Mỹ: Cách giải cứu Phó tổng thống ra khỏi bạo loạn
Khoảng 13h ngày 6/1, khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence bắt đầu chủ trì phiên họp lưỡng viện quốc hội để chứng nhận kết quả bầu cử, Cảnh sát Quốc hội bắt đầu nhận ra đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump tập trung xung quanh Đồi Capitol ngày càng trở nên nguy hiểm.
Những kẻ quá khích đã áp sát rào chắn xung quanh tòa quốc hội, một số còn sử dụng vũ khí chống lại cảnh sát. "Lúc này, tôi nhận ra mọi chuyện không ổn", chỉ huy cảnh sát quốc hội Steven Sund trả lời Washington Post hôm 10/1. "Tôi nhìn thấy người của mình bị dồn ép".
Sund thông báo với các quan chức an ninh hàng đầu Đồi Capitol rằng ông muốn ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu Vệ binh Quốc gia triển khai lực lượng chi viện. Đến 13h50, chỉ huy lực lượng cảnh sát thủ đô Washington tại hiện trường tuyên bố đã xảy ra bạo loạn.
13h59, Sund nhận được báo cáo đầu tiên về việc những kẻ bạo loạn đã tiếp cận các cửa ra vào và cửa sổ của tòa nhà quốc hội và có ý đồ đột nhập qua cửa sổ. Ông thông báo thông tin này cho các quan chức an ninh.
Nhưng suốt 14 phút sau đó, Phó tổng thống Pence vẫn chưa được sơ tán khỏi phòng họp Thượng viện. Thời gian này là quá đủ cho những kẻ quá khích áp đảo lực lượng an ninh để xông vào bên trong.
Khoảng 14h11, video quay tại hiện trường cho thấy thấy đám đông đã dùng búa đập vỡ kính cửa sổ và xâm nhập thành công vào bên trong. Đám đông lao như vũ bão vào tầng một của tòa nhà quốc hội, nhiều người biểu tình lớn tiếng gọi Phó tổng thống là "kẻ phản bội" khi bắt đầu lùng sục ngay phía dưới phòng họp Thượng viện.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence bên trong tòa nhà quốc hội ngày 6/1, trước khi cuộc bạo loạn Đồi Capitol nổ ra. Ảnh: Washington Post.
Đến 14h13, Pence mới được các nhân viên Mật vụ đưa khỏi chốn hỗn loạn, chỉ khoảng một phút trước khi đám đông đuổi theo sĩ quan cảnh sát quốc hội Eugene Goodman lên tầng hai, nơi có phòng họp Thượng viện. Goodman đã khôn khéo dẫn dụ đám biểu tình ra xa khỏi phòng họp, câu giờ cho lực lượng an ninh sơ tán Pence và các nghị sĩ.
Pence cùng phu nhân Karen và con gái Charlotte Pence Bond được đưa đến một nơi ẩn náu cách nơi đám đông kéo lên chưa đầy 30 m, theo ba nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề. Nếu những kẻ tấn công đến sớm hơn vài giây, họ có lẽ đã chạm trán Phó tổng thống Mỹ và trong hoàn cảnh này, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Đội mật vụ của Pence đứng gác ngoài cửa, đề phòng đám đông bạo loạn xông đến. Họ hai lần đề nghị Pence và gia đình lập tức sơ tán khỏi Đồi Capitol, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề. Tuy nhiên, Phó tổng thống Mỹ cả hai lần đều từ chối, nhấn mạnh rằng ông không muốn bị ép buộc phải rời khỏi văn phòng của mình và tòa nhà quốc hội bởi một đám đông ngỗ ngược.
Lần thứ ba, Mật vụ không cho Pence quyền lựa chọn, yêu cầu ông phải đến một địa điểm an toàn bí mật tại Đồi Capitol, song không rõ quá trình này diễn ra chính xác trong bao lâu.
Họ rời văn phòng Phó tổng thống tới một căn phòng an toàn bí mật trong tòa nhà quốc hội. Con đường sơ tán của họ không được tiết lộ. Một nhóm lính bắn tỉa trong đội tác chiến đi cùng Pence có nhiệm vụ xác định lộ trình sơ tán và đảm bảo không chạm trán đám đông bạo loạn.
Đoàn sơ tán ngoài Phó tổng thống Pence và gia đình còn có chánh văn phòng của ông, Marc Short, thư ký báo chí Devin O'Malle và một số nhân viên khác.
Khi cảnh sát quốc hội thông báo tình hình đã được xử lý, Pence mới rời khỏi nơi trú ẩn và quay trở lại phòng họp Thượng viện sau 20h.
Việc những kẻ bạo loạn suýt chạm mặt Phó tổng thống và việc công tác sơ tán bị trì hoãn đặt ra câu hỏi về lý do Cơ quan Mật vụ không đưa ông đến nơi an toàn sớm hơn và làm bật lên những nguy hiểm mà các quan chức chính phủ phải đối mặt.
Tình huống mà Phó tổng thống Pence rơi vào cho thấy các cơ quan thực thi pháp luật đã bối rối như thế nào khi ứng phó với cuộc khủng hoảng, chuyên gia nhận định.
Cơ quan Mật vụ từ chối đưa ra bình luận liên quan đến nhiệm vụ sơ tán Phó tổng thống Pence, chỉ khẳng định rằng ông vẫn "được bảo vệ" trong suốt cuộc bạo loạn.
Trong đám đông gây náo loạn tòa nhà quốc hội, không ít người nhắm đến Pence, phẫn nộ vì cho rằng ông đã từ chối yêu cầu "lật kèo" bầu cử của Tổng thống Donald Trump bằng cách không xác nhận chiến thắng dành cho Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), một người đàn ông tuần qua bị bắt vì hành vi gây náo loạn tòa nhà quốc hội từng tuyên bố trên YouTube rằng: "Lúc chúng tôi phát hiện ra Pence phản bội và họ đã đánh cắp cuộc bầu cử, đám đông lập tức phát điên. Ý tôi là nó nhanh chóng trở thành bạo loạn".
Có thời điểm, một nhóm còn hô lớn khẩu hiệu "Hãy treo cổ Mike Pence!" trong lúc họ chạy đến cửa chính phía đông tòa nhà quốc hội.
Jacob Chansley, người đàn ông gây chú ý vì đội mũ sừng bò xông vào phòng họp Thượng viện hôm 6/1, đã để lại một bức thư trên bàn làm việc của Phó tổng thống Pence, trong đó có đoạn: "Công lý sẽ đến, chỉ là vấn đề thời gian", theo hồ sơ tòa án.
Trước khi quốc hội nhóm họp trở lại để tiếp tục chứng nhận kết quả bầu cử, Pence đã có một bài phát biểu về cuộc bạo loạn với tư cách chủ tịch Thượng viện.
"Hôm nay là ngày đen tối trong lịch sử tòa nhà quốc hội Mỹ", Pence nói. "Chúng ta sẽ luôn biết ơn những người đã giữ vững vị trí của họ để bảo vệ nơi lịch sử này. Với những kẻ đã gây náo loạn Đồi Capitol hôm nay, họ đã không chiến thắng. Bạo lực không bao giờ chiến thắng. Tự do luôn thắng".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-so-tan-khoi-bao-loan-cua-pho-tong-thong-my-4221878.html