Một tuần hỗn loạn ở Myanmar

13:57' 08-02-2021
Tối thứ 6, khi màn đêm buông xuống, tiếng còi xe và xoong nồi vang vọng ở trung tâm Yangon nhằm phản đối quân đội đảo chính.

Đó là đêm thứ tư liên tiếp người dân thành phố Yangon sử dụng phương thức này để tỏ phản đối chính quyền binh trị đang điều hành đất nước. Quân đội Myanmar sáng 1/2 đột kích bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD), đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.

Đất nước từng trải qua 5 thập kỷ dưới sự cai trị của quân đội trước khi bắt đầu chuyển sang chế độ dân chủ năm 2011, một lần nữa nằm dưới sự kiểm soát của quân đội. Nhiều cuộc biểu tình bùng lên, thể hiện sự phẫn nộ ngày càng lớn của người dân.

 
Tại Yangon hôm 4/2, nhiều nhóm biểu tình nhỏ chơi trò "mèo vờn chuột" với cảnh sát, tổ chức biểu tình ngẫu hứng rồi bỏ chạy để tránh bị bắt. Tại chùa Sule, một chiếc xe tải thả chùm bóng bay đỏ lên trời, màu đỏ là biểu tượng của đảng NLD, báo hiệu lòng trung thành của họ với nhà lãnh đạo bị lật đổ đang bị quản thúc tại gia cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Ở chỗ khác, tài xế ném tờ rơi phản đối Thống tướng Min Aung Hlaing xuống đường. Hàng trăm sinh viên tụ tập trước Đại học Dagon ở ngoại ô thủ đô hôm 5/2 phản đối quân đội, nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn cũng diễn ra tại chỗ khác.

"Quân đội đã hạ gục người dân và phá hủy giấc mơ của họ", một sinh viên biểu tình ngoài Đại học Yangon nói. "Tôi hy vọng thế hệ chúng tôi sẽ là những người cuối cùng trải qua sự cai trị của quân đội".

Một chiến dịch bất tuân dân sự đang phát triển ngày càng lớn trong những ngày gần đây, khi y bác sĩ khắp Myanmar đình công, còn nhiều giáo viên, học sinh và thanh niên nghỉ học để biểu tình.

"Tôi không muốn một ngày nào đó nhìn lại và nghĩ rằng mọi thứ không thay đổi bởi tôi không cố hết sức", một sinh viên ở Taunggyi, thủ phủ tỉnh Shan, nói.

Các nhà chức trách cố ngăn chặn bất kỳ hoạt động phản đối nào. Lo sợ vì bị đối xử bạo lực, người dân không dám tụ tập tham gia các cuộc biểu tình lớn. Tại Mandalay, cảnh sát trưởng thành phố tuyên bố người biểu tình sẽ bị bắn bằng đạn cao su. Chính quyền cũng có thể sử dụng hơi cay và nhân viên y tế biểu tình ngoài bệnh viện sẽ bị bắt. Khoảng 30 người đã bị bắt vì tham gia biểu tình bằng cách gõ xoong nồi trong những tối gần đây.

Các nhà cung cấp Internet được lệnh chặn Facebook, phương thức liên lạc chính ở Myanmar. Người dân lập tức tải ứng dụng vượt tường lửa và chuyển sang chia sẻ thông tin trên Twitter, dù sau đó mạng xã hội này cũng bị cấm.

"Người dân ngày càng hiểu biết hơn, sẵn sàng lên tiếng chống lại quân đội hơn", Tun, 19 tuổi, nói. "Chúng tôi từng sống trong sợ hãi, nhưng chúng tôi đã hưởng qua vài năm sống mà không cần nơm nớp lo sợ nữa. Chúng tôi biết mình có quyền gì và sẽ không bị tẩy não nữa".

Quân đội giải thích cho hành động tiếp quản chính phủ rằng NLD gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, nhưng không cung cấp rõ bằng chứng. NLD giành chiến thắng với cách biệt lớn, chiếm 396 trên tổng số 476 ghế, thành tích còn mạnh mẽ hơn so với năm 2015, khi quốc gia này tổ chức tổng tuyển cử đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Đảng Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn chỉ giành được 33 ghế.

Quân đội vẫn cực kỳ hùng mạnh trước đảo chính, khiến một số người tự hỏi tại sao Min Aung Hlaing lại quyết định nắm chính quyền. Theo hiến pháp, quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát một số bộ chủ chốt và được đảm bảo 1/4 ghế trong quốc hội.

"Việc quân đội muốn nắm chính quyền rõ ràng không phải vì lợi ích lâu dài của đất nước hay vì lợi ích của các lực lượng vũ trang", Richard Horsey, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Myanmar, nói.

Tuy nhiên, nội bộ quân đội từ lâu đã bất mãn vì phải chia sẻ quyền lực. Horsey cho rằng cuộc bầu cử năm ngoái đã khiến sự bất mãn lớn hơn.

"Tôi cho rằng có rất nhiều người trong đội ngũ sĩ quan thực sự tin rằng cuộc bầu cử không công bằng và không tự do", Horsey nhận định.

Người dân Yangon phản đối cuộc đảo chính và quay video đăng lên mạng xã hội. Ảnh: AFP

Suy đoán về mong muốn của quân đội không mấy quan trọng với Myae, 60 tuổi, người không hề muốn chế độ binh trị quay lại thông qua bạo lực và đe dọa.

Đường sá, giao thông và điện lưới được cải thiện đáng kể trong 9 năm qua, không giống trước năm 2011, khi điện lưới ở Yangon vẫn phải chia giờ cung cấp cho từng khu vực.

"Xe buýt thì chật chội, chạy ẩu, khiến tôi cảm thấy mình như trên đường tới lò giết mổ", bà nói.

Xã hội đi theo hướng dân chủ khiến những người dân như bà cảm thấy được coi trọng, Myae nói, vì chính phủ do dân bầu "đối xử với chúng tôi giống con người hơn mà không hề nghi kỵ".

Cuộc đảo chính khiến các nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt lo sợ. Yasmin Ullah, một người bảo vệ quyền lợi người Rohingya, cho biết cộng đồng người Hồi giáo này sẽ dễ bị lạm dụng hơn nếu Myanmar quay lại chế độ binh trị.

Hàng trăm nghìn người Rohingya vẫn kẹt trong trại tị nạn ở Rakhine, nơi họ không được phép tự do đi lại, không được tiếp cận giáo dục hay y tế.

"Bây giờ quân đội dễ dàng kiểm soát người dân hơn trước đây", Yasmin nói, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ những nhà hoạt động như bà.

Sau cuộc đảo chính đã có 147 người bị bắt, đa phần là các nhà hoạt động và chính trị gia.

Dù vậy, cuộc biểu tình bằng tiếng xoong nồi mỗi đêm ngày càng lớn hơn, mạnh hơn. Bài ca cách mạng từng được hàng triệu người hát phản đối quân đội năm 1988 lại được cất lên.

Với Tun, 56 tuổi, người vẫn nhớ về cách hành xử bạo lực của quân đội thời đó, biểu tình ôn hòa bây giờ là dấu hiệu của hy vọng.

"Những khoảnh khắc trong đêm thế này khiến tôi tin rằng có rất nhiều người giống tôi không muốn sự cai trị của quân đội", ông nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/mot-tuan-hon-loan-o-myanmar-4232482.html