Khi chăm sóc trẻ bị rôm sảy, mẹ cần lưu ý điều gì?

12:00' 17-05-2019
Trẻ mọc rôm sảy là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là vào mùa hè oi bức. Khi nhiệt độ môi trường tăng cao cũng là lúc mà các bé dễ bị rôm sảy nhất. Việc chăm sóc trẻ bị rôm sảy rất được các bà mẹ quan tâm, tuy nhiên các mẹ nên chú ý tránh mắc phải những sai lầm sau đây khi chăm sóc trẻ.


ảnh minh họa

Không vắt nhiều chanh hay đun nước lá quá đậm đặc

Việc vắt nhiều chanh vào nước tắm hay trực tiếp chà xát chanh lên da trẻ mọc rôm sảy dễ khiến da bé bị kích ứng, tổn thương do hàm lượng axit quá cao.

Nếu hòa chanh, muối vào nước tắm, không nên dùng quá nhiều mà cần phải tham khảo tỷ lệ hợp lý, nếu không sẽ gây xót và làm tổn thương làn da non nớt của bé.

Với việc nấu nước lá để tắm cho trẻ mọc rôm sảy, các bà mẹ cũng không nên nấu quá đặc. Vì lượng tinh bột của lá có thể đọng lại rất nhiều trên da gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé. Không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ.

Khi da của bé đang trong tình trạng sưng đỏ, viêm da quá nặng do bé ngứa, gãi gây trầy xước làm mất đi lớp màng bảo vệ, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu cũng có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập khiến tình trạng nhiễm trùng tăng lên. Đôi khi gây những biến chứng không ngờ.

Có những trẻ bị viêm nhiễm ở vùng gần hệ thần kinh, mạch máu như mặt, cổ, đầu, nếu mẹ vẫn cho tắm nước lá mà không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.

Không cho trẻ tắm bằng sữa tắm người lớn

Sữa tắm người lớn vốn chứa độ kiềm cao dễ làm cho da bé bị khô. Vì vậy càