Một số thành viên EU quay lại dùng than đá sản xuất điện
"Chúng ta phải đảm bảo dùng chính cuộc khủng hoảng này để tiến lên phía trước chứ không phải đi lùi về phía nhiên liệu hóa thạch bẩn", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trả lời phỏng vấn hôm 21/6.
Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) gần đây quay lại sử dụng than đá để sản xuất điện khi Nga siết nguồn cung khí đốt. Sự chuyển đổi này làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa carbon vào năm 2050 (cân bằng giữa lượng CO2 thải vào khí quyển với lượng CO2 được loại bỏ) của châu Âu.
Mục tiêu đó cũng là một trong những nền tảng trong các chính sách của bà von der Leyen trên cương vị lãnh đạo cơ quan điều hành EU.
Một nhà máy nhiệt điện ở Garzweiler, Đức. Ảnh: AFP.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Moskva gần đây giảm nguồn cung khí đốt cho các nước EU với lý do kỹ thuật hoặc bảo trì. Trong khi đó, EU tin rằng Nga đang cố gắng gây tổn hại cho khối vì đã hỗ trợ vũ khí cho Kiev và thúc đẩy kết nạp Ukraine vào khối này.
Đức, Áo và Hà Lan cho biết sẽ nới lỏng hạn chế đối với các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mô tả việc tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Gazprom giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu là "cuộc tấn công nhằm vào chúng tôi".
"Thật cay đắng", ông Habeck nói về sự cần thiết phải quay lại với than đá. "Nhưng trong tình huống này, cần phải giảm tiêu thụ khí đốt. Các kho dự trữ khí đốt phải được làm đầy vào mùa đông. Đó là ưu tiên cao nhất".
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong khu vực, cho biết vẫn có kế hoạch thoát khỏi than đá vào năm 2030, song các nhóm môi trường tỏ ra nghi ngờ. Neil Makaroff, thuộc Mạng lưới Hành động Khí hậu, cho rằng trở lại sử dụng than là "lựa chọn tồi" với những hậu quả mang tính cấu trúc.
"Các quốc gia đang tiếp tục ủng hộ năng lượng hóa thạch thay vì đầu tư đủ vào năng lượng tái tạo", ông nói. "Rủi ro là thay thế sự phụ thuộc này bằng sự phụ thuộc khác: nhập khẩu than của Colombia hoặc Australia, khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ hoặc Qatar, để thay thế hydrocarbon của Nga".
Một nhóm khác hành động môi trường khác là Carbon Market Watch đồng tình rằng chuyển sang sử dụng than là "đáng lo ngại" và bày tỏ hy vọng biện pháp này được áp dụng trong quãng thời gian ngắn nhất có thể.
Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/eu-lo-ngai-vi-nuoc-thanh-vien-quay-lai-voi-than-da-4478805.html