Làm thế nào để không cho vay tiền mà không mất lòng người khác?
5 kiểu người tuyệt đối đừng cho vay tiền:
1. Người thân có tính cách không đáng tin
Người ta thường nghĩ người thân dù gì cũng có chút máu mủ ruột thịt, sẽ không chơi xấu nhau. Nên vấn đề tiền bạc đôi khi lại dễ dãi với những người thân. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mọi thứ không hoàn toàn là như vậy.
Hãy thử nghĩ, nếu cho người thân vay tiền nhưng sau đó họ lại không muốn trả, làm sao ta dám đòi, nhất là những người vốn dĩ có những thói hư tật xấu như lười biếng, tham lam, ỷ lại, lợi dụng... Những người bạn đã biết có tính cách như vậy thì càng không nên dính dáng chuyện bạc tiền, bởi nếu cho mượn thì đôi khi tiền mất mà tình cảm máu mủ ruột rà cũng sứt mẻ theo.
2. Kiểu người không có ý định trả nợ
Kiểu người này thì chắc chắn ai cũng muốn tránh xa ngàn dặm. Nhưng vấn đề là làm sao để ta biết một người đang định vay tiền ta có thuộc tuýp người này hay không.
Hãy thử dò hỏi họ vài vấn đề liên quan đến chuyện vay tiền của họ, quan điểm của người đó về tiền và vấn đề vay mượn. Hay để chính xác hơn ta nên tự đi điều tra, hỏi những người thân cận xem họ có từng có "sự tích" gì trong chuyện tiền nong không.
Vốn dĩ có những người vẫn sống với cái logic vớ vẩn là "tiền đã mượn được thì làm sao phải trả" hay "mượn mà không phải trả thì mới là oai". Những người này chính là những kẻ tham lam lợi dụng, thích "chơi bẩn" khi có cơ hội và cũng không biết trân trọng thành quả lao động của người khác.
Gặp những kiểu người này bạn nên tuyệt đối tránh xa, vì cho họ mượn tiền đôi khi lại mất luôn cả mối quan hệ, nặng hơn còn là kiện tụng, ẩu đả, ảnh hưởng cả danh dự của chính bạn.
3. Người xa lạ
Cho người ta quen biết vay tiền đã lo, cho người ngoài mà ta không quen không biết còn rủi ro hơn. Đôi khi họ sẽ hứa hẹn những khoảng lợi ích khổng lồ hay lãi suất cao, nhưng nên nhớ quy luật của đầu tư là lợi nhuận càng cao rủi ro cũng sẽ càng cao.
Nếu như người xa lạ đó lại là bạn bè hay người quen của bạn thân hay người thân của bạn, mà người thân bạn lại làm người bảo lãnh thì sao. Lời khuyên trong trường hợp này là cũng không nên cho vay. Bởi nếu như người lạ kia trở mặt, mối quan hệ của bạn và người thân cũng sẽ gặp vấn đề, lúc đó bạn không thể bắt người thân trả nợ thay người kia, mà cũng không thể lấy lại được số tiền.
4. Người bỗng dưng xuất hiện để vay tiền
Người này với bạn vốn không giữ liên lạc với nhau, nay bỗng dưng xuất hiện và muốn vay tiền, chắc chắn bạn nên đặt một dấu chấm hỏi to tướng: Tại sao họ lại chọn ta làm đối tượng mượn tiền? Bởi nếu đã một thời gian dài không liên lạc, chẳng ai lại đủ can đảm đi mượn tiền, trừ khi có gì đó ẩn đằng sau.
Dù trong trí nhớ của bạn người đó cách đây nhiều năm là người tốt thì cũng đừng chủ quan. Vì bạn không hề biết bấy nhiêu năm không gặp, cuộc sống của họ thế nào. Mọi thứ đều vô thường kể cả tâm tính con người, bạn không rõ được bản chất hiện tại của họ, càng không rõ hành tung của họ, vậy khả năng tiền đưa đi không thể quay về là rất cao.
5. Người đạo đức giả
Nếu biết được một người có tính đạo đức giả, bạn không những không nên cho mượn tiền mà còn cần hạn chế giao thiệp qua lại với họ. Họ bản chất là những kẻ biết tranh thủ thời cơ, tận dụng rồi trục lợi cho bản thân, không đáng để tin tưởng.
