Khi trong nhà có nhiều thế hệ, tính toán phong thuỷ nên quy ước theo ai?

20:00' 14-12-2020
Khi gia chủ sửa lại nhà hoặc căn hộ để cho thuê, người thuê muốn đưa vào một số chi tiết, màu sắc hợp phong thủy với họ, nhưng gia chủ chỉ muốn làm hoàn thiện kiểu chung chung. Một phần là ngại sự xáo trộn, tốn kém, phần khác để có thể sau này dễ thay đổi khi thay đổi người thuê, nên đôi bên tranh cãi không dứt.

Nhưng khi câu chuyện không chỉ dừng lại ở trang trí hay sửa nhà, mà là “tính toán phong thủy theo ai?” thì mâu thuẫn có thể trở nên gay gắt vì một số quan điểm trái ngược nhau.

Vấn đề “nhà làm theo ai” hoặc “tính toán phong thủy cho ai” mang tính quy ước và có phân chia về cấp độ, thứ tự. Điều này thực ra không mới lạ và cũng không phức tạp như một số mâu thuẫn trên thực tế xảy ra, bởi đã gọi là quy ước thì mang tính tương đối và thỏa thuận. Bản chất văn hóa phương Đông là tư duy nhất nguyên, xem các mặt đối lập cùng tồn tại trong một thể thống nhất, khi thiên về yếu tố nào nhiều hơn thì gọi tên, quy ước theo bản chất của yếu tố đó, nhưng không phủ nhận các yếu tố đối lập kia.

Việc “xem phong thủy” khi xây hay sửa nhà thực chất vẫn không ngoài mục đích tìm đến sự bình an cho cả gia đình, cả một ngôi nhà (thể thống nhất), chứ không phải là cho một cá thể hay không gian riêng tư nào. Vì thế, phong thủy sẽ luôn được chấp nhận khi mang tính đại diện cho quyền lợi chung, chọn lấy ý nghĩa về biểu tượng chung, chứ không phải mang tính áp đặt ý thích cá nhân. 

Ngay cả trong triết học và tâm lý học phương Tây cũng vậy, nhà triết học Carl Jung(*) đã chỉ ra trong tâm thức con người có dạng Giá trị nguyên mẫu gia đình, bao gồm hình ảnh người cha giữ quyền hành trong thứ bậc vai vế. Nguyên mẫu này nằm bên dưới ranh giới ý thức con người, và do đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân lý trí, hay nói cách khác là đa số mọi người trong gia đình đều dễ dàng đồng thuận với việc lắng nghe ý kiến người cha, người chủ gia đình về sắp xếp, bài trí nhà cửa ở phần chung, còn các thành viên nhỏ tuổi hoặc cao tuổi thường chỉ “đòi hỏi” cá nhân hóa ở trong góc riêng của mình mà thôi. 

Cụ thể, trong một gia đình có ba thế hệ ông bà - cha mẹ - con cháu cùng cư ngụ thì khi xét phong thủy để làm nhà sẽ tính theo ai? Nhiều gia chủ đã đem thắc mắc này đặt ra, khi mà ông bà (ngoài 60 tuổi, đã nghỉ hưu) nhưng đang nắm giữ giấy tờ nhà và quyền thừa kế, còn cha mẹ là người làm ăn, giữ kinh tế, đang độ trung niên ngoài 40 tuổi, nhưng cả nhà cũng xác định rằng các con (cháu) độ tuổi trên dưới 20 đang đi học là thế hệ sẽ khởi nghiệp về sau trong ngôi nhà đó.

Vậy nếu sắp xếp phong thủy chỉ cho riêng một nhóm tuổi (thế hệ) nào đó ở thời điểm này sẽ khiến tâm lý mọi người bất an, đi ngược bản chất khoa học phong thủy là hướng đến yếu tố an nhiên, an hòa, an bình trong gia đạo. Cách giải quyết trung hòa luôn tốt hơn, trong đó các phần hoạt động cơ bản được tính toán theo đối tượng trung niên, phần nào thiên hướng dương, hướng ngoại nhiều thì nên làm thuận theo ý thích của lớp thanh niên, phần nào thiên hướng âm, tĩnh tại hơn thì bố trí thuận với sở nguyện của lớp cao niên.

Dân Nam bộ gọi cách bài trí sắp xếp vậy là đề huề, cả nhà đều vui vẻ, không áp đặt và không đề cao ai quá, chừa sẵn chỗ cho thế hệ sau tiếp nối, cũng như thế hệ trước vẫn có được khoảng lui về để nghỉ ngơi thoải mái, dưỡng già, không bị gạt ra bên lề. 

Với nhà phố hay biệt thự có tách một phần cho con cái làm công ty, buôn bán kinh doanh, hay cho người ngoài thuê mặt bằng mà gia chủ vẫn ở trong nhà đó, thì khi làm nội thất có thể tính theo nguyên tắc vùng khí sở hữu. Nghĩa là, cách phân vùng theo không gian chung hay riêng của người sử dụng đa số, thuộc về cấu trúc cứng hay phần trang trí mềm sẽ giúp các bên đều giữ được vùng Nội khí hợp với mình. Điều này cũng tương tự như với phòng riêng của con cái trong ngôi nhà chung, hoàn toàn có thể bài trí theo ý thích, phong cách mà bạn trẻ muốn, vậy tại sao với người thuê nhà (mang lại thu nhập cho gia chủ) lại không “được bài trí phong thủy” theo ý họ, trong phạm vi mà họ thuê?

