Kho bạc cạn kiệt, Sri Lanka có thể vỡ nợ năm nay

16:04' 04-01-2022
Lạm phát lên mức kỷ lục, giá lương thực tăng vọt và kho bạc cạn kiệt có thể khiến Sri Lanka vỡ nợ năm nay.

Đảo quốc ngoài khơi Ấn Độ Dương đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và nhân đạo ngày càng sâu sắc. Ngân hàng Thế giới ước tính 500.000 người đã rơi xuống dưới mức nghèo khổ kể từ khi bắt đầu đại dịch, tương đương với tiến độ chống đói nghèo trong 5 năm.

Cuộc khủng hoảng một phần gây ra bởi tác động của Covid-19 và sự mất mát của ngành du lịch. Cộng thêm đó, chính phủ do Chủ tịch Gotabaya Rajapaksa đứng đầu có mức chi tiêu cao và cắt giảm thuế làm xói mòn nguồn thu của nhà nước. Ngoài ra, các khoản trả nợ lớn từ Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập kỷ cũng là nguyên nhân chính.

Thời gian qua, lạm phát đã lên mức đỉnh điểm khi chính phủ in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài. Lạm phát đạt mức cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11/2021 và giá cả leo thang đã khiến những người trước đây vốn khá giả, giờ phải vật lộn để nuôi sống gia đình. Nhiều loại hàng hóa cơ bản giờ trở thành xa xỉ phẩm đối với nhiều người.

Sau khi Chủ tịch Rajapaksa tuyên bố Sri Lanka đang trong tình trạng khẩn cấp về kinh tế, quân đội đã được trao quyền để đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, bao gồm gạo và đường, được bán với giá chính phủ ấn định. Nhưng điều này dường như không có tác dụng gì trong việc xoa dịu nỗi đau của người dân.

Một người bán buôn gạo tại Colombo, Sri Lanka. Quân đội đã được trao quyền kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có gạo. Ảnh: EPA

Anurudda Paranagama - một tài xế ở thủ đô Colombo, đã nhận công việc thứ hai để trả chi phí ăn uống tăng cao và trang trải khoản vay mua ôtô, nhưng vẫn không đủ. "Tôi rất khó khăn để trả nợ. Chỉ trả tiền điện nước và tiền ăn uống thôi thì tôi đã sạch túi", anh nói và cho biết thêm, giờ gia đình anh ăn hai bữa một ngày thay vì ba.

Người tài xế mô tả, một người bán tạp hóa trong làng của anh mở những gói sữa bột 1 kg và chia nó thành những gói 100g vì khách hàng không đủ tiền mua cả gói. Paranagama cho biết: "Bây giờ chúng tôi mua 100g đậu thay vì mua 1 kg cho một tuần như trước đây", anh nói.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, mất việc làm và nguồn thu nước ngoài quan trọng từ du lịch, vốn đóng góp hơn 10% GDP, là rất đáng kể đối với Sri Lanka. Nước này có hơn 200.000 người mất kế sinh nhai trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Tình hình trở nên tồi tệ đến mức mỗi ngày trước văn phòng hộ chiếu, người người lại xếp hàng dài đợi đến lượt làm thủ tục xuất cảnh. Cứ bốn người Sri Lanka sẽ có một người nói rằng họ muốn rời khỏi đất nước, chủ yếu là thanh niên và người có học. Đối với những công dân lớn tuổi, tình cảnh này gợi nhớ đến đầu những năm 1970 khi việc kiểm soát nhập khẩu và sản lượng thấp trong nước gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa cơ bản, nhất là bánh mì, sữa và gạo.

Một người đàn ông trả tiền mua rau tại chợ ở Colombo. Giá cả leo thang đã khiến những người trước đây khá giả phải vật lộn để nuôi sống gia đình của họ. Ảnh: Allison Joyce

Cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương WA Wijewardena cảnh báo, cuộc đấu tranh của người dân sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính, từ đó khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.

Ông nói: "Khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc vượt quá khả năng giải quyết, chắc chắn đất nước cũng sẽ xảy ra khủng hoảng tài chính. Cả hai đều sẽ làm giảm an ninh lương thực khi chính phủ quyết giảm sản lượng và không nhập khẩu do khan hiếm ngoại hối. Vào thời điểm đó, nó sẽ là một cuộc khủng hoảng nhân đạo".

