Lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ biên giới Nga
Mùa xuân năm nay, thượng tướng Alexander Lapin, 60 tuổi, được Bộ Quốc phòng Nga giao nhiệm vụ phụ trách an ninh tại tỉnh Kursk, phía tây đất nước.
Tướng Lapin gây nhiều tranh cãi sau khi bị lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov chỉ trích công khai hồi cuối năm 2022 vì chiến dịch rút quân "thảm họa" khỏi thành phố Lyman ở Ukraine.
Kadyrov cho rằng Lapin là chỉ huy "bất tài" và được đề bạt lên vị trí cao nhờ quan hệ trong Bộ Tổng tham mưu Nga. Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga còn cáo buộc tướng Lapin tung quân ra chiến trường mà không có sự chuẩn bị phù hợp, khiến họ hứng chịu nhiều tổn thất.
Lapin sau đó bị cách chức tư lệnh Quân khu Trung tâm, nhưng được trọng dụng trở lại trong cuộc cải tổ nhân sự cấp cao của quân đội Nga hồi tháng 1/2023, giữ chức tham mưu trưởng lục quân, quyết định từng gây xôn xao trong các blogger ủng hộ Điện Kremlin. Đầu năm nay, ông trở thành Tư lệnh Quân khu Leningrad, phụ trách khu vực biên giới phía tây của Nga.
Igor Girkin, cựu sĩ quan tình báo Nga từng chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine năm 2014, đã cho rằng quyết định đề bạt Lapin là "sai lầm". "Dưới quyền chỉ huy của ông ấy, quân ta đã hứng chịu thất bại nặng nề ở Balakleya và Izyum, phải từ bỏ gần 10 thành phố và rút lui khỏi tỉnh Kharkov", Girkin nói.
Một trong những quyết định đầu tiên của tướng Lapin với tư cách Tư lệnh Quân khu Leningrad là giải tán hội đồng quân sự - an ninh địa phương có nhiệm vụ giám sát an ninh khu vực biên giới. Lapin tự tin khẳng định rằng chỉ cần quân đội là đủ để bảo vệ biên giới, theo một quan chức an ninh Nga am hiểu vấn đề.
Thực tế cho thấy quyết định này đã tạo ra một lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ biên giới Nga, khiến họ bị bất ngờ trước cuộc tấn công của Ukraine hồi đầu tháng.
Một xe tăng Nga bị phá hủy gần thị trấn Sudzha, tỉnh Kursk, hôm 16/8. Ảnh: AP
Quân đội Ukraine đã vượt qua biên giới Nga và đối đầu với một lực lượng hỗn loạn. Họ tiến công nhanh chóng và tuyên bố đang kiểm soát khoảng 1.200 km2 lãnh thổ Nga.
Trước khi Ukraine phát động cuộc tấn công, các phóng viên quân sự Nga cho biết hàng loạt báo cáo đã được gửi về Moskva cảnh báo rằng lực lượng Ukraine đang tăng cường quân số ở gần biên giới tỉnh Kursk.
Theo những người quen thuộc với các hoạt động biên giới Nga - Ukraine, chiến thuật tập trung quân này từng được cả hai bên sử dụng trước đây như một cách gây áp lực tâm lý với đối phương, vì vậy, dường như cả tướng Lapin và giới lãnh đạo ở Moskva đều chủ quan.
Bất chấp những thông tin tình báo về các động thái quân sự của Ukraine gần biên giới, lực lượng dưới quyền của tướng Lapin vẫn không bố trí phòng thủ hay gài mìn, như quân đội Nga đã làm vào năm ngoái để ngăn chặn chiến dịch phản công của Ukraine.
Ngày 6/8, khi những người lính Ukraine tiến vào vùng đất không người giữa nước này và Nga, họ không gặp bất kỳ kháng cự nào. Tiến sâu hơn vào trong lãnh thổ Nga, họ không đối mặt với hàng rào phòng thủ hay phòng tuyến nào.
Phản ứng kháng cự đầu tiên của Nga là từ trung đoàn bộ binh cơ giới 488 thuộc lữ đoàn 144, đơn vị gồm hầu hết là lính nghĩa vụ, những người theo chính sách của Nga không được phép chiến đấu bên trong Ukraine.
Lực lượng Ukraine đã sử dụng phương pháp gây nhiễu điện tử, khiến các binh sĩ Nga ở gần biên giới không thể liên lạc với chỉ huy phía sau. Chỉ đến khi lính Ukraine xuất hiện, một số đơn vị Nga mới biết họ bị mắc kẹt và phải phân tán vào rừng. Một số tổ chức kháng cự cục bộ, phục kích lính Ukraine. Nhưng cuối cùng, hàng trăm binh lính Nga, nhiều người là lính nghĩa vụ, đã đầu hàng.
"Các chỉ huy cấp cao Nga đơn giản là không nghĩ đến viễn cảnh thế này có thể xảy ra", Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn Rochan Consulting, trụ sở tại Ba Lan, chuyên nghiên cứu về quân đội Nga, nhận xét.
Giới quan sát cho rằng tướng Lapin khi đảm nhận công việc mới cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực, do Nga phải dồn nguồn lực cho chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của ông là tuân thủ hệ thống chỉ huy theo thứ bậc từ trên xuống dưới, khiến sĩ quan cấp cao khó nắm bắt được thực tế chiến trường.
