Món quà đặc biệt mở ra kỷ nguyên hợp tác Hàn - Triều
Trong suốt nhiều năm, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tìm cách ngăn chặn sự lan truyền của những chiếc USB do các nhà hoạt động xã hội tuồn lậu vào Triều Tiên. Mục đích của việc làm này nhằm tránh không để người dân Triều Tiên bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, như nhạc K-pop của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, chính ông Kim Jong-un đã nhận một chiếc USB đặc biệt từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại khu phi quân sự liên Triều. Khác với những chiếc USB thường thấy, thiết bị đặc biệt mà Tổng thống Moon trao cho ông Kim chứa một thông điệp đặc biệt. Theo thông tin từ giới chức Hàn Quốc, chiếc USB này chứa cuốn sách trực tuyến cũng như bài thuyết trình tóm tắt về ý tưởng "Hoạch định kinh tế mới" của Tổng thống Moon Jae-in.
Được thể hiện dưới dạng các biểu đồ và video clip, thiết bị lưu trữ bộ nhớ của Tổng thống Moon Jae-in đã vạch ra “một lộ trình kinh tế mới trên bán đảo Triều Tiên”, bao gồm các hệ thống đường sắt và nhà máy điện mới cho Triều Tiên nếu nước này chấp thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Chiếc USB được hai nhà lãnh đạo trao đổi trong cuộc gặp hôm 27/4 đã thể hiện rõ những lợi ích mà ông Kim Jong-un có thể nhận được nếu chấp thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Động thái trên của Tổng thống Hàn Quốc xuất phát từ niềm tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn trở thành phiên bản Triều Tiên của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - người đã giám sát quá trình tự do hóa nền kinh tế của Trung Quốc. Ông Kim Jong-un dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch “thay da đổi thịt” Triều Tiên bằng cách từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy các động lực phát triển kinh tế và ngoại giao. Đây là những điều mà ông Kim đang cần để đưa Triều Tiên phát triển thịnh vượng.
“Niềm khao khát phát triển kinh tế Triều Tiên của ông Kim Jong-un mạnh không kém, thậm chí còn mạnh hơn, mong muốn sở hữu vũ khí nhân. Tuy nhiên, ông ấy cũng hiểu rằng sẽ không thể đạt được tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Trung Quốc, điều mà ông đang muốn áp dụng cho Triều Tiên, nếu ông vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân. Bởi lẽ sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đi kèm các lệnh trừng phạt”, Lee Jong-seok, cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nhận định.
Lựa chọn của Triều Tiên
Nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về việc chính quyền Triều Tiên sẽ thực sự từ bỏ năng lực răn đe hạt nhân của nước này. Tuy nhiên kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy từ sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhiều người Hàn Quốc bắt đầu tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một nhà cải cách “đáng tin cậy”.
Ngày càng nhiều nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng ông Kim Jong-un muốn đi theo mô hình của các lãnh đạo quân sự Hàn Quốc trong quá khứ - những người từng tập trung vào việc đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng. Giới phân tích cũng nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đang học hỏi theo kinh nghiệm của Trung Quốc để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn duy trì chế độ chính trị một đảng.
Kể từ khi lên nắm quyền thay cha vào cuối năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tập trung nguồn lực để xây dựng chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Ông đã cho thử nghiệm hàng loạt tên lửa tầm xa và bom nhiệt hạch, đồng thời cảnh báo các tên lửa Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân bắn tới Mỹ.
Tuy vậy, ông Kim Jong-un cũng cho thấy nhiều dấu hiệu của một nhà cải cách khi trao quyền tự quyết nhiều hơn cho các nông trại và nhà máy. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cho phép mở cửa nhiều thị trường hơn và phát triển bùng nổ thủ đô Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong-un chủ trương đưa Triều Tiên đi theo “các xu hướng phát triển quốc tế” và “các chuẩn mực toàn cầu”, thậm chí cam kết đưa người dân Triều Tiên thoát khỏi tình cảnh “thắt lưng buộc bụng” như trước đây. Sau cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Moon Jae-in đã mô tả ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo “cởi mở và thực tế”.
Chiến lược phát triển kép “byungjin” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó Triều Tiên đặt tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân song hành với phát triển kinh tế, được cho là vấn đề nan giải. Theo chiến lược này, ông Kim Jong-un chủ trương nhanh chóng phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo và cho rằng năng lực răn đe hạt nhân sẽ giúp bảo đảm an ninh cho Triều Tiên trước khi nước này tập trung tái thiết nền kinh tế. Tuy nhiên, chính chương trình hạt nhân lại là lý do khiến Triều Tiên phải hứng chịu các lệnh trừng phạt ngày càng mạnh tay từ cộng đồng quốc tế.
“Ông Kim Jong-un đang ở ngã tư đường. Ông ấy có thể đẩy mạnh hơn nữa chương trình vũ khí hạt nhân, từ đó đối mặt với tình trạng bị cô lập nặng nề hơn và nền kinh tế có thể bị suy sụp. Một hướng khác là ông ấy có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như một quân bài mặc cả để đạt được mối quan hệ bình thường hóa cũng như hiệp ước hòa bình với Mỹ, cùng với đó là nền kinh tế được hồi phục”, Cheong Seong-chang, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul, nhận định.
Sự gắn kết Hàn - Triều
Nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn theo đuổi con đường cải cách kinh tế, năng lượng và giao thông là hai lĩnh vực mà ông cần sự giúp đỡ nhiều nhất từ bên ngoài. Giới chức Hàn Quốc cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in, ông Kim Jong-un đã thừa nhận rằng điều kiện đường bộ và đường sắt hiện nay của Triều Tiên có thể khiến nhà lãnh đạo Hàn Quốc cảm thấy “bối rối”.
Hiện tàu chạy bằng điện vẫn là phương tiện giao thông chính tại Triều Tiên, song hệ thống này được cho là rất xuống cấp. Ngoài ra, do không thể nhập khẩu xăng dầu nên Triều Tiên buộc phải tự sản xuất điện từ các đập thủy điện và các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện tại nước này.
Đề xuất của Tổng thống Moon Jae-in về việc hiện đại hóa hệ thống đường bộ và đường sắt của Triều Tiên, đồng thời kết nối chúng với các hệ thống của Hàn Quốc không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa giúp đỡ Bình Nhưỡng. Theo các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc trước hết cần hợp nhất hai nền kinh tế để giúp quá trình tái thống nhất bớt xảy ra hỗn loạn. Họ cũng đề xuất ý tưởng thiết lập hệ thống đường sắt liên Triều, từ đó mở ra các tuyến đường nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn nhằm xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc sang Trung Quốc, Nga và châu Âu, đồng thời đưa dầu và khí đốt từ Nga vào Hàn Quốc thông qua hệ thống ống dẫn.
Tuy nhiên, tất cả các viễn cảnh trên chỉ có thể xảy ra nếu Triều Tiên thực sự phi hạt nhân hóa. Năm 2007, Triều Tiên và Hàn Quốc từng kết nối tạm thời hai tuyến đường sắt ngắn chạy qua biên giới. Tuy nhiên, những nỗ lực tiếp theo của hai nước nhằm kết nối lại hai hệ thống này đã bị dừng lại khi căng thẳng leo thang do chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Năm 2004, Hàn Quốc cũng từng mở một khu công nghiệp chung tại vùng Kaesong của Triều Tiên, đồng thời đưa điện tới vận hành khu công nghiệp này. Tuy nhiên sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2016, khu công nghiệp chung cũng buộc phải đóng cửa.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/mon-qua-dac-biet-mo-ra-ky-nguyen-hop-tac-han-trieu-20180511062937295.htm