Lời khuyên của chuyên gia: Không hoang mang cũng đừng chủ quan với việc mắc Covid-19
|
Hiện nay, với sự xuất hiện của chủng Omicron, nhiều nước đã bắt đầu đi vào những làn sóng dịch mới. Ở Mỹ, làn sóng này cao hơn làn sóng trước rất nhiều. Chúng gấp khoảng 3-4 lần so với làn sóng gần nhất, với số người mắc là khoảng 700.000 người mỗi ngày. Chỉ riêng California, số lượng người mắc Covid-19 khoảng trên dưới 100.000 người/ngày.
Với sự biến đổi của các biến chủng mới, hiệu quả bảo vệ lây nhiễm của các vaccine hiện tại có lẽ không còn nhiều khi mà kháng thể tạo ra đã "nhắm trượt" quá nhiều. Việc lấy số lượng bù chất lượng bằng các mũi tăng cường có đặc điểm giống với mũi cơ bản là có lẽ càng ngày càng kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ bệnh nặng của các vaccine vẫn tốt. Điều này có thể thấy qua việc số lượng người nhiễm tăng rất cao nhưng số lượng người trở nặng hoặc tử vong không tăng nhiều, không làm bệnh viện quá tải như những làn sóng trước.
Hầu hết người tử vong do Covid-19 hiện nay ở Mỹ là do chưa tiêm vaccine. Mỹ tuy là một trong những quốc gia có lượng vaccine tốt nhiều nhất thế giới nhưng số lượng người tiêm chủng vẫn khiêm tốn so với các nước khác.
Trải nghiệm mắc Covid-19
Gần đây, các đồng nghiệp, bạn bè của tôi liên tục mắc Covid-19. Tôi đã có cảm giác nó đang ở khắp nơi, xung quanh mình. Vài tuần trước, tại nơi làm việc của tôi, một đồng nghiệp cùng chung phòng thí nghiệm đã trở thành F0. Tôi là một trong những người có tiếp xúc gần nên đã đăng ký đi "kiểm tra Covid-19 cho người không có triệu chứng". Tôi đăng ký kiểm tra 2 lần. Lần đầu, tôi âm tính. Nhưng lần thứ 2, tôi đã dương tính với SARS-CoV-2.
Tôi được cơ quan cho nghỉ ngơi trong 6 ngày, sau đó đi kiểm tra lại. Nếu âm tính, tôi mới được đi làm lại.
Vợ tôi là người tiếp xúc gần nên cũng được yêu cầu xét nghiệm. Một ngày sau, cô ấy cũng có kết quả dương tính. Sau 5 ngày, tôi thử test nhanh và kết quả vẫn dương tính. Đến ngày thứ 8 kể từ khi phát hiện mắc Covid-19, tôi đến cơ quan kiểm tra lại bằng test nhanh và kết quả âm tính. Trong khi đó, vợ tôi vẫn dương tính với nCoV và tiếp tục phải cách ly. Sau 2 tuần, vợ chồng tôi đều có kết quả âm tính.
|
Gia đình TS Nguyễn Hồng Vũ. Ảnh: NVCC. |
Về tình trạng bệnh, vợ tôi chỉ có biểu hiện nhẹ như ngứa cổ, hắt xì. Tôi có triệu chứng đau rát cổ, sốt nhẹ, mệt mỏi. Những triệu chứng này xuất hiện trong 2 ngày. Chúng tôi có một con gái 9 tuổi, sau 2 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính dù bé vẫn tiếp xúc gần cha mẹ trong thời gian mắc Covid-19.
Trong suốt thời gian cách ly, điều trị tại nhà, tôi không sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Tôi đã tiêm vaccine và không có bệnh nền, không thuộc nhóm có nguy cơ cao trở nặng khi mắc bệnh này nên chỉ chú trọng việc uống nước và nghỉ ngơi đầy đủ. Tôi có sốt nhẹ khoảng 38 độ C, chưa đến ngưỡng cần sử dụng thuốc hạ sốt.
Quyết định sử dụng thuốc kháng virus chỉ nên thực hiện khi lợi ích của việc dùng chúng cao hơn nhiều so với nguy cơ trở nặng hoặc tử vong do bệnh Covid-19.
TS Nguyễn Hồng Vũ
Bạn chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao liên tục từ 38,5 độ C trở lên. Vì hiện tượng sốt nhẹ cũng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể chống chọi với các tác nhân gây bệnh tốt hơn.
Đối với thuốc kháng virus cũng vậy, không phải trường hợp nào cũng cần tới chúng. Bởi chúng thường có những phản ứng phụ khá nguy hiểm. Quyết định sử dụng thuốc kháng virus chỉ nên thực hiện khi lợi ích của việc dùng chúng cao hơn nhiều so với nguy cơ trở nặng hoặc tử vong do bệnh Covid-19.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng nêu rõ người bệnh chỉ sử dụng thuốc kháng virus khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định và các giới hạn sử dụng, cảnh báo, thận trọng của thuốc.