Một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với Sri Lanka là gánh nặng nợ nước ngoài khổng lồ, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Quốc gia Nam Á này nợ Trung Quốc hơn 5 tỷ USD và năm ngoái đã vay thêm một tỷ USD từ Bắc Kinh để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính cấp bách.

Trong 12 tháng tới, đối với chính phủ và khu vực tư nhân, Sri Lanka sẽ phải hoàn trả các khoản vay trong và ngoài nước ước tính 7,3 tỷ USD, bao gồm khoản hoàn trả 500 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 1. Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2021, dự trữ ngoại tệ sẵn có chỉ ở mức 1,6 tỷ USD.

Theo cách tiếp cận thông thường, Bộ trưởng Bộ Đồn điền Ramesh Pathirana cho biết, họ hy vọng sẽ giải quyết các khoản nợ dầu trong quá khứ với Iran bằng cách thanh toán bằng trà. Nước này sẽ gửi cho Iran 5 triệu USD trà mỗi tháng.

Nghị sĩ đối lập và nhà kinh tế Harsha de Silva gần đây đã nói với quốc hội rằng, dự trữ ngoại tệ sẽ âm 437 triệu USD vào tháng 1 năm sau, trong khi tổng mức chi trả nợ nước ngoài lên tới 4,8 tỷ USD từ tháng 2 đến tháng 10/2022. "Quốc gia này sẽ hoàn toàn phá sản", ông cảnh báo.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajith Nivard Cabraal đã đứng ra đảm bảo rằng, Sri Lanka có thể trả các khoản nợ của mình một cách "liền mạch". Nhưng Cựu thống đốc Wijewardena vẫn cho rằng, nước này có nguy cơ vỡ nợ rất lớn, dẫn đến hậu quả kinh tế thảm khốc.

Hồi tháng 5/2021, Sri Lanke cấm tất cả phân bón và thuốc trừ sâu đã buộc nông dân phải sử dụng sản phẩm hữu cơ mà không có cảnh báo nào trước đó. Ảnh: AP

Trong khi đó, quyết định đột ngột của Chủ tịch Rajapaksa vào tháng 5 về việc cấm tất cả phân bón, thuốc trừ sâu và buộc nông dân sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ, đã khiến một cộng đồng nông nghiệp thịnh vượng trước đây phải điêu đứng. Họ vốn đã quen và thường xuyên lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Họ không có cách nào để trồng cây khỏe mạnh hoặc chống lại cỏ dại và côn trùng ngoài phân bón và thuốc trừ sâu thông thường. Nhiều người lo sợ bị thua lỗ đã quyết định không trồng trọt, làm tăng thêm tình trạng thiếu lương thực ở Sri Lanka.

Chính phủ đã thay đổi quyết định vào cuối tháng 10 nhưng nông dân hiện vẫn đang phải vật lộn để trang trải chi phí cao cho phân bón nhập khẩu mà không có sự trợ giúp nào. "Chi phí trồng lúa mì đã tăng lên một cách chóng mặt và Chính phủ không có tiền để trợ cấp phân bón cho chúng tôi", Ranjit Hulugalle - một nông dân, kể khổ.

Trước mắt, chính phủ nước này đã sử dụng các biện pháp cứu trợ tạm thời, chẳng hạn như mở hạn mức tín dụng để nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu từ đồng minh láng giềng là Ấn Độ, cũng như hoán đổi tiền tệ từ Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh... và tăng các khoản vay để mua xăng dầu từ Oman. Tuy nhiên, những khoản vay này chỉ mang lại hiệu quả cứu trợ ngắn hạn và phải trả lại nhanh chóng với lãi suất cao, làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của Sri Lanka.

Anushka Shanuka - một huấn luyện viên thể hình cá nhân, từng có cuộc sống sung túc - giờ đang phải vật lộn để kiếm sống. "Chúng tôi không thể sống như trước đây, như trước đại dịch", anh nói và cho biết giá rau đã tăng hơn 50%.

"Chính phủ đã hứa sẽ giúp chúng tôi nhưng không có gì xảy ra, vì vậy chúng tôi chỉ đang tự kiểm soát mọi thứ tốt nhất có thể. Tôi không biết chúng tôi có thể tiếp tục như thế này được bao lâu nữa", Shanuka chia sẻ.

 
 

 

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/sri-lanka-co-the-vo-no-nam-nay-4411531.html