Mercedes, Audi, BMW vẫn phải nhập khẩu pin từ các nước châu Á

07:00' 18-08-2018
Cả Mercedes, Audi, BMW vẫn đang phải nhập khẩu pin từ các nước châu Á về lắp cho ô tô của mình và đây là cơ hội để Tesla duy trì khoảng cách với các “ông lớn” xe Đức.


ảnh minh họa

Mặc dù Đức được biết đến là quốc gia có nền công nghiệp sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới nhưng có vẻ họ chỉ sản xuất tốt xe chạy bằng xăng, dầu. Xe chạy điện lại là một vấn đề hoàn toàn khác với nước này.

Tới cuối năm nay, Audi sẽ trở thành hãng xe Đức đầu tiên bán ra một mẫu xe chạy điện có hiệu năng và tầm hoạt động tương đương với xe của Tesla.

Mercedes, Volkswagen, và BMW sẽ trở thành các thương hiệu tiếp theo ra mắt xe. Khi xe của các hãng này ra mắt thị trường, những mẫu xe này sẽ được định vị ở phân khúc vừa là xe sang, vừa dẫn đầu về công nghệ.

Nhưng bên cạnh Đức, vẫn còn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tham gia cuộc đua sản xuất xe điện. Và đặc biệt, Đức vẫn phụ thuộc vào tất cả các nước trên về tế bào pin cho xe.

Thực tế ngành công nghiệp của Đức hiện nay không còn đủ khả năng để sản xuất mọi thành phần của một chiếc ô tô điện.

Theo chuyên gia pin Martin Winter, giáo sư khoa vật liệu, năng lượng Đại học Munster: “Các tế bào pin điện được chế tạo bằng một công nghệ khác hoàn toàn và đây là thành phần tốn kém nhất trên chiếc ô tô điện”.

Trả lời trên TheVerge, ông cho rằng việc tự sản xuất được các tế bào pin đóng vai trò quan trọng để tham gia vào ngành sản xuất xe điện.

Vào năm 2015, công ty mẹ của Mercedes là Daimler đã từng có một nhà máy sản xuất pin ở Đức. Mục tiêu khi đó của nhà máy pin này là trở thành đối tác, tạo ra nguồn cung pin cho các thương hiệu ô tô ở Đức. Và khi số lượng đơn hàng tăng, nhà máy này sẽ có lãi.

Tuy nhiên kế hoạch này đã sụp đổ vì thời gian đó tất cả các hãng xe Đức, không hãng nào có một mẫu xe điện nào hấp dẫn để sản xuất đại trà và tất nhiên họ cũng không cần pin để lắp xe.

Sản lượng pin thấp, chi phí sản xuất cao, sau đó Daimler đã phải ra thông báo sẽ đóng cửa nhà máy.

Sau đó bài học duy nhất các nhà sản xuất xe Đức rút ra được là một nhà sản xuất xe không cần cố tự làm tế bào pin.

Hệ thống pin cho xe điện của một nhà sản xuất Nhật Bản.

Nhưng thủ tướng Đức Angela Merkel và chính phủ của bà không muốn ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia lại phụ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài. Đặc biệt từ các nước ngoài châu Âu. Do đó vào tháng 3/2018, chính phủ Đức đã đưa ra ý kiến về việc nhập khẩu tế bào pin từ châu Á, nhập khẩu công nghệ kỹ thuật số từ Mỹ để ngành sản xuất ô tô trong nước có thể bắt kịp tốc độ phát triển xe điện. Nhưng mọi việc vẫn đứng yên tại chỗ.

Mùa xuân vừa qua, Bosch cũng từ bỏ kế hoạch sản xuất tế bào pin của mình. Nhà sản xuất lớn thứ 2 sau Bosch là Continental vẫn chưa đưa ra ý kiến nào.

Theo ông Stefan Bratzel, Giám đốc trung tâm quản lý phương tiện đã đưa ra lời kêu gọi các nhà sản xuất ô tô Đức hợp tác với các đối tác ở châu Âu để phát triển thế hệ tế bào pin tiếp theo.

Ông cho rằng: “Việc này không thể chờ trong 3 hay 4 năm nữa mới bắt đầu. Việc thiếu pin trên thị trường sẽ phải mất vài năm để được bù đắp đủ”.

Đức hiện nay không có kinh nghiệm phát triển pin bằng các nước châu Á, nhưng việc tự phát triển công nghệ pin cần thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu không, Đức sẽ không còn các lợi thế khi ngành công nghiệp ô tô thay đổi.

Cách đây hơn 1 tháng, một công ty Trung Quốc đã tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất pin tại miền đông nước Đức. Dự kiến BMW và iNext sẽ mua pin của nhà máy này với tổng trị giá 1,7 tỷ USD.

Trung Quốc và các nước châu Á không phải đối thủ cạnh tranh duy nhất của Đức, hãng xe Tesla của Elon Musk cũng đang có ý định xây dựng một nhà máy với quy mô rất lớn ngay tại Đức.

Và rất có thể tới lúc Elon Musk xây xong nhà máy của mình, Đức vẫn chưa tự làm xong viên pin phù hợp cho các nhà sản xuất xe trong nước.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2288623