Melbourne: Siêu thị “miễn phí” giúp giảm bớt tình trạng lãng phí thực phẩm
12:00' 13-07-2018
Vấn nạn lãng phí thực phẩm ở Úc có thể gây thiệt hại hàng tỷ đô la một năm, nhưng một cửa hàng tạp hóa phi lợi nhuận ở phía Bắc Melbourne đang góp một phần công sức để ngăn chặn việc đổ bỏ nông sản tại các bãi rác.
ABC News: James Oaten
Cửa hàng Inconvenience Store, nằm ở Thornbury, là tổ chức mới nhất do đội ngũ đằng sau nhà hàng phi lợi nhuận Lentil As Anything thành lập.
Cũng giống như nhà hàng Lentil As Anything, cửa hàng Inconvenience Store được quyên tặng các nông sản dư thừa. “Ý tưởng này được thực hiện nhằm tạo ra sự khác biệt trong cuộc khủng hoảng rác thải thực phẩm,” điều phối viên dự án Astrid Ryan nói.
Và cũng giống như nhà hàng Lentil As Anything, khách hàng có thể trả tiền nhiều hoặc ít tùy theo khả năng hoặc mong muốn của họ. “Chúng tôi muốn cung cấp cho mọi người những rau quả bổ dưỡng.
Đối với những người đang trong tình trạng khủng hoảng tài chính hoặc hoàn cảnh khó khăn, thì rau quả có lẽ là những thứ mà khó có thể mua nhất.” Khách hàng có thể bỏ vào túi xách của họ các thực phẩm từ rau quả đến bánh mì và một số mặt hàng đóng gói, và sau đó đóng góp một khoản tiền vào hộp gỗ tại lối ra.
Bánh mì của cửa hàng được quyên tặng bởi các tiệm bánh gần đó, trong khi các nông sản khác được quyên tặng từ những nơi như chợ Preston Market hoặc thậm chí là siêu thị Aldi.
Các thực phẩm có thể hơi cũ hoặc có vẻ ngoài khác thường, nhưng vẫn còn ăn được. “Những thực phẩm này là miễn phí,” bà Ryan nói.
“Chúng tôi chỉ yêu cầu khách hàng nếu thích những gì chúng tôi đang làm, và nếu muốn cửa hàng tiếp tục duy trì, thì hãy đóng góp theo khả năng của họ. Chúng tôi cũng cần các tình nguyện viên để hỗ trợ khách hàng.”
Chuyên gia về rác thải của Đại học RMIT, Tiến sĩ Karli Verghese, cho hay vấn nạn lãng phí thực phẩm ở Úc gây thiệt hại 20 tỷ đô la một năm. “Trong số 20 tỷ đô la đó, ước tính có tới 10 tỷ đô la số tiền thiệt hại của các hộ gia đình,” Tiến sĩ Verghese nói.
Các con số đó đã thuyết phục bà Ryan rằng có rất nhiều cơ hội cho các cửa hàng cùng chí hướng ra đời. “Càng có nhiều thực phẩm được giữ lại thay vì đưa đến bãi rác, thì càng tốt cho môi trường và càng có nhiều người được cung cấp thức ăn.”
Kim Phung - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)
Kim Phung - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)