Mỹ, châu Âu chật vật khống chế Covid-19
Thế giới ghi nhận 67.346.138 ca nhiễm và 1.541.143 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 527.747 và 7.508 ca trong một ngày, trong khi 46.558.500 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 150.694 ca nhiễm và 1.024 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 15.136.362, trong đó 288.856 người đã chết. Vài ngày qua, số ca nhiễm và ca tử vong trong 24 giờ liên tục cao kỷ lục. Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.
Nhân viên y tế tại điểm lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Đại học Y tế Washington, Seattle, hồi tháng ba. Ảnh: AP.
Chính quyền địa phương và các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, với hy vọng giảm bớt sự bùng phát trở lại của Covid-19 sau thời gian tạm lắng vào mùa hè.
Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, số ca tử vong trung bình trong tháng vì Covid-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12, lên hơn 70.000, sau đó tiếp tục tăng lên hơn 76.000 vào tháng 1, trước khi giảm xuống trong tháng 2.
Tổng thống Donald Trump ngày 6/12 cho biết Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông, đã dương tính với Covid-19. Trên mạng xã hội Twitter, ông gửi lời chúc sức khỏe tới Giuliani, song không quên gọi nCoV là "virus Trung Quốc".
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 32.272 ca nhiễm và 374 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.676.801 và 140.590.
Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Anil Vij ngày 5/12 thông báo nhiễm Covid-19 và đã nhập viện để theo dõi điều trị. Vij đã tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine Covaxin giai đoạn ba hồi cuối tháng trước và được dùng một liều thử nghiệm. Tuy nhiên, không rõ ông được tiêm vaccine hay giả dược.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tuần trước tới thăm các cơ sở sản xuất vaccine, nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine Covid-19 trong công tác kiểm soát đại dịch. Hồi tháng 10 ông cho biết chính phủ sẵn sàng tiêm chủng cho từng người dân ngay khi vaccine sẵn sàng. Tuy nhiên, Rajesh Bhushan, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, giải thích thêm rằng họ chỉ cần tiêm cho một số lượng người nhất định để phá vỡ chuỗi lây truyền, thay vì tiêm chủng toàn quốc.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 300 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 176.941. Số người nhiễm nCoV tăng 26.363 trong 24 giờ qua, lên 6.603.540.
Các thống đốc bang và chính trị gia đối lập đang thúc giục chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro lập kế hoạch tiêm chủng quốc gia. Việc Bolsonaro tuyên bố "sẽ không sử dụng vaccine Covid-19" làm dấy lên lo ngại hàng triệu người ủng hộ ông cũng sẽ không chịu tiêm, khiến Brazil không thể đạt được mục tiêu tối thiểu 70-75% dân số được tiêm chủng để ngăn đại dịch.
Tại châu Âu, nhiều biện pháp chống dịch đã được đưa ra nhằm đối phó với sóng Covid-19 thứ hai song hiệu quả chưa thực sự rõ ràng. Đây là châu lục có tỷ lệ nhiễm và tử vong tính theo đầu người cao nhất thế giới. 5 quốc gia châu Âu đứng trong danh sách 10 nước có số người chết vì Covid-19 nhiều nhất thế giới với Anh xếp hàng 5, Italy xếp thứ 6, Pháp đứng thứ 7, Tây Ban Nha đứng thứ 9 và Nga đứng thứ 10.
Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.292.497 ca nhiễm và 55.155 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 11.022 và 174 ca. Tổng thống Pháp tuần trước nói rằng nước này đã qua đỉnh sóng lây nhiễm thứ hai.
Chính phủ đã nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc thứ hai vì Covid-19, được áp dụng từ ngày 30/10, với việc cho phép tất cả cửa hàng mở cửa trở lại vào cuối tuần. Các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép tổ chức trở lại, nhưng tín đồ chỉ được tập trung dưới 30 người bất kể quy mô của nhà thờ.
Anh báo cáo thêm 17.272 ca nhiễm và 231 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.723.242 và 61.245. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.
Quốc hội Anh đã thông qua kế hoạch kiểm soát Covid-19 cấp khu vực, buộc hơn 40% dân số phải chịu lệnh hạn chế khắt khe, bất chấp sự phản đối của hàng chục nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson.
Đức ghi nhận 14.750 ca nhiễm và 184 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.184.095 và 19.159. Các cuộc tụ tập riêng tư bị giới hạn xuống còn 5 người từ ngày 1/12, số lượng khách được vào các cửa hàng cũng giảm xuống. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng nước này có thể bắt đầu tiêm chủng muộn nhất vào tháng một năm sau.