Dĩ nhiên, các bên cũng cần thỏa thuận việc chỉnh sửa nhà có giới hạn đến đâu, xác lập được chỗ nào thì nên giữ cấu trúc cơ bản cho gia chủ (như cửa chính, bàn thờ, bếp núc, hầm phân tự hoại… chắc chắn cần cố định) còn chỗ nào thì có thể linh hoạt sửa đổi theo ý người thuê mặt bằng, như lối vào kinh doanh, bảng hiệu, bàn thờ thần tài ông địa của bên thuê nhà, vệ sinh và bếp phần cho thuê… 

Khác với nhà phố hay biệt thự có các tầng độc lập nên dễ dàng phân phối màu sắc, chất liệu theo từng phòng hay từng tầng, căn hộ chung cư hoặc kiểu nhà 1 tầng, 1 sàn liền nhau sẽ phải chú ý thêm đến tính hài hòa và sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa các không gian. Khi vào từng phòng riêng thì cách dùng ngăn chia nhẹ, tủ kệ, hay dùng hiệu quả về màu sắc sẽ giúp chủ động hơn theo sở thích riêng của người sử dụng mà không cần phải “đụng vào phần cứng”.

Việc phân bố màu sắc khi sửa nhà cho thuê sao cho hài hòa tổng thể mà vẫn đảm bảo được nguyên tắc “không phải thay đổi nhiều khi cho người khác thuê” cần được cụ thể hóa như sau:

 - Thống nhất phần chung, phong phú phần riêng: tức là ngôi nhà của gia chủ vốn có màu theo tông mà gia chủ ưa thích thì có thể giữ nguyên, nhưng phần cho thuê thì hoàn toàn để cho đối tượng sử dụng tùy nghi xử lý. Chỉ cần lưu ý yếu tố hài hòa màu sắc, ví dụ nếu tại một điểm nhìn bất kỳ mà ta thấy có nhiều hơn ba màu sắc khác nhau, thì khả năng liên kết không gian sẽ khó khăn và gây rối mắt, cảm giác nhà sẽ chật chội và lộn xộn (trừ khi nhà làm showroom về vật liệu trang trí hoặc quán cà phê có nhiều màu rực rỡ).

Nhiều người nghĩ rằng màu sắc nội thất chủ yếu là màu sơn hay đồ đạc gia dụng, nhưng thực ra rèm cửa, chất liệu sàn nhà, màu ánh sáng đèn và vật trang trí cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị giác, khiến cho không gian bị chia cắt hay liền lạc, nối kết với nhau hay đứt đoạn. 

Kiểu cho thuê mặt bằng với vách ngăn di động, màu sắc trung tính, có thể dễ dàng thay đổi không gian theo hướng hiện đại, linh hoạt.

- Tốt khoe xấu che, khắc phục bất lợi: yếu tố cân bằng âm dương phải được dùng để khắc phục các khiếm khuyết, thường hay xảy ra trong một số không gian có ngóc ngách nhiều, cột giữa phòng hay những khoảng bị ngăn cách do thay đổi không gian để cho thuê, làm khác chức năng ban đầu. Cách xử lý phù hợp là dùng tủ kệ để “hô biến” cột, hoặc gắn gương soi, kính màu tại các góc, cột, mảng âm để dẫn truyền thêm ánh sáng dương. Cách sơn nhà màu trắng hoặc gần trắng hiện nay cũng được dùng như một kiểu liên kết khí hiệu quả, giảm các mảng màu pha tạp hoặc lộn xộn, đem lại sự nhất quán và thư giãn hơn cho không gian.

Khi nhà cho thuê, trục giao thông, lối đi, cầu thang… là những khu vực ít tác động cá nhân, dễ xử lý linh hoạt, phù hợp, phong phú.

- Điểm nhấn phù hợp: khi phải sống chung cùng người thuê nhà thì sau khi đảm bảo các bước chung - riêng rạch ròi như đã nêu, gia chủ có thể yên tâm đưa một chút sở thích của mình thông qua cách dùng chất liệu, màu sắc nhằm tạo sự nổi bật trên cơ sở đã hài hòa, vừa tạo sự phân biệt trong nhận diện không gian, tách bạch phần nhà ở với phần cho thuê. Một mảng tường ốp kính màu, ốp tấm alu đặt bảng quảng cáo, hay một vài chậu cây kiểng nổi bật… là những cách tạo điểm nhấn cá tính riêng, kíc‌h thí‌ch thị giác, tạo khác biệt giữa các căn hộ với nhau.

Cần lưu ý yếu tố dùng màu thiên nhiên, màu bề mặt các chất liệu tự nhiên mà linh hoạt, không kiên cố (ví dụ chậu cây có bánh xe di động, gian hoa leo…) sẽ giúp giảm sự đơn điệu khô cứng thường thấy, nhất là ở các không gian cho thuê kinh doanh mang tính trẻ trung, năng động như thời trang, ẩm thực hay ngành sáng tạo…

Giữa bối cảnh phố xá đông đúc hoặc trong cao ốc đơn điệu “một màu”, những điểm nhấn thiên nhiên luôn là chút hiếm hoi cần gìn giữ, phát huy khi xử lý không gian hợp cá tính và phong thủy.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Rowville Secondary College Vùng: Rowville. Phone: 9755 4555
Xem thêm

Mời quý phụ huynh đăng ký nhập học và tham quan trường.


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3009772