Một Triều Tiên rất khác qua những tấm áp phích cổ động
Đối với thế giới bên ngoài, những tấm áp phích tuyên truyền của Triều Tiên được biết đến với thông điệp chống Mỹ mang tính quân sự. Ví dụ những chủ đề gần đây bao gồm áp phích Tổng thống Trump bị tấn công bởi rìu hay tên lửa chĩa vào Tòa Quốc hội Mỹ.
Nhưng, một chuyên gia từng sống ở Bình Nhưỡng hy vọng rằng bộ sưu tập áp phích lớn của mình có thể mang đến một bức tranh sâu sắc hơn, tinh tế hơn về quốc gia “ẩn dật” này. Bà Katharina Zellweger, hiện làm việc tại Đại học Stanford, từng sống ở Bình Nhưỡng trong 5 năm làm việc cho một cơ quan chính phủ Thụy Sĩ. Trong thời gian đó, bà đã thu thập trên 100 mẫu tranh cổ động trong nước của Triều Tiên.
Hầu hết tranh đều khuyến khích nông nghiệp và khoa học, khác hẳn với những cảnh bạo lực thường được gán cho công tác tuyên truyền tại Triều Tiên. Những tấm áp phích trong nước đề cao sự cần cù và đoàn kết, được khắc họa bởi hình minh họa nhân dân lao động trong tiếng cười và tuyên dương thành tựu đất nước.
Với 25 bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng và Phòng triển lãm Nghệ thuật (Đại học Hongkong), CNN đã có cuộc trao đổi với bà Zellweger và Florian Knothe, Giám đốc bảo tàng, về những yếu tố thường bị bỏ qua trong tranh cổ động Triều Tiên.
Người phụ nữ xuất hiện nổi bật
"Hãy cùng quản lý Bình Nhưỡng, thủ đô của sự đổi mới tốt hơn!" Ảnh: Bảo tàng và Phòng triển lãm Nghệ thuật (Đại học Hongkong).
Trong những tấm áp phích chống Mỹ hay chống Nhật, những người lính thường là nam giới, còn hình ảnh nữ giới được sử dụng nhiều để truyền tải thông điệp liên quan đến nông nghiệp và công nghiệp.
“Hình ảnh người nông dân chủ yếu là phụ nữ tươi cười trong công việc chăm nuôi thỏ và sản xuất bông, khuyến khích các chính sách nông nghiệp mới”, bà Zellweger chia sẻ.
Theo Giám đốc bảo tàng Knothe, có rất nhiều đề tài tranh về lao động và khoa học lấy hình ảnh phụ nữ làm trung tâm.
"Cùng trồng nhiều cây keo hơn!" Ảnh: Bảo tàng và Phòng triển lãm Nghệ thuật (Đại học Hongkong).
Như mọi nơi trên thế giới, chính quyền Triều Tiên cũng sử dụng các tấm áp phích như một kênh truyền thông tới công chúng. Với truy cập Internet hạn chế và chỉ một số ít các kênh truyền hình, tranh tuyên truyền là một trong những cách hiệu quả nhất để tiếp cận cộng đồng nhân dân khắp cả nước.
“Có một tấm áp phích được sản xuất cho ngày điều tra dân số quốc gia vào năm 2008”, Zellweger cho biết, “tất cả mọi người biết rằng họ phải ở nhà để gặp được người phát tấm áp phích ấy”.
Triều Tiên cũng sản xuất một số lượng lớn tranh tuyên truyền chống hút thuốc lá sau khi tham gia Công ước khung Kiểm soát Thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới WHO vào năm 2005. WHO báo cáo rằng nước này hàng năm đều nghiêm túc tiến hành kỉ niệm ngày Không thuốc lá Thế giới.
"Hãy để chúng tôi cung cấp nhiều điện hơn tới những mặt trận mới đang được khai phá!" Ảnh: Bảo tàng và Phòng triển lãm Nghệ thuật (Đại học Hongkong).
Những tấm áp phích còn được sử dụng để theo dõi những thay đổi trong đất nước. Trong lịch sử, loại tranh này phản ánh những ưu tiên của người lãnh đạo đất nước tại một thời điểm nhất định.
“Bạn có thể thấy những chính sách khác nhau được truyền tải đến người dân như thế nào qua thời gian”, CNN dẫn lời bà Knothe, “chúng cũng đề xuất những thay đổi trong xã hội, phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học, chẳng hạn như quyết định phát điện trên quy mô toàn quốc".
Bộ sưu tập của bà Zellweger đặc biệt hữu dụng để đánh giá sự phát triển diễn ra trong ngành nông nghiệp của đất nước này.
“Những thay đổi trong hạt giống và công tác nông nghiệp đang trở nên hiệu quả hơn”, bà Knothe cho biết, “tranh cổ động tạo ra một động lực phổ biến trong xã hội là tìm cách tăng năng suất. Có một bức tranh cổ động vẽ hình ảnh kính hiển vi và các loại hạt giống với dòng chữ 'Cải tiến để tìm ra hạt giống năng suất cao đảm bảo một mùa vụ bội thu'".
