"Làn sóng dịch bệnh thứ hai như cơn sóng thần" quét qua Ấn Độ
|
"Làn sóng dịch bệnh thứ hai như cơn sóng thần" quét qua Ấn Độ, khiến quốc gia Nam Á trở thành điểm nóng được cả thế giới dõi theo, với ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm virus corona cao kỷ lục thế giới, theo Bloomberg.
Hình ảnh những bệnh viện quá tải, những nhà xác và bãi hỏa thiêu chồng chất tử thi, hay câu chuyện những bệnh nhân thiệt mạng chỉ bởi không có dưỡng khí, khiến thế giới sửng sốt và bàng hoàng.
Lúc này, tại New Delhi và Mumbai, thủ đô hành chính và thủ phủ tài chính của Ấn Độ đang bị phong tỏa, bên cạnh tiếng còi hụ của xe cấp cứu vang lên không ngừng nghỉ, người ta nghe thấy sự phẫn nộ và lời chỉ trích ngày càng dữ dội của cử tri nhắm vào Thủ tướng Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata cầm quyền.
Thi thể người chết vì Covid-19 được hỏa táng ở New Delhi. Ảnh: AFP. |
Bùng nổ phẫn nộ
"Trong thời khắc thập tử nhất sinh, ông ấy (Thủ tướng Modi) chiến đấu vì lá phiếu, chứ không phải vì mục tiêu chống Covid-19", Panchanan Maharana, một nhà hoạt động cộng đồng ở bang Odisha, cho biết.
Maharana từng ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của Thủ tướng Modi. Nhưng giờ, ông muốn trao lá phiếu cho lực lượng chính trị khác.
"Thủ tướng đã phụ niềm tin của cử tri, đã đến lúc ông ấy nói ít lại và tập trung bảo vệ sinh mạng và cuộc sống của người dân", ông Maharana nói.
Thủ tướng Modi được giới chuyên gia nhận định là một chính trị gia dân túy, theo đuổi phong cách dân tộc chủ nghĩa đặc trưng, thúc đẩy sự thống trị của đạo Hindu. Tại một quốc gia nơi 80% dân số là người Hindu, chính sách dân túy ấy giúp ông Modi thu hút được niềm tin của phần đông cử tri.
Sau nhiệm kỳ đầu dù các chính sách không mang lại nhiều thành công, cử tri Ấn Độ vẫn tiếp tục trao lá phiếu cho ông Modi trong cuộc bầu cử năm 2019, một phần bởi không có lực lượng đối lập nào đáng chú ý.
Trong cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 1, ông Modi nhận được sự ủng hộ của 74% cử tri, một con số vô cùng ấn tượng. Nhưng giờ đây, không ai có thể khẳng định uy tín của Thủ tướng Modi còn được bảo đảm, sau những gì đại dịch đã mang lại.
Thủ tướng Narendra Modi (trái) chủ trì cuộc họp bàn đối sách ứng phó dịch bệnh. Ảnh: NDTV. |
"Sự phẫn nộ của người dân với cách điều hành sai lầm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ là điều không cần bàn cãi. Câu hỏi là liệu sự phẫn nộ ấy có vượt lên những thù ghét (về tôn giáo) đã được nuôi dưỡng có hệ thống trong xã hội suốt nhiều năm? Và liệu sự tức giận ấy có kéo dài tới thời gian bầu cử?", Nikita Sud, chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc Hindu của Đại học Oxford, đánh giá.
Đó là những câu hỏi không dễ tìm ra lời giải.
Làn sóng chỉ trích trên Twitter đã phản ánh rõ sự tức giận đi cùng thất vọng của cử tri đối với Thủ tướng Modi.
Phát biểu trước quốc dân hôm 20/4, ông Modi dường như thất bại khi không thể làm yên lòng cử tri trong bối cảnh đại dịch khiến cả đất nước run rẩy. Nhà lãnh đạo Ấn Độ không thể đưa ra chi tiết kế hoạch hành động của chính phủ nhằm đảo chiều tình hình dịch bệnh.
Sau bài phát biểu ấy, dòng hashtag bằng tiếng Hindi có nghĩa "Dừng nói, đừng dừng oxy" đã được chia sẻ hơn 108.000 lần, thể hiện sự giận dữ của người dân trước tình trạng khan hiếm dưỡng khí ở các cơ sở y tế.
Một số hashtag khác như #ModiMadeDisaster (Modi gây ra thảm họa) hay #ModiResign (Modi hãy từ chức) cũng rất phổ biến trên Twitter những ngày qua.
Uy tín không thể động đến?
Đến lúc này, chưa thể khẳng định cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ khiến Thủ tướng Modi và đảng Bharatiya Janata cầm quyền thất bại trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Đối với cử tri, việc chính phủ ủng hộ xây dựng đền thờ đạo Hindu ở bang Uttar Pradesh trên nền đất từng là vị trí của một nhà thờ Hồi giáo, hay quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt của Jammu Kashmir - khu vực duy nhất có đa số cư dân là người Hồi giáo ở Ấn Độ - nhận được sự tán thưởng đặc biệt mạnh mẽ tại quốc gia mà người Hindu chiếm 80% dân số.
"Việc xây dựng đền thờ có ý nghĩa quan trọng, vì sao người Hindu không thể xây đền thờ trên đất của mình?" Govind Kumar, một công nhân nhà máy ở New Delhi, cho biết.
