Mỹ bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên
"Mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng bán đảo Triều Tiên và chúng tôi tin vẫn còn đường ngoại giao cho điều này", John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), nói trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 11/10.
Theo ông Kirby, Mỹ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mà không đặt ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào, nhưng ông Kim đã "không đáp lại lời đề nghị mà tiếp tục các hành động khiêu khích, phóng tên lửa, theo đuổi tham vọng hạt nhân, gây bất ổn nghiêm trọng hơn".
Tuyên bố được ông Kirby đưa ra sau khi các đơn vị quân đội Triều Tiên tham gia diễn tập mô phỏng vũ khí "hạt nhân chiến thuật" từ ngày 25/9 đến 9/10, nhằm đáp trả các cuộc tập trận chung giữa Hàn, Nhật và Mỹ. Chủ tịch Kim Jong-un giám sát các cuộc diễn tập, đồng thời tuyên bố không cần đối thoại với Washington hay Seoul.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) phát biểu tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C., ngày 16/9. Ảnh: AFP.
Triều Tiên đã tổ chức 7 vụ phóng tên lửa đạn đạo trong vòng hai tuần qua, trong đó vụ thử gần nhất diễn ra hôm 9/10. Tính từ đầu năm, Bình Nhưỡng đã phóng hơn 40 tên lửa đạn đạo, mức nhiều nhất mà nước này từng thực hiện trong một năm.
Theo Yonhap, Bình Nhưỡng đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7 sau ngày 16/10.
Phát ngôn viên NSC Kirby cho biết Mỹ vẫn tập trung tăng cường hợp tác song phương và hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản khi đối thoại với Triều Tiên bị đóng băng. Bình Nhưỡng đã không tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa kể từ cuối năm 2019.
Ông Kirby từ chối bình luận khi được hỏi liệu Washington có xem xét tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 hay không. Lần gần nhất Bình Nhưỡng thử hạt nhân là vào tháng 9/2017.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ trên chiến trường, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt lớn, thường được sử dụng trong đòn tấn công quyết định của cuộc chiến tranh toàn diện.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-san-sang-dam-phan-khong-dieu-kien-tien-quyet-voi-trieu-tien-4522383.html