Khi nào cần đưa trẻ bị hẹp bao quy đầu đi khám?

19:00' 16-05-2019
Quan sát trẻ khi đi tiểu có thể giúp cha mẹ nhận biết con trai mình có bị hẹp bao quy đầu hay không.

1. Hẹp bao quy đầu là gì?

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu phủ trên dương vật không thể kéo tuột xuống được ngay cả khi dương vật cương cứng. Một số liệu thống kê cho biết có hơn 90% bé trai khi sinh ra bị hẹp bao quy đầu. Khi trẻ lớn lên quy đầu sẽ tự tuột ra nhưng cũng có trường hợp phải phẫu thuật để cắt 1 phần hoặc toàn bộ bao quy đầu.

Có 2 dạng hẹp bao quy đầu là:

- Hẹp bao quy đầu sinh lý: Đa số các bé trai hẹp bao quy đầu sinh lý. Nó là sự phát triển bình thường của các kết dính bẩm sinh giữa bao quy đầu và quy đầu.

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Bao quy đầu bị dính sau khi bị viêm nhiễm gây sẹo xơ.

Hình ảnh mô phỏng hẹp bao quy đầu ở trẻ em 

Muốn biết bé trai có bị hẹp bao quy đầu hay không, cha mẹ cần đưa con đi khám sức khỏe để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng xử lý.

2. Dấu hiệu hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ

Hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Đây là cách tự nhiên giúp bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu của các bé trai. Khi trẻ lên 3 tuổi, dương vật bắt đầu to dần hơn, vùng da quanh dương vật bắt đầu giãn ra giúp bao quy đầu tách dần khỏi quy đầu và tự tuột hẳn ra. Đến năm 16 tuổi chỉ còn khoảng 1% trẻ trai bị hẹp bao quy đầu.

Cha mẹ trong quá trình chăm sóc bé trai, cần học cách kiểm tra hẹp bao quy đầu ở trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời cho con. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp của bé bị hẹp bao quy đầu:

+ Trẻ đi tiểu không tiểu hết ngay, lực chảy của nước tiểu yếu, chỉ chảy thành các dòng nhỏ.

+ Khi trẻ đi tiểu, đầu dương vật phồng lên, sưng đỏ, có cảm giác nước tiểu bị tắc không chảy hết còn đọng lại bên trong.

+ Trẻ thường ngứa dương vật, cho tay sờ gãi.

+ Lỗ niệu đạo của trẻ rất khó quan sát.

Quan sát trẻ khi đi tiểu có thể giúp cha mẹ nhận biết con trai mình có bị hẹp bao quy đầu hay không

Hẹp bao quy đầu ở trẻ 3 tuổi trở lên có thể khiến trẻ mắc các bệnh viêm nhiễm nam khoa do cặn nước tiểu tồn lại trong bao quy đầu khiến đầu dương vật có mùi hôi khó chịu. Cha mẹ cần kiểm tra và vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ hàng ngày để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

Với trẻ trai lớn hơn, hẹp bao quy đầu có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bộ phận sinh dục, dương vật của trẻ bé, ngắn hơn bình thường, thậm chí là cong vẹo.

3. Khi nào cần đưa trẻ bị hẹp bao quy đầu đi khám?

Hiện nay, rất nhiều các bậc cha mẹ lo lắng về tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ đã vội vàng đưa con đến các phòng khám để can thiệp. Tuy nhiên, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo rằng, cha mẹ chỉ nên can thiệp khi trẻ có biểu hiện bị cản trở đường tiểu như:

+ Tiểu khó, rặn tiểu, tiểu không thành tia, tia đái bị lệch, vẹo, bao quy đầu bị phồng khi đi tiểu.

+ Dương vật bị viêm nhiễm, có vết phồng, mụn, chảy dịch khiến trẻ ngứa, khó chịu.

Việc kiểm tra và tiến hành các thủ thuật khi trẻ bị hẹp bao quy đầu cần được thực hiện tại các phòng khám chuyên khoa nhi của bệnh viện có uy tín.

-Trẻ bị hẹp bao quy đầu có cần cắt không?

Ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại, đa số các thầy thuốc cho rằng, không cần thiết phải cắt bao quy đầu cho trẻ khi còn bé. Hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh đến dưới 3 tuổi là hoàn toàn bình thường. Đây là tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lý, theo thời gian, nếu trẻ được vệ sinh chăm sóc bao quy đầu hàng ngày, dương vật sẽ tự nong rộng miệng bao quy đầu mà không cần can thiệp y tế. Cha mẹ không cần cố lộn sớm cho trẻ. Lộn bao quy đầu quá sớm có thể làm dương vật bị trầy xước, trẻ sợ đau và nguy hiểm hơn là để lại sẹo xơ ở đầu dương vật có thể khiến trẻ mất khả năng sinh lý nam khi trưởng thành.

Tuy nhiên cũng có trường hợp, bé trai còn nhỏ đã bị viêm bao quy đầu do lớp dịch giữa phần niêm mạc cùng với lớp tế bào của niêm mạc bao quy đầu tróc ra đọng lại thành một đốm trắng.