Phản ứng của Đức trước làn sóng Covid-19 đầu tiên được đánh giá cao, nhưng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch khi làn sóng thứ hai tấn công châu Âu, số ca nhiễm được ghi nhận khá đáng kể. Bên cạnh đó, đông đảo người dân trở nên tức giận vì những lệnh hạn chế, dẫn đến các cuộc biểu tình.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 29.039 ca nhiễm nCoV và 457 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.460.770 và 43.141.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cảnh báo đại dịch đang rất nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước, đáng lo ngại nhất là Kaliningrad và Saint Peterburg. Thay vì áp dụng các lệnh phong tỏa trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, Nga chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Saint Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.
Nhân viên y tế ngày 5/12 bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho hàng nghìn người ở thủ đô Moskva. Chiến dịch này sẽ được mở rộng ra toàn quốc vào tuần này, bất chấp việc vaccine của Nga chưa được chứng minh là hoàn toàn an toàn và hiệu quả.
Bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội và giáo viên, những người có nguy cơ nhiễm virus cao nhất, đang được tiêm chủng tại 70 địa điểm trên khắp thành phố và sẽ nhận liều vaccine thứ hai sau 21 ngày nữa.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 50.310 người chết, tăng 294, trong tổng số 1.040.547 ca nhiễm, tăng 11.561. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này tuần trước cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.
Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho hay mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, hầu hết văn phòng không thiết yếu của chính phủ vẫn bị đóng cửa nhằm ngăn virus lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương nước này cấp ngân sách cần thiết để nhập khẩu vaccine Covid-19.
Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 631 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 37.546, trong đó 545 trường hợp tử vong, tăng 5 ca so với một ngày trước.
Từ 5/12, thủ đô Seoul áp đặt hạn chế chưa từng có tiền lệ, đóng cửa hầu hết các cơ sở và cửa hàng lúc 21h. Thủ tướng Chung Sye-kyun cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.
Chính phủ Hàn Quốc hôm qua quyết định áp đặt các quy tắc cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Seoul và những khu vực lân cận. Theo đó, mọi hoạt động tụ tập trên 50 người đều bị cấm. Giới hạn về số người tham dự được thắt chặt hơn đối với các lớp học và sự kiện tôn giáo. Các cơ sở kinh doanh như phòng gym hay quán karaoke cũng đối mặt những hạn chế mới. Những quy định bổ sung này sẽ có hiệu lực trong ít nhất ba tuần, tới cuối tháng 12.
Quyết định trên được đưa ra sau khi chính phủ ngày 5/12 tuyên bố thực hiện các biện pháp mới chưa từng có tiền lệ nhằm khống chế sóng Covid-19 thứ ba. Tại thủ đô Seoul, mọi cửa hàng, cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa trước 21h, hoạt động giao thông công cộng được cắt giảm 30% vào buổi tối.
Chỉ 15,8% ca nhiễm mới trong hai tuần qua được xác định nguồn lây nhiễm, không như hai đợt trước khi ổ dịch bùng phát từ các buổi tụ tập và nghi lễ trong nhà thờ. Quyền thị trưởng Seoul Seo Jeong-hyupSeo cho biết mùa đông lạnh giá càng khiến tình hình dịch bệnh khó kiểm soát hơn vì người dân ở cùng nhau trong những không gian kín.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 575.796 ca nhiễm, tăng 6.089, trong đó 17.740 người chết, tăng 151.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Philippines báo cáo 439.834 ca nhiễm và 8.554 ca tử vong, tăng lần lượt 1.768 và 29 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Chính phủ Philippines đã ban lệnh cấm tổ chức tiệc Giáng sinh, các buổi tụ họp gia đình và hát mừng ngoài trời. Philippines cũng hủy kế hoạch cho phép trẻ em tới các trung tâm mua sắm.
WHO cảnh báo các nước không nên chủ quan cho rằng khủng hoảng sắp qua vì chương trình tiêm chủng đang cận kề. "Vaccine không có nghĩa là không còn Covid", giám đốc mảng khẩn cấp của WHO Michael Ryan phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/12. "Vaccine và tiêm chủng sẽ bổ sung một công cụ lớn, mạnh mẽ vào bộ công cụ mà chúng ta có. Nhưng chỉ riêng vaccine không đủ để xóa sổ đại dịch".
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/hon-67-trieu-ca-covid-19-toan-cau-chau-au-va-my-chat-vat-chong-dich-4202355.html