"Trong một thế giới mà hành vi vi phạm luật pháp quốc tế diễn ra liên tục và ngày càng tăng, nghĩa vụ đạo đức của chúng ta là tái khẳng định cam kết bền bỉ đối với toàn bộ quyết định của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) một cách nhất quán, dù chủ đề được đề cập là gì", ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), hôm 20/7 cho hay.

Tuyên bố của ông Borrell được đưa ra sau khi ICJ hôm 19/7 phán quyết việc Israel thiết lập, duy trì các khu định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, cùng các chính quyền liên quan, đã vi phạm luật pháp quốc tế. Israel có nghĩa vụ trả tiền bồi thường thiệt hại và "sơ tán toàn bộ người khỏi tất cả khu định cư hiện nay".

Tòa cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và mọi quốc gia không công nhận hành vi chiếm đóng của Israel và không "cung cấp viện trợ hoặc hỗ trợ" để giúp Tel Aviv duy trì hiện diện ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Đây là phán quyết mạnh mẽ nhất của ICJ về xung đột Israel - Palestine từ trước đến nay.

Theo ông Josep, phán quyết này "sẽ cần được phân tích kỹ lưỡng hơn, bao gồm cả tác động của nó đối với chính sách của EU".

Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell tại cuộc họp báo ở Guatemala hồi tháng 1. Ảnh: AFP

Mỹ, đồng minh quan trọng của Israel, chỉ trích phán quyết của tòa. "Chúng tôi đã nói rõ chương trình hỗ trợ của chính phủ Israel cho các khu định cư vừa không phù hợp với luật pháp quốc tế vừa cản trở tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại quan điểm của tòa chỉ càng làm phức tạp nỗ lực giải quyết xung đột", Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Mỹ cũng cho rằng quan điểm của ICJ về việc Israel phải rút khỏi lãnh thổ Palestine càng sớm càng tốt "không phù hợp với khuôn khổ đã được thiết lập" để giải quyết xung đột. Theo Washington, khuôn khổ đó đã tính đến các nhu cầu an ninh của Israel, đặc biệt sau vụ đột kích của Hamas tháng 10/2022.

Phán quyết của ICJ không mang tính ràng buộc, nhưng được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về số người chết và sự tàn phá trong cuộc chiến của Israel ở Gaza, cũng như căng thẳng gia tăng ở Bờ Tây.

Israel bác ý kiến của ICJ, gọi đây là phán quyết "hoàn toàn sai" và mang tính một chiều, đồng thời nhắc lại quan điểm chỉ có thể đạt được giải pháp chính trị tại khu vực thông qua đàm phán. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này "không thể tự chiếm đóng lãnh thổ của mình".

Bộ Ngoại giao Palestine gọi đây là phán quyết "lịch sử" và kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ.

Vị trí Bờ Tây và Jerusalem. Đồ họa: BBC

Trong chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel đã chiếm giữ Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, những khu vực được coi là thuộc về Palestine. Israel sau đó xây dựng các khu định cư trên khắp Bờ Tây và không ngừng mở rộng chúng.

Israel cho rằng các vùng lãnh thổ này không bị chiếm đóng về mặt pháp lý do chúng là những khu vực tranh chấp, song LHQ và hầu hết cộng đồng quốc tế coi đây là các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Israel rút quân đội và khu định cư khỏi Gaza năm 2005 và Hamas kiểm soát khu vực này từ 2007.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Westbourne Grammar Vùng: Truganina. Phone: 9731 9448
Xem thêm

trường học chuyên định hình nên những con người truyền cảm hứng cho thế giới


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/eu-ung-ho-phan-quyet-israel-chiem-dong-bat-hop-phap-lanh-tho-palestine-4772495.html