Khi bạn cho họ mượn tiền, họ dùng ăn tiêu hết, nhưng đến khi cần trả lại ca bài "đã dùng chỗ tiền đó làm bao nhiêu việc thiện, cho người này giúp người kia". Nghe thế, bạn làm sao không mềm lòng được, bởi ai lại nỡ đòi tiền từ một người đã làm việc thiện như vậy. Nhưng bạn đâu biết đó chỉ là chiêu trò của họ và bạn vừa trở thành một nạn nhân mới.
Vậy làm thế nào để không cho vay tiền mà không mất lòng người khác?
Đôi lúc, bạn sẽ thấy khó xử khi bạn bè, đồng nghiệp hay người thân trong gia đình hỏi vay tiền. Không ai muốn làm mất lòng họ nhưng trong nhiều trường hợp, bạn không có tiền hoặc không muốn cho họ vay. Nếu xử trí không khéo léo, bạn thậm chí có thể làm tổn hại đến mối quan hệ với người vay.
Tami Claytor, giám đốc một công ty tư vấn tài chính ở New York, cho biết, nếu không thể cho họ vay tiền, bạn có thể thể hiện sự đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn mà họ đang gặp phải.
"Hãy nhẹ nhàng xin lỗi và nói rằng tuy muốn giúp nhưng bạn không thể ở thời điểm đó. Nếu cần thiết, hãy nêu lý do tại sao. Cuối cùng, bạn có thể chúc người đó sớm thoát khỏi tình trạng hiện tại", bà cho biết thêm.
Còn nếu chỉ đơn giản là không muốn cho vay và không muốn tìm lý do để từ chối, bạn có thể nói thật với họ, dù điều đó có thể khiến họ phật ý. Hãy nói rằng bạn có nguyên tắc không cho bạn bè, đồng nghiệp hay người thân vay tiền để tránh bất cứ sự bất tiện nào sau này giữa hai người.
Trong trường hợp người đó từng mượn tiền của bạn trong quá khứ nhưng chưa trả, bạn có thể nhẹ nhàng nhắc nhở họ để không phải cho vay lần tiếp theo và đòi được khoản nợ cũ. Theo Tami, bất kể cách xử trí của bạn là gì, đừng hỏi người vay tại sao họ lại cần tiền bởi không ai muốn bị xấu hổ hơn với câu hỏi nhạy cảm này.
Điều quan trọng nhất là những lời nói tế nhị sẽ không khiến họ cảm thấy tồi tệ. Chỉ cần thẳng thắn và khéo léo một chút, bạn sẽ từ chối cho vay tiền mà không làm mất lòng người vay.
"Bạn không bắt buộc phải giả thích tại sao mình lại không cho vay. Hãy trả lời đơn giản: ‘Tôi biết đây là thời gian khó khăn của bạn nhưng rất tiếc là tôi không thể giúp được gì’. Tất nhiên, điều này không dễ để nói ra nếu người vay là người thân thiết với bạn. Dù vậy, bạn có quyền quyết định với tiền của mình. Hãy học dần cách từ chối. Có một câu nói vui mà tôi thấy khá đúng là không cho vay thì mất bạn còn cho vay thì mất cả tiền cả bạn.
Ngoài ra, bạn có thể giúp người đó bằng cách khác. Ví dụ như gợi ý họ lập ngân sách, cắt giảm chi tiêu nếu họ luôn vung tay quá trán hoặc giới thiệu việc làm nếu họ đang thất nghiệp. Việc đó thậm chí sẽ đem lại hiệu quả lâu dài hơn việc bạn cho vay tiền".
Cuối cùng, điều mà cả Tami và Jodi cùng đồng ý là bạn không việc gì phải cảm thấy tồi tệ khi từ chối cho vay tiền. Bạn đã làm việc chăm chỉ để kiếm và tiết kiệm tiền, vì vậy, bạn không có nghĩa vụ phải cho ai đó vay vì rắc rối mà họ gây ra.
Nếu người vay khiến bạn cảm thấy tội lỗi, đó là vấn đề của họ. Dù hai người thân thiết đến đâu, bạn cũng không phải "ngân hàng" cá nhân để họ "rút tiền".
Tất nhiên, nếu có khả năng và đủ tin tưởng, bạn hoàn toàn có thể giúp đỡ họ nhưng nếu không, bạn không nên cảm thấy tội lỗi. Hãy giữ vững lập trường để đưa ra quyết định phù hợp nhất với mình!
Article sourced from PHUNUTODAY.
Original source can be found here: https://phunutoday.vn/5-kieu-nguoi-tuyet-doi-dung-cho-vay-tien-keo-kho-long-lay-lai-duoc-tham-chi-mat-ca-tien-ca-ban-d323577.html