyên bố sẽ nối lại các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc ngay sau khi Thế vận hội kết thúc
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2058169