LHQ kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ. (Nguồn: THX)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 17/6 kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức), còn biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), năm 2015.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký đã hối thúc Iran tiếp tục thực thi các cam kết liên quan đến hạt nhân, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ký kết thỏa thuận tuân thủ triệt để các cam kết tương ứng.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng hối thúc các nước hỗ trợ thực thi JCPOA, yêu cầu tất cả các bên tránh có các bước đi dẫn đến leo thang căng thẳng tại khu vực.
Theo ông Dujarric, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres coi JCPOA là thành tựu lớn về ngoại giao và chống phổ biến hạt nhân, đóng góp vào hòa bình, an ninh của thế giới và khu vực.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Iran "kiên nhẫn và có trách nhiệm."
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hiện đang có chuyến thăm chính thức Paris, Tổng thống Macron “lấy làm tiếc” về tuyên bố của Iran sẽ sớm vượt qua giới hạn về lượng dự trữ urani làm giàu được quy định trong JCPOA. Theo ông, bất kỳ sự leo thang nào liên quan đến bế tắc hạt nhân ở thời điểm hiện tại đều "gây tổn hại đến lợi ích của chính người Iran và cả cộng đồng quốc tế."
Do đó, Pháp và các nước đối tác sẽ nỗ lực hết sức để thuyết phục Iran không vượt qua giới hạn về lượng dự trữ urani làm giàu được quy định trong JCPOA.
Trước nguy cơ căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới, Đức và Anh cũng khuyến cáo Tehran không vượt qua giới hạn về lượng dự trữ urani được quy định trong JCPOA.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với các ngoại trưởng EU tại Luxembourg, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bác bỏ tuyên bố của Iran đưa ra trước đó cùng ngày về việc sẽ vượt qua giới hạn dự trữ 300kg urani được làm giàu trong vòng 10 ngày, đồng thời đề nghị Tehran tuân thủ các cam kết theo JCPOA. Theo ông, Berlin chắc chắn sẽ không chấp nhận việc đơn phương ngừng tuân thủ một số cam kết.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Chính phủ Anh nhắc lại nhóm ba nước EU (gồm Anh, Pháp, Đức tham gia ký kết JCPOA), còn gọi là E3, kiên định rõ rằng không thể giảm bớt việc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận. Theo ông, hiện Iran vẫn đang duy trì các cam kết hạt nhân trong JCPOA, vì vậy, London sẽ phối hợp với các đối tác E3 về các bước đi tiếp theo.
Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố EU sẽ không hành động dựa trên những tuyên bố của Iran và sẽ đợi các báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
Về phần mình, Mỹ khẳng định nước này và cộng đồng quốc tế sẽ không nhượng bộ trước các tuyên bố hạt nhân của Iran. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, Washington không ngạc nhiên trước tuyên bố của Iran và sẽ tiếp tục kêu gọi Tehran thực thi các cam kết đối với cộng đồng quốc tế.
Khi được hỏi về việc liệu tại sao Mỹ đề nghị Iran tôn trọng thỏa thuận trong khi nước này đơn phương "xé bỏ" JCPOA, bà Ortagus nêu rõ Washington sẽ không chấp nhận việc Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tuyên bố kể từ ngày 27/6 tới, Iran sẽ bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo JCPOA. Quan chức này tuyên bố đến ngày 27/6, Tehran sẽ vượt qua giới hạn 300kg urani được làm giàu được quy định trong JCPOA.
Tuy nhiên, Iran cho rằng các nước châu Âu vẫn còn thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nói trên. Trong cuộc gặp Đại sứ Pháp tại Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh hiện là thời điểm mấu chốt và Pháp vẫn có thể phối hợp với các bên ký kết khác đóng một vai trò lịch sử để cứu vãn thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân sẽ không phải là điều có lợi cho khu vực và thế giới.
Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.
Xem thêm
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-keu-goi-iran-tuan-thu-thoa-thuan-hat-nhan/575437.vnp