Trẻ bị viêm bao quy đầu, đầu dương vật sưng tấy đỏ.

Hình ảnh viêm bao quy đầu ở trẻ em có các đốm trắng.

Khi bị viêm bao quy đầu, trẻ cần điều trị bằng phẫu thuật cắt quy đầu vì phần đỉnh của bao quy đầu trở nên xơ chai, mất độ đàn hồi của da quy đầu.

Như vậy, người ta chỉ cắt bao quy đầu khi không thể lộn hoặc tuột được vì một số nguyên nhân như bao quy đầu có cấu trúc dạng hình ống, bé trai lớn tuổi không hợp tác, trẻ bị viêm quy đầu có sẹo xơ.

- Trẻ mấy tuổi thì lộn bao quy đầu?

Lộn bao quy đầu có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi nếu da ở phần đỉnh bao quy đầu mềm mại, mỏng. Lộn hay tuột bao quy đầu có thể thực hiện theo độ tuổi của bé trai hoặc tùy vào đánh giá của thầy thuốc. Có thể:

+ Lộn 1 phần quy đầu ra khỏi bao quy đầu. Ví dụ: hẹp bao quy đầu ở trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần lộn để nhìn thấy lỗ tiểu. Sau đó về nhà trong lúc tắm rửa hàng ngày cho bé, cha mẹ lộn dần dần cho con.

+ Lộn hoàn toàn quy đầu, để quy đầu kéo hẳn ra sau. Ví dụ: bé trai 5 tuổi sẽ được bác sĩ lộn hoàn toàn bao quy đầu ngay trong lần đầu tiên thực hiện thủ thuật.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng cha mẹ nên thực hiện lộn bao quy đầu cho trẻ trước trước khi bé được 3 tuổi. Mỗi ngày làm một chút và làm liên tục để bao quy đầu nong dần, trẻ không bị hẹp quy đầu trở lại.

4. Cách chăm sóc trẻ bị hẹp bao quy đầu sau khi cắt

- Cách nong bao quy đầu cho trẻ tại nhà:

+ Mỗi lần bé đi tiểu hay bị lắng cặn ở đầu dương vật. Cha mẹ chỉ cần vệ sinh nhẹ nhàng bằng nước sạch cho trẻ khi tắm. Nên cho trẻ tắm ngồi trong chậu nước ngập một nửa thân người. Nhẹ nhàng dùng tay kéo căng da quy đầu về phía trước vài lần rồi kéo ngược lại phía sau. Lặp lại động tác như vậy vài phút. Khi lộn bao quy đầu cho trẻ dưới nước, bé sẽ thấy dễ chịu và không bị đau.

+ Ngoài biện pháp kéo da quy đầu bằng tay tại nhà, bác sĩ sẽ kê đơn cho trẻ sử dụng thuốc bôi hẹp bao quy đầu ở trẻ em – thực chất là thuốc mỡ chứa steroid để bôi trơn, giảm viêm nhiễm, giảm đau cho trẻ trong khi lộn bao quy đầu.

- Sau khi trẻ cắt bao quy đầu:

Mặc dù cắt bao quy đầu là một thủ thuật đơn giản nhưng gây đau nhiều cho trẻ. Và tương tự các phẫu thuật y khoa khác cũng có thể gặp biến chứng sau mổ như sưng phù bao quy đầu, chảy máu sau cắt, dương vật thụt vào trong, tổn thương quy đầu, thủng niệu đạo... Do đó cha mẹ cần phối hợp với nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc trẻ trước và sau khi cắt bao quy đầu thật cẩn thận:

+ Trước khi tiến hành cắt bao quy đầu, trẻ được sử dụng thuốc giảm đau.

+ Ngày thứ 2 sau cắt, trẻ được đưa vào viện để thay băng gạc. Không được tự ý thay băng cho trẻ tại nhà.

+ Trong 4 ngày đầu tiên, hạn chế cho trẻ tắm toàn thân, tránh để nước rớt vào vết mổ.

+ Hướng dẫn cho trẻ đi tiểu đúng cách, không để nước tiểu đọng lại vết mổ

+ Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, hạn chế sự cọ xát vào dương vật của trẻ.

+ 7 ngày đầu tiên sau mổ, trẻ sẽ được bác sĩ kê đơn uống thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề, chống cương cứng dương vật. Cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà hoàn toàn trong thời gian này. Trẻ hạn chế các vận động mạnh

+ Sau 7-10 ngày, trẻ được cắt chỉ. Thầy thuốc sẽ kiểm tra lại bao quy đầu mới về độ rộng, màu sắc, có sẹo không, miệng sáo có viêm dính, hẹp không để xử lý.

+ Sau 3-4 tuần, dương vật của trẻ mới hồi phục hoàn toàn.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from EVA.

Original source can be found here: http://eva.vn/https://eva.vn/lam-me/cach-nhan-biet-hep-bao-quy-dau-o-tre-c10a391749.html