Không hoang mang cũng đừng chủ quan
Nếu không may bị nhiễm nCoV, bạn không nên quá hoang mang, lo sợ. Trong thời gian ủ bệnh, số lượng virus nhân lên rất nhanh. Đến một số lượng đủ lớn, hệ miễn dịch sẽ nhận ra chúng và bắt đầu tấn công virus. Lúc này, cơ thể bắt đầu có những triệu chứng như nóng, sốt, mệt mỏi, tiêu chảy, mất mùi.
Khi tế bào miễn dịch đánh nhau với virus sẽ tạo ra kháng thể kháng lại virus. Lượng kháng thể này tăng lên, lượng virus sẽ giảm xuống. Đó là lúc virus từ từ bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch.
Trong cuộc chiến nào cũng sẽ có thiệt hại, đối với bệnh Covid-19, cơ quan thiệt hại chủ yếu là hệ hô hấp, phổi, một số trường hợp ở tim, thận. Tùy vào thiệt hại, chúng ta trải qua bệnh Covid-19 với những tình trạng bệnh khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Thông thường, sau 10-14 ngày, bệnh sẽ khỏi.
Vaccine hiện nay không còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nhiều nhưng khả năng giúp bệnh trở nặng vẫn còn khá tốt. Một nghiên cứu được thực hiện trên chủng Delta, những người không tiêm vaccine và đã tiêm vaccine có lượng virus khá giống nhau khi bắt đầu nhiễm. Tuy nhiên, theo thời gian, những người được tiêm vaccine giảm lượng virus rõ rệt và nhanh hơn.
|
Người trẻ nhưng có bệnh nền sẽ vẫn có nguy cơ cao trở nặng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày, không ít người có suy nghĩ "ai rồi cũng thành F0". Họ tự tin vì đã tiêm 3 mũi vaccine song không phải tất cả đều sẽ không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ.
Các số liệu khoa học cho thấy độ tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng nguy cơ trở nặng. Nhóm không triệu chứng và bệnh nhẹ thường rơi vào trẻ em và dưới 50 tuổi (81%). Trong khi đó, những người lớn hơn 60 tuổi sẽ nặng hơn, nguy cơ nhập viện (14%). Người trên 68 tuổi dễ rơi vào tình trạng nặng, thậm chí tử vong (5%).
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như người mắc bệnh ung thư, bệnh tự miễn, hút thuốc... cũng ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Vì vậy, bạn là người trẻ nhưng có bệnh nền sẽ vẫn có nguy cơ cao trở nặng.
Bên cạnh đó, di chứng của Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai khi bị nhiễm và khỏi bệnh. Bà Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về Long Covid, cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan triệu chứng hậu Covid-19.
|
Người dân chờ khám hậu Covid-19 tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC One Health Outlook ngày 17/2 của nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Y tế Ứng dụng, Đại học Birmingham, Anh, phát hiện các F0 có nguy cơ cao gặp phải hàng loạt triệu chứng hậu Covid-19 sau 12 tuần nhiễm virus. Họ cũng xác định được 115 triệu chứng Long Covid, kéo dài hơn 12 tuần.
Mỗi người đáp ứng với bệnh khác nhau. Một số người rất khỏe mạnh nhưng khi nhiễm bệnh, sự tương tác với virus gây tổn thương cho cơ thể, ảnh hưởng đến phổi, tim hay thận.
TS Nguyễn Hồng Vũ
Vô số triệu chứng hậu Covid, từ sương mù não, ảo giác đến run, ù tai, kéo dài tới 10 hệ thống cơ quan của cơ thể. Đặc biệt, gần 35% trong số các triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng trong ít nhất 6 tháng sau khi F0 khỏi bệnh.
Rõ ràng, chúng ta không nên quá chủ quan. Mỗi người đáp ứng với bệnh khác nhau. Một số người rất khỏe mạnh nhưng khi nhiễm bệnh, sự tương tác với virus gây tổn thương cho cơ thể, ảnh hưởng đến phổi, tim hay thận.
Với người trẻ, khỏe, Covid-19 có thể trải qua nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu bạn lây bệnh cho người khác, không may họ có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, già yếu sẽ chuyển biến nặng hơn. Do đó, tốt nhất, bạn không nên trở thành nguồn lây cho người khác.
Dù đã tiêm đủ các liều vaccine cơ bản và cả liều bổ sung, có lẽ chúng ta cần có những mũi vaccine cải tiến để theo kịp sự thay đổi của những biến chủng mới, làm tăng lại hiệu quả bảo vệ lây nhiễm của vaccine.
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ. Ông đang tham gia vào nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 của tổ chức này. Nghiên cứu có tên COH04S1, một dạng virus vector, đang được thử nghiệm lâm sàng ở pha 2. Trước đó, ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế và được trao giải thưởng về sử dụng vi khuẩn trong điều trị ung thư.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/dung-qua-xem-thuong-viec-mac-covid-19-post1298485.html