“Đó là một thông điệp trực tiếp và thẳng thắn, nhưng cũng chính là minh chứng cho chính sách của Triều tiên giữa những năm 2000 trong cố gắng cách mạng hóa nông nghiệp", Giám đốc bảo tàng nhận định.
Phong cách bích họa ít thay đổi
"Hãy cùng khuyến khích trò chơi dân gian và hoạt động thể thao quốc gia!" Ảnh: Bảo tàng và Phòng triển lãm Nghệ thuật (Đại học Hongkong).
Mặc dù có những tiến bộ, phong cách các tấm áp phích không có thay đổi đáng kể từ những năm 1950 đến nay. Chúng tiếp tục đi theo trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa.
“Tôi không thấy có sự phát triển thật sự nào trong sự tinh vi của các bức tranh, họ đi theo truyền thống của riêng mình", bà Knothe đánh giá.
Theo bà, những tấm áp phích trong triển lãm đều có một cách thể hiện thống nhất. Dù các bức họa có sự khác nhau lớn về màu sắc và cách thể hiện thông điệp, bố cục của loại tranh này bền vững theo thời gian.
“Điều tôi thấy thú vị là cách họ sử dụng tiền cảnh và nền phía sau. Trên nền các bức tranh thường là một nhân vật đại diện cho nhân dân, mang tới sự kết nối. Lúc nào con người cũng là chủ thể truyền đạt thông điệp tới công chúng", bà Knothe nhấn mạnh.
"Hãy cùng nuôi thêm nhiều động vật ăn cỏ!" Ảnh: Bảo tàng và Phòng triển lãm Nghệ thuật (Đại học Hongkong).
Điều này cũng thể hiện trong quy trình sản xuất gần như không hề thay đổi trong suốt các thập kỷ qua. Các tấm áp phích ở Triều Tiên đều được vẽ bằng chính bàn tay con người.
Thông thường, nhà nước thông báo chủ đề, chẳng hạn như nuôi thỏ, và nhiều họa sĩ khác nhau sẽ tự vẽ các tấm áp phích của họ. Giống như một cuộc thi, một hoặc hai bức được chọn và sau đó nhân bản lên hàng nghìn.
Rất nhiều tác phẩm được sản xuất tại Xưởng mỹ thuật Mansudae, một cơ sở điều hành bởi chính phủ có khoảng 1000 họa sĩ tài năng làm việc. Bên cạnh những tấm áp phích, xưởng còn sản xuất tượng, tranh, gốm sứ và các tác phẩm nghệ thuật do nhà nước ủng hộ.
Tranh cổ động phản ánh tỷ lệ biết chữ
"Chơi con quay rất vui!" Ảnh: Bảo tàng và Phòng triển lãm Nghệ thuật (Đại học Hongkong).
Gần như mọi tấm áp phích ở Bình Nhưỡng đều kèm theo các dòng khẩu hiệu lớn. Ví dụ như 'Hãy cùng khuyến khích trò chơi dân gian và hoạt động thể thao quốc gia!' hay 'Hãy cùng nuôi thêm nhiều động vật ăn cỏ!'
Dù đói nghèo còn phổ biến và tuổi thọ trung bình thấp, giáo dục ở triều tiên là bắt buộc và miễn phí. Tỉ lệ biết chữ có thể không cao đến mức 100% như số liệu báo cáo bởi các quan chức nhà nước nhưng bà Zellweger tin rằng những tấm áp phích được thiết kế với nhận định rằng tất cả công dân đều có thể đọc được.
“Tôi chưa bao giờ gặp một đứa trẻ hay người lớn tại Triều Tiên mà không biết đọc, viết và làm phép toán đơn giản", bà Zellweger chia sẻ.
Màu sắc rất quan trọng
"Chúng ta hãy cùng nhau nhân rộng mô hình trồng cây xen canh!" Ảnh: Bảo tàng và Phòng triển lãm Nghệ thuật (Đại học Hongkong).
Những tấm áp phích tuyên truyền phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh và chữ viết màu sắc sặc sỡ. Không chỉ với mục đích bắt mắt, mà màu sắc còn mang tính tượng trưng và tạo ra tiếng vang đồng thuận với công chúng.
“Màu sắc truyền thống dựa trên 5 nguyên tố - kim, mộc, thủy, hỏa, thổ”, bà Zellweger giải thích, “và hầu hết lúc nào các tấm áp phích cũng sử dụng 5 màu cơ bản xanh lam, đỏ, vàng, trắng và đen”.
Tất cả các màu đều mang ý nghĩa riêng. Màu đỏ là màu của chủ nghĩa xã hội nhưng cũng là đam mê. Xanh lam biểu tượng cho hòa bình và sự hòa hợp, đồng thời còn là sự ngay thẳng và được sử dụng nhiều trên các tấm áp phích liên quan đến giáo dục. Màu đen đại diện bóng tối và cái ác, nên thường được dùng trong các tranh tuyên truyền chống Mỹ và chống Nhật. Màu vàng thể hiện sự thịnh vượng và vinh quang.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/mot-trieu-tien-rat-khac-qua-nhung-tam-ap-phich-co-dong-post808627.html