Làng bánh chưng, bánh tét truyền thống Đại An Khê
Nổi tiếng gần xa bởi món bánh chưng màu xanh lá, bánh tét bán nguyệt có hình như vầng trăng khuyết, những ngày sát Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, làng bánh Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lại “hối hả” vào mùa.
Hàng ngày, có hàng nghìn chiếc bánh cung cấp ra thị trường được đưa đi khắp nơi để phục vụ việc thờ cúng tổ tiên cũng như nhu cầu ẩm thực trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Nếu nói đến bánh chưng, bánh tét thì khắp đất nước Việt Nam ở đâu cũng có, nhưng điểm khác biệt so với những vùng miền khác làm nên thương hiệu của làng bánh Đại An Khê đó chính là bí quyết “gia truyền” mà cha ông để lại từ xa xưa.
Nổi tiếng nhất trong các loại bánh làm từ gạo nếp đó chính là bánh tét bán nguyệt.
Chiếc bánh khi chín, cắt ra, mỗi miếng bánh sẽ giống như vầng trăng khuyết. Màu vàng của nhân bánh cùng màu xanh của nếp trên miếng bánh nhìn như một bức tranh thủy mạc thôn quê sống động với hình ảnh vầng trăng treo cao trên lũy tre làng trong những đêm thanh vắng mùa Hè.
Bên cạnh đó, những chiếc bánh chưng được gói vuông vức, thơm ngon có màu xanh lá cũng được người dân Quảng Trị say mê và xem đó là món bánh không thể thiếu trên mâm cúng tổ tiên vào những dịp lễ, Tết của gia đình.
Bà Lê Thị Vinh (62 tuổi), làng Đại An Khê chia sẻ món bánh tét bán nguyệt, bánh chưng Đại An Khê có từ xa xưa do các thế hệ cha ông tổ tiên lưu truyền lại.
Tiêu chuẩn để một người con gái được xem là trưởng thành để đi lấy chồng chính là phải gói thành thạo được bánh tét bán nguyệt và bánh chưng. Điều làm nên đặc biệt trong các loại bánh nếp chính là màu xanh của bánh.
Trong quá trình làm bánh, người dân làng Đại An Khê lựa chọn những loại nếp dẻo, thơm và để có màu xanh của bánh, trong vườn nhà ai cũng đều trồng rau ngót.
Lá rau ngót được rửa sạch, giã lấy nước, trộn với gạo nếp sẽ tạo màu xanh. Lá rau ngót hòa quyện với gạo nếp và nhân bánh khi ăn sẽ không bị ngán mà thơm nồng, ngon miệng.
Đặc biệt, đối với loại bánh tét bán nguyệt, quá trình làm nhân hay gói đòi hỏi sự kỳ công làm sao để ép được chiếc bánh khi nấu chín và cắt ra sẽ giống như vầng trăng khuyết.
Theo bà Vinh, những năm trước khi gia đình bà về đây, làng nghề lúc ấy đang đứng trước nguy cơ thất truyền bởi lớp trẻ không mặn mà còn sản phẩm không được quảng bá rộng rãi nên dần mai một. Thế nhưng, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, hiện làng bánh Đại An Khê đã nổi tiếng gần xa trong khắp cả nước.
Những ngày này, dạo một vòng khắp làng Đại An Khê, mùi bánh thơm nồng từ những căn bếp tỏa khắp nơi như mang cả mùa Xuân về.
Hiện cả làng Đại An Khê có khoảng 20 hộ nấu bánh với quy mô lớn, trung bình mỗi hộ nấu từ 300-500 bánh chưng, bánh tét bán nguyệt mỗi ngày để cung cấp ra thị trường.
Trong những ngày sát Tết Nguyên đán, có hộ làm hơn 1.000 bánh mỗi ngày theo đơn đặt hàng để cung cấp gần, xa. Nhờ vậy, làng bánh vào mùa đã góp phần tạo công ăn việc làm cho những lao động thôn quê trong lúc nông nhàn.