Nói về đại dịch, Kumar cho rằng "không ai có thể kiểm soát tình hình, vì sao lại chỉ trích một mình" Thủ tướng Modi.
Những sự ủng hộ kiểu như của Kumar rất phổ biến ở Ấn Độ. Một số nhà bình luận cho rằng sự ủng hộ dành cho ông Modi giống như sự ủng hộ dành cho một đấng cứu thế, vượt quá yếu tố chính trị thông thường.
Cảnh quá tải trong bệnh viện ở New Delhi. Ảnh: Reuters. |
"Thương hiệu của ông Modi dường như trở nên bất khả xâm phạm trước các quy luật về cạnh tranh chính trị quy ước", Asim Ali, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chính trị ở New Delhi, đánh giá.
Tại nhiều nơi trên thế giới, đại dịch Covid-19 và thiệt hại khủng khiếp nó mang lại đã cho thấy không chính trị gia nào, dù dân túy đến đâu, là không thể bị hạ bệ.
Ở Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro ban đầu kiên quyết bác bỏ đại dịch, cuối cùng đã buộc phải nhượng bộ sau khi số ca mắc bệnh và tử vong tăng cao kỷ lục đầu năm nay.
Trong khi đó, nếu không phải bởi virus corona biến nước Mỹ trở thành tâm dịch với số người mắc bệnh và tử vong lớn nhất thế giới, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ đã dễ dàng đắc cử nhiệm kỳ hai.
Lời hứa tiêu tan
Quyết định của ông Modi tiến hành các buổi vận động tranh cử và cho phép tổ chức những lễ hội tôn giáo ngay khi làn sóng dịch bệnh thứ hai đang hoành hành vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 khiến giới quan sát và các nhà đầu tư hoài nghi về khả năng lãnh đạo cũng như quản trị đất nước, chuyên gia Sud của Đại học Oxford nói.
Thủ tướng Modi cũng đang gặp rắc rối sau khi hứa hẹn quá đà về vấn đề vaccine, cả trong nước cũng như trước cộng đồng quốc tế.
Tháng 10/2020, ông Modi tự tin tuyên bố Ấn Độ là "hiệu thuốc của thế giới". Nhưng khi số ca bệnh tăng nhanh, Ấn Độ đột ngột dừng xuất khẩu vaccine, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chương trình phân phối vaccine có tên COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Chỉ mới tháng trước, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố đất nước đang "trong những ngày cuối" của đại dịch Covid-19. Nhưng 6 tuần sau, Ấn Độ rơi vào chuỗi ngày dịch bệnh tồi tệ chưa từng có.
Sau khi phân phối 3 triệu liều vaccine mỗi ngày đầu tháng 4, các trung tâm tiêm chủng hiện nay đang thiếu vaccine, nhiều điểm tiêm chủng khắp Ấn Độ đã phải đóng cửa.
Vaccine đã hết ở nhiều điểm tiêm chủng tại Ấn Độ. Ảnh: Getty. |
Hôm 19/4, Thủ tướng Modi đã công bố thay đổi chính sách tiêm chủng, cho phép mọi người dân từ đủ 18 tuổi tiêm vaccine, và để chính quyền các bang tự xây dựng chiến lược riêng, cũng như làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vaccine.
Những người chỉ trích cho rằng mục đích của New Delhi là đẩy các tiểu bang lên tiền tuyến và hứng chịu chỉ trích thay cho chính quyền trung ương.
"Trong giai đoạn đầu, chính phủ khoe rằng tình hình trong tầm kiểm soát và nhận hết công lao. Giờ người dân không tin lời chính phủ nữa, họ sẽ đổ lỗi cho Thủ tướng Modi và chính phủ của ông ấy", Sanjay Kumar, chuyên gia về bầu cử tại Trung tâm nghiên cứu phát triển xã hội Lokniti ở New Delhi, nhận xét.
Trước làn sóng chỉ trích ngày càng dữ dội, Thủ tướng Modi đã phải điều chỉnh các phản ứng của chính phủ. Hôm 22/4, ông Modi cho biết sẽ giám sát nguồn cung khí oxy, bảo đảm cung cấp đủ dưỡng khí cho các cơ sở y tế.
Đến ngày 23/4, ông Modi cho biết sẽ "đánh giá lại diễn biến mới của dịch Covid-19". Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đã phải hủy bỏ một cuộc tập hợp cử tri để tổ chức phiên họp chính phủ thảo luận về phương án ứng phó dịch bệnh.
Hôm 25/4, ông kêu gọi người dân tiêm phòng đầy đủ và nâng cao cảnh giác, đồng thời thừa nhận "cơn bão" Covid-19 làm rung chuyển đất nước Nam Á này.
"Chúng tôi rất tự tin và cảm thấy hồ hởi sau khi vượt qua làn sóng đại dịch đầu tiên, nhưng cơn bão tiếp theo này đã làm rung chuyển đất nước", Thủ tướng Modi nói trên đài phát thanh ngày 25/4.
Những nỗ lực muộn màng của Thủ tướng Modi có thể ngăn uy tín của bản thân ông cũng như đảng Bharatiya Janata sụp đổ hay không, câu trả lời sẽ phải chờ tới ngày 2/5, khi kết quả bầu cử được công bố tại 5 bang West Bengal, Assam, Kerala, Tamil Nadu và Puducherry.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/bai-hoa-thieu-chong-chat-tu-thi-an-do-that-thu-vi-lan-song-covid-19-post1208117.html