Mê trồng trọt, người phụ nữ quyết định nghỉ việc ở nhà làm nông dân

18:00' 26-10-2021
Bảy năm qua, chị Thùy chưa khi nào hối tiếc vì quyết định bỏ công việc lương cao để ở nhà nội trợ và làm vườn.

Năm 2014, khi đang có vị trí công việc tốt tại một công ty công nghệ lớn, chị Thùy Nguyễn (Thủ Đức, TPHCM) quyết định "nghỉ hưu non" để ở nhà nội trợ và làm "nông dân sân thượng".

Chị Thùy kể lại, khi còn nhỏ, sống cùng cha mẹ ở Đồng Nai, chị rất thích vườn nên thường xuyên mò mẫm học trồng cây, chăm cây. Từ năm 2010, chị bắt đầu thử trồng rau tại căn nhà phố ở Sài Gòn. Đến năm 2013, khi chuyển đến căn nhà mới, chị mở rộng quy mô vườn sân thượng lên tới 120m2.

Khi mới thực hiện khu vườn, chị Thùy vẫn đang làm việc tại công ty nên cứ sau giờ làm, chị lại vội vã về nhà, lọ mọ khiêng đất lên vườn, trộn giá thể, gieo hạt… đến tối muộn.

Chị Thùy làm vườn theo phương pháp trồng thổ canh kết hợp mô hình Aquaponics. Sân thượng được chia thành hai vườn trước và sau, ở giữa là gian phòng thờ và nhà kho. Trên nóc phòng thờ và nhà kho, chị Thùy cũng tận dụng lắp đặt hệ thống Aquaponics và trồng cây ăn trái.

Khu vườn sân thượng cung cấp đủ rau sạch cho gia đình 8 người của chị Thùy.

Thậm chí, thỉnh thoảng chị còn thu hoạch rau, củ, quả gửi tặng hàng xóm.

Đam mê trồng trọt từ lâu nên chị Thùy rất chịu khó lên mạng đọc kiến thức, học hỏi kinh nghiệm mọi người. "Nói thật khi mới nghỉ việc, mình cũng tiếc nuối một chút vì đang có mức lương cao, ngày ngày ăn mặc đẹp. Về nhà làm vườn thì vất vả lúc nắng lúc mưa, da đen thui. Nhưng càng làm mình càng mê vườn. Khi thấy cả gia đình được ăn rau sạch, an toàn, mình vui và hạnh phúc", chị chia sẻ.

Chị Thùy cho biết, chị từng học ngành công nghệ sinh học nấm men, nấm mốc, từng làm luận văn đề tài xử lý rác thải hộ gia đình nên chị có kiến thức về việc xử lý rác làm phân bón cho cây. Suốt 8 năm làm vườn sân thượng, chị không mấy khi mua phân bên ngoài mà chủ yếu tự ủ phân hữu cơ tại nhà.

Trên vườn của chị Thùy, rau xanh và cây trái đều sai trĩu.

Hình ảnh khu vườn sân thượng của chị Thùy được nhiều người yêu thích. Thế nhưng, chị cũng "đau đầu" vì hay bị người buôn giống cây, giống hạt "trộm ảnh".

Chị Thùy thực hiện mô hình Aquaponics trên sân thượng từ tháng 7/2016. Mô hình nhà chị gồm 10 khay trồng rau, 2 hồ cá (một hồ 1 khối, một hồ 0,5 khối). Chi phí thực hiện mô hình này vào năm 2016 là gần 100 triệu đồng. "Mình chọn những thiết bị tốt nhất nên giá thành cao. Đến nay mô hình vẫn hoạt động rất ổn định. Nhà mình có thể thoải mái ăn rau sạch và cá sạch mà lại không tốn công tưới, chăm sóc quá nhiều", chị Thùy chia sẻ.

Là "nông dân sân thượng" dày dặn kinh nghiệm nhưng trong dịp dịch Covid-19 vừa rồi, chị Thùy lần đầu gặp sự cố: thiếu rau xanh. Chị phải đặt mua rau ở siêu thị trong 2 tháng liền. "Máy bơm của hệ Aquaponics hỏng mà do giãn cách xã hội mình không thể khắc phục ngay. Lượng rau trồng thổ canh không đủ cung cấp cho gia đình mê rau xanh như nhà mình", chị Thùy chia sẻ.

Chị Thùy chi gần 100 triệu đồng cho hệ thống Aquaponics.

Rau trồng theo mô hình Aquaponics xanh mướt.

Với phương pháp trồng rau thổ canh, chị Thùy chia sẻ kinh nghiệm: sau mỗi vụ thu hoạch, chị phơi đất khô nhẹ rồi ủ với rác nhà bếp. Đôi khi chị cũng phơi đất thật khô, ủ cùng đầu, ruột cá, ủ hoai vài tháng rồi lấy ra trồng.

Khi ủ đất, chị Thùy không quên bổ sung thêm nấm Trichoderma để cung cấp vi sinh có lợi, giúp mau hoai mục rác, diệt trừ nấm bệnh. Trong vườn, chị Thùy trồng thêm một ít hoa cúc để dụ côn trùng vào đó thay vì tấn công các loại rau khác. Chị cũng trồng một số loại rau gia vị để đuổi côn trùng một cách tự nhiên, không cần dùng thuốc. Với các loại giàn bầu, bí, chị cắt tỉa lá thường xuyên để hạn chế rầy, rệp.

Sau mỗi vụ, chị Thùy đều ủ lại đất để cung cấp thêm dinh dưỡng.

Rau xà lách xanh mơn mởn.

Do chị Thùy có cách bón phân hữu cơ hợp lý, nên rau ăn lá, ăn củ đều rất phát triển.

Cây thanh long trồng sân thượng trĩu quả.

Trong quá trình sinh trưởng của các loại rau ăn lá, chị thường tưới bổ sung các loại phân tự ủ như phân ngải cứu, phân nha đam (ngâm ngải cứu, nha đam với đường trong 7 ngày rồi chắt nước pha cùng nước sạch để tưới) hoặc tưới bằng nước hồ cá. Chị Thùy cũng kết hợp nuôi trùn quế tại các chậu cây để giúp đất tơi xốp và cung cấp thêm dinh dưỡng một cách tự nhiên.

"Làm vườn vất vả và tốn nhiều thời gian, công sức lắm nhưng mình lúc nào cũng đam mê, yêu vườn. Niềm hạnh phúc nhất với mình là thấy gia đình có bữa ăn ngon, bổ dưỡng, an toàn", chị Thùy chia sẻ.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3298635