Trung bình mỗi cặp bánh chưng hiện có giá từ 50.000-55.000 đồng tùy theo giá sỉ hoặc lẻ để cung cấp ra thị trường.
Là người luôn đau đáu với việc giữ gìn và phát triển làng nghề của cha ông, gia đình ông Đào Bá Vây, làng Đại An Khê suốt nhiều năm qua, luôn duy trì nghề nấu bánh và xem đó là công việc chính của gia đình.
Thông qua các phương thức quảng bá trên mạng xã hội, hiện nay sản phẩm bánh tét bán nguyệt, bánh chưng Đại An Khê đã có chỗ đứng trong thị trường cả nước với lượng khách ổn định quanh năm.
Để kịp đơn hàng, gia đình ông Vây phải thuê thêm 10 người trong xã với mức từ 100.000-150.000 đồng/người/buổi. Từ đầu tháng 11 âm lịch, gia đình ông đã kín lịch và từ chối nhận thêm đơn bánh mới trong dịp Tết.
Ông Đào Bá Vây tâm sự: “Để làm được chiếc bánh ngon đòi hỏi phải đặt tâm tư, tình cảm và tâm huyết của người làm gói gọn vào đó. Dịp cuối năm, đơn đặt hàng rất nhiều nhưng gia đình tôi từ chối nhận thêm để đảm bảo chất lượng và sản phẩm bánh làm ra chứ không sản xuất đại trà. Mỗi ngày, chúng tôi làm được 500 bánh chưng và bánh tét bán nguyệt để cung cấp cho thị trường. Sản phẩm bánh của chúng tôi tuyệt đối không sử dụng chất phụ gia hay tạo màu mà hoàn toàn bằng thiên nhiên với nếp, nước lá rau ngót, đậu xanh, thịt, lá dong và gia vị. Chính vì vậy, bánh của gia đình tôi luôn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng giữ vững.”
Những ngày cuối năm, gác lại công việc bộn bề, mỗi người lại trở về với nguồn cội, quê hương để vui Xuân đón Tết bên mâm cơm gia đình. Theo đó, những chiếc bánh chưng, đòn bánh tét luôn có trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình để dâng cúng ông bà tổ tiên, đây là nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt từ xa xưa. Mỗi miếng bánh như là lời dặn dò của thế hệ trước đối với con cháu sau này phải luôn giữ gìn truyền thống của dân tộc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Thượng Lê Thị Bé Hương cho biết để duy trì và phát triển làng nghề làm bánh Đại An Khê, Ủy ban Nhân dân xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tem truy xuất nguồn gốc cũng như thành lập tổ hợp tác làm bánh Đại An Khê. Đồng thời, thông qua các hình thức khác nhau để quảng bá sản phẩm của làng nghề trên mạng xã hội, hội chợ, phương tiện thông tin đại chúng...
Với những nỗ lực ấy, từ một làng nghề có nguy cơ thất truyền, hiện nay nghề làm bánh Đại An Khê đã phát triển không ngừng và được thị trường đón nhận cao.
Các sản phẩm bánh tét bán nguyệt, bánh chưng, bánh tày của làng bánh Đại An Khê không chỉ tiêu thụ đắt hàng vào dịp sát Tết mà cả những ngày thường trong năm.
Thời gian tới, để làng nghề phát triển hơn nữa, xã Hải Thượng đang tiến hành làm hồ sơ đăng ký thương hiệu cũng như mở rộng thêm thành viên tham gia tổ hợp tác. Xã cũng liên kết với một số địa phương để tạo vùng sản xuất chuyên canh theo quy trình hữu cơ sạch cung ứng nguyên liệu làm bánh như nếp, rau ngót, lá dong..., đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, gìn giữ và phát huy uy tín làng nghề./.
Xem thêm
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/lang-dai-an-khe-gin-giu-nghe-lam-banh-chung-banh-tet-truyen-thong/694073.vnp