Hệ thống chỉ huy, kiểm soát theo cấp bậc này của Nga đã không ít lần bộc lộ điểm yếu trong chiến sự Ukraine. Khi tình hình thực địa thay đổi nhanh chóng, lực lượng Nga khó ứng biến mau lẹ để phản ứng, mà thường chờ chỉ thị từ các cấp chỉ huy, theo William Courtney, chuyên gia cấp cao tại RAND, tổ chức nghiên cứu chiến lược và tư vấn hàng đầu Mỹ.
"Khi mọi kế hoạch chỉ được đưa ra ở cấp cao nhất, phản ứng của những người lính ở đơn vị cơ sở trước các sự kiện bất ngờ, diễn biến nhanh chóng bị hạn chế đáng kể, bởi không có ai trên thực địa chủ động đưa ra sáng kiến", ông nói.
Đây được coi là nguyên nhân lực lượng Nga ở tỉnh Kursk gần như không thể chống đỡ đà tiến của Ukraine trong những ngày đầu, khi bản thân các chỉ huy cấp cao như tướng Lapin cũng bị bất ngờ.
"Nga vẫn chật vật tìm cách đối phó với chiến dịch tấn công của Ukraine. Họ phản ứng khá chậm và rời rạc", quan chức quân sự NATO Christopher Cavoli phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ tuần trước. "Một phần nguyên nhân là bởi những người lính ở thực địa không rõ phải nhận lệnh từ đâu".
Bộ Quốc phòng Nga đến nay chưa đưa ra lời giải thích nào về lý do họ chưa thể chặn được đà tiến của Ukraine ở tỉnh Kursk. Vài giờ sau cuộc tấn công của Ukraine, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cho biết lực lượng của tướng Lapin và lính biên phòng đang cố gắng "tiêu diệt đối phương ở những khu vực tiếp giáp trực tiếp với biên giới Nga - Ukraine".
Thượng tướng Nga Alexander Lapin. Ảnh: TASS
Nhưng hơn hai năm xung đột có lẽ đã phần nào gây cạn kiệt nhân lực và tài nguyên của quân đội Nga, giới chuyên gia đánh giá. Bình thường, trung đoàn 488 sẽ có khoảng 120 xe tăng và xe chở quân, nhưng trong cuộc chạm trán đầu tiên với Ukraine, những người lính nghĩa vụ Nga chỉ có khoảng 10-20 chiếc, Muzyka cho biết.
Chiến dịch Kursk gợi nhớ những gì đã diễn ra ở đông bắc Ukraine hồi đầu tháng 9/2022, khi Ukraine phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào phòng tuyến mà đơn vị của tướng Lapin xây dựng vội vàng tại đây. Lính Ukraine đã áp đảo đối phương bằng các xe thiết giáp tốc độ cao, theo sau là đội hình xe tăng chọc thủng phòng tuyến Nga.
Các đơn vị dưới quyền Lapin liên tục rút lui khỏi Kharkov, giúp Ukraine giành lại hàng nghìn km2 lãnh thổ. Thất bại này đã khiến lãnh đạo Chechnya Kadyrov, đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, tức giận kêu gọi Lapin từ chức.
"Tôi sẽ giáng chức Lapin xuống binh nhì, tước bỏ mọi huân huy chương của ông ta và đưa ông ta ra tiền tuyến với một khẩu súng máy", Kadyrov lúc bấy giờ nói.
Một số bình luận viên quân sự có ảnh hưởng của Nga cho rằng lời chỉ trích của lãnh đạo Chechnya là không công bằng, vì Lapin mới chỉ được điều động đến đông bắc Ukraine trước đó không lâu và chưa kịp nắm rõ tình hình thực địa.
Thất bại trên cũng khiến Điện Kremlin phải suy nghĩ lại về vấn đề nhân lực, và một tháng sau, Nga phát lệnh động viên một phần để tuyển thêm hơn 300.000 quân dự bị, củng cố phòng tuyến. Kể từ đó, nhờ những đãi ngộ đặc biệt về tài chính, hàng nghìn tình nguyện viên đã kéo đến các văn phòng tuyển quân của Nga để đăng ký nhập ngũ, giúp họ có thêm nguồn lực quan trọng cho cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Tuy nhiên, những tổn thất trong quá trình chiến đấu vẫn khiến nguồn dự trữ chiến lược bị hao hụt đáng kể, hạn chế lượng nhân lực mà Điện Kremlin hiện có thể điều động đến Kursk.
Giờ đây, khi Nga cố gắng giành lợi thế trên lãnh thổ của mình, họ phải rút bớt một số đơn vị từ miền đông Ukraine sang. Hiện chưa rõ Ukraine có thể tiến xa đến đâu, nhưng động thái này cho thấy quân đội Nga đã lộ ra một điểm yếu là khả năng lập kế hoạch dự phòng.
Chiến dịch xuyên biên giới "chắc chắn đã chứng minh được sự sáng tạo và sức mạnh chiến trường của Ukraine", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder cho hay. "Rõ ràng là họ đã gây ra khó khăn không nhỏ cho người Nga".
Vị trí tỉnh Kursk. Đồ họa: CNN
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/sai-lam-cua-tuong-nga-khien-ukraine-xam-nhap-tinh-kursk-4784245.html