Lãnh đạo EU cảnh báo Omicron có thể trở thành chủng trội
"Số ca nhiễm dường như tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày. Đó là mức tăng rất lớn. Chúng tôi đã được thông báo rằng đến giữa tháng 1/2022, Omicron có thể là biến chủng chiếm ưu thế mới ở châu Âu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm nay.
Theo Von der Leyen, sóng Covid-19 hiện tại ở châu Âu vẫn do biến chủng Delta, nhưng điều quan trọng là phải triển khai thêm vaccine và mũi tiêm tăng cường để đối phó chủng mới. Bà lưu ý châu Âu hiện có thể sản xuất 300 triệu liều vaccine mỗi tháng.
"Trong năm qua, chúng ta đã làm việc cần mẫn, đạt nhiều thành tựu lớn và đó là lý do châu Âu đang ở vị thế tốt hơn để chống dịch", bà nói, thêm rằng hiện đã có "đủ liều vaccine cho mọi người châu Âu", khi các nước Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy mũi tiêm tăng cường để chống biến chủng Omicron.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân gần thành phố Rennes, tây bắc nước Pháp hôm 1/12. Ảnh: Reuters.
"Chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để khắc phục tình trạng hoài nghi vaccine, bởi cái giá chúng ta phải trả nếu mọi người không được tiêm chủng đang tiếp tục tăng lên", bà nhấn mạnh.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. Dù WHO đã xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, các tổ chức trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu về mức độ lây lan hay độc lực của nó và vẫn chưa thể công bố kết luận chính xác.
Một số quốc gia châu Âu cho biết ca nhiễm biến chủng Omicron ở nước họ đang tăng gấp đôi sau mỗi hai ngày và cảnh báo hệ thống y tế đang bị quá tải. Chính phủ Anh đang áp đặt các hạn chế mới và tăng cường nỗ lực tiêm chủng để đối phó biến chủng Omicron.
Các nước EU đang thực hiện nhiều bước để chống lại, hoặc ít nhất là làm chậm sóng lây nhiễm do Omicron. Italy đã áp đặt quy tắc mới yêu cầu tất cả du khách, trong đó có những người đến từ các quốc gia EU khác, phải xuất trình xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh. Phần Lan cũng đang có kế hoạch thắt chặt quy định đi lại, yêu cầu người từ bên ngoài khối phải xuất trình xét nghiệm âm tính.
Đan Mạch, một trong những quốc gia có chương trình sàng lọc virus nghiêm ngặt nhất châu Âu, xác nhận đang ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm Omicron hàng ngày. Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết biến chủng này đang lan truyền "với tốc độ dữ dội" và gọi đó là "tình huống nghiêm trọng".
Các lãnh đạo EU sẽ họp tại Brussels, Bỉ tuần này để thảo luận về các biện pháp chống chủng mới, đặc biệt tập trung vào các đợt tiêm vaccine tăng cường.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, khoảng 25 quốc gia châu Âu đã ghi nhận ca nhiễm Omicron. Phân tích sơ bộ về các ca ban đầu cho thấy khoảng 70% trong số đó được ghi nhận trong nước, không liên quan đi lại từ châu Phi, nơi biến chủng mới lần đầu được xác định.
Nghiên cứu của Discovery Health, công ty bảo hiểm lớn nhất Nam Phi, được công bố hôm 14/12, cho thấy hai liều vaccine Pfizer có thể giúp ngăn tới 70% nguy cơ nhập viện vì chủng Omicron. Hãng dược Pfizer trước đó cũng tuyên bố kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm chỉ ra liều thứ ba của vaccine này cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước biến chủng Omicron.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/omicron-co-the-thanh-chung-troi-o-chau-au-4403607.html