Mỹ châm dầu vào Ukraine
Binh sĩ Ukraine tuần tra ở làng Novoluhanske hôm 19-12 Ảnh: REUTERS
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bật đèn xanh cho việc bán vũ khí phòng vệ sát thương cho Ukraine, đi ngược lại chính sách không chính thức có từ thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Quyết định âm thầm
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 20-12 cho biết bộ này đã thông báo cho quốc hội 1 tuần trước đó về quyết định phê chuẩn một giấy phép xuất khẩu - cho phép Ukraine mua những loại vũ khí nhỏ và hạng nhẹ nhất định từ các nhà sản xuất Mỹ. "Dưới thời 2 chính quyền trước, Washington đã cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Ukraine nên chuyện này không có gì mới" - bà Nauert cho biết, có ý nói đến chuyện Kiev từng mua những loại vũ khí trên trong giai đoạn trước và sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Sau khi nổ ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, theo đài CNN, quốc hội Mỹ thông qua một dự luật hồi năm 2014, cho phép Washington bán vũ khí sát thương cho Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền ông Obama chưa hề bật đèn xanh cho những thương vụ loại này - một động thái được xem là lệnh cấm không chính thức việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.
Giờ đây, theo tiết lộ của báo The Washington Post hôm 20-12, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán các hệ thống súng bắn tỉa M107A1 cùng đạn dược và linh kiện đi kèm cho Ukraine, có giá trị khoảng 41,5 triệu USD. Tuy nhiên, hiện chưa có sự phê chuẩn nào đối với việc xuất khẩu những vũ khí nặng hơn theo yêu cầu của chính phủ Ukraine, như tên lửa chống tăng.
Bà Nauert nhấn mạnh chính phủ Mỹ không trực tiếp bán vũ khí cho chính phủ Ukraine mà cho phép nước này mua vũ khí từ nhà sản xuất Mỹ và giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Kiev được cấp dựa trên từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, quan chức này cho biết thêm Washington hiện chưa có chính sách chính thức nào về việc bán hoặc cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine.
Cho dù giải thích thế nào, bước đi trên chắc chắn sẽ làm phức tạp hơn mong muốn làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin của ông Trump, ngay cả khi đích thân chủ Nhà Trắng đã phê chuẩn quyết định trên trong sự ủng hộ của các quan chức an ninh quốc gia và nghị sĩ hàng đầu. Tính nhạy cảm của vấn đề có thể thấy rõ qua chuyện Nhà Trắng không hề công khai quyết định trên cho đến khi truyền thông nói đến.
"Họ không tung hô quyết định như là một sự thay đổi lớn về chính sách hoặc một ưu tiên quan trọng" - ông Samuel Charap, chuyên gia của trung tâm nghiên cứu chính sách Rand Corporation (Mỹ), nhận định.
Nga chỉ trích
Bước đi trên cũng cho thấy sự tính toán kỹ của ông Trump. Nhà lãnh đạo này muốn chứng tỏ mình không chấp nhận mọi thứ Ukraine đòi hỏi nhưng cũng muốn hành động khác với người tiền nhiệm, qua đó báo hiệu sự thay đổi ít nhiều trong chính sách chung của Washington. Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói thêm rằng không phải ngẫu nhiên chính phủ Canada cũng phê chuẩn việc xuất khẩu vũ khí phòng vệ sát thương sang Ukraine trong tuần này bởi một động thái như thế chỉ có thể diễn ra nếu Ottawa biết Washington "cùng hội cùng thuyền".
Dĩ nhiên Nga không vui vẻ gì. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Washington và Ottawa đưa ra cáo buộc sai trái về cuộc xung đột ở Ukraine để làm cái cớ cho việc bắt đầu xuất khẩu vũ khí sát thương quy mô lớn đến Kiev. Theo bà Zakharova, việc vũ trang cho Ukraine sẽ khiến căng thẳng gia tăng và thúc đẩy Kiev có "những quyết định khinh suất mới về quân sự".
Trong khi đó, xung đột ở những khu vực đang bị quân ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine leo thang mạnh mẽ từ đêm 19-12 (giờ địa phương). Làng Novoluhanske và thị trấn Zaitseve do quân đội Ukraine kiểm soát trúng nhiều đạn pháo và rốc-két trong các đêm 19 và 20-12, làm ít nhất 8 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, 8 dân thường bị thương và 50 ngôi nhà bị hư hại. Đáng lo hơn, chiến sự đang lan gần đến một nhà máy xử lý nước có chứa khí clo độc hại.
Theo tờ The New York Times, giới quan sát châu Âu và các nhà ngoại giao phương Tây hôm 20-12 cho biết giao tranh tại đó vẫn diễn ra ác liệt nhất trong gần 1 năm trở lại đây. Nhà chức trách Ukraine gắn kết diễn biến này với chuyện quân đội Nga hôm 19-12 rút các sĩ quan khỏi một trung tâm Nga - Ukraine có nhiệm vụ giám sát thỏa thuận ngừng bắn mong manh, gọi là Minsk 2. Trái lại, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine dọa dẫm và ngăn sĩ quan Nga làm nhiệm vụ và nói Kiev phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả xảy ra.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2009934