Malaysia lên kế hoạch trả lại gần 10 container rác thải nhựa
Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin (giữa) đứng trước các container chứa rác thải nhựa. (Ảnh: AFP)
“Malaysia sẽ không tiếp tục trở thành bãi rác của các nước phát triển và những ai phá hoại hệ sinh thái của chúng tôi bằng các hoạt động trái phép này đều là những kẻ phản bội. Chúng tôi sẽ đấu tranh. Mặc dù chúng tôi là nước nhỏ, nhưng chúng tôi sẽ không để bị bắt nạt”, Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin thông báo với các phóng viên hôm 28/5.
Malaysia đang lên kế hoạch trả lại 9 container rác thải nhựa được chuyển từ Mỹ, Anh, Singapore, Hà Lan, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ả rập Xê út và Bangladesh. Tổng khối lượng rác trả lại lên tới 450 tấn, bao gồm các thùng sữa, đồ nhựa và thậm chí cả đĩa CD.
Trong cuộc họp báo hôm qua, Bộ trưởng Yeo cho biết các nước phát triển thường xuyên “xuất khẩu” rác sang các đang phát triển như Malaysia. Quan chức Malaysia kêu gọi các nước “phát triển” dừng chuyển rác tới Malaysia, cho rằng đây là hành động “bất công và thiếu văn minh”.
“Rác đang được giao dịch dưới vỏ bọc tái chế. Người Malaysia đang phải hứng chịu chất lượng không khí tồi tệ do việc đốt rác công khai, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe, sông ngòi ô nhiễm, các hố rác trái phép và nhiều vấn đề liên quan khác”, Bộ trưởng Yeo nói thêm.
Malaysia cho biết các container chứa đầy rác thải nhựa bị ô nhiễm và không thể tái chế. Các container này bị tịch thu khi đang được đưa tới các cơ sở xử lý không có công nghệ tái chế thân thiện với môi trường.
Một container chất đầy rác thải nhựa được chuyển từ Australia tới Malaysia. (Ảnh: AP)
Malaysia vật lộn với vấn đề rác thải từ nước ngoài sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa từ năm ngoái trong một nỗ lực nhằm cải thiện môi trường của nước này. Mặc dù Trung Quốc vẫn cho phép nhập khẩu nhựa, giấy và kim loại phế liệu, song nước này không chấp nhận rác thải nhựa hay đồ có khả năng tái chế nhưng lẫn rác thải.
Lệnh cấm của Trung Quốc dẫn tới việc các nước xuất khẩu rác thải phải tìm cách chuyển rác tới nơi khác. Theo báo cáo của tổ chức Greenpeace tháng 11/2018, Malaysia là “bãi rác” mới tiếp nhận rác thải nhựa từ hơn 19 quốc gia. Ngoài ra, một số quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan cũng trở thành nơi “đổ rác” của các nước khác.
Từ tháng 1 đến tháng 7/2018, Malaysia đã tiếp nhận 754.000 tấn rác. Rác thải nhựa tại Malaysia sẽ được đốt ngoài trời, chất đống tại các khu tập kết rác không được xử lý gần các nguồn nước, vứt bỏ trong các tòa nhà không người ở hoặc để tự phân hủy.
Các quan chức Bộ Môi trường Malaysia sẽ tiếp tục kiểm tra thêm 60 container chứa 3.000 tấn rác thải và số rác này sẽ được đưa trở lại các nước đã xuất khẩu chúng. Bộ Môi trường Malaysia tính đến nay đã kiểm tra hơn 120 container rác từ các nước phát triển. Tháng trước, nước này cũng đã trả lại 5 container rác về Tây Ban Nha.
Sau Philippines, Malaysia là nước tiếp theo ở Đông Nam Á có động thái quyết liệt với việc xử lý rác thải từ các nước phát triển. Tuần trước, Philippines cũng thông báo sẽ trả lại hàng chục container rác mà các quan chức nước này cho là được đưa trái phép từ Canada vào Philippines từ năm 2013-2014.
Philippines đã ra hạn chót vào ngày 15/5 cho Canada để nhận lại rác, song Canada không thực hiện. Philippines đã có các động thái phản hồi cứng rắn, bao gồm chỉ đạo các quan chức nước này không phê duyệt các chuyến đi chính thức tới Canada. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thậm chí dọa sẽ mang rác đến đổ ở vùng lãnh hải của Canada.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/sau-philippines-malaysia-tra-lai-450-tan-rac-cho-hang-loat-quoc-gia-20190529084606949.htm