Các nhà khoa học thuộc Viện Phát triển Khoa học Kỹ thuật của Nam Hàn đã loại bỏ một gen có tên fucose mutarotase (FucM) (loại gen có ảnh hưởng đến lượng hooc môn estrogen) ở một thai nhi chuột cái nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa gen và hoạt động sinh dục của loài chuột. Kết quả, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, trong quá trình thai nhi nếu như loại bỏ gen FucM của chuột cái thì có thể biến con chuột cái thành một ả chuột “đồng tính”. Người ta quan sát thấy những con chuột cái bị loại bỏ gen FucM có dấu hiệu “cự tuyệt” chuyện "ân ái” với những chú chuột đực. Đồng thời chúng bắt đầu tìm kiếm bạn tình của mình trong số những cô chuột cái xung quanh. Từ đó, các nhà nghiên cứu rút ra kết luận rằng, việc loại bỏ gen FucM khiến cho trong quá trình trưởng thành hành vi của những cô chuột cái dần tiếp cận với hành vi của những anh chàng chuột đực.
Giáo sư Chankyu Park, thuộc Viện Phát triển Khoa học Kỹ thuật Nam Hàn, người đứng đầu chương trình nghiên cứu này nói: “Quá trình phát triển não bộ của những con chuột cái cũng bị biến đổi theo sự thay đổi gen. Điều này khiến cho giới tính của chúng tiếp cận gần hơn với giống đực”.
Trên thực tế, lâu nay, các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm mối tương quan giữa gen và thiên hướng tình dục đồng tính. Tuy nhiên, các nhà khoa học của chương trình nghiên cứu nói trên cũng nhấn mạnh rằng, trước mắt thí nghiệm này vẫn chưa thể chứng minh được rằng liệu có mối liên hệ nào đó giữa gen và hiện tượng đồng tính ở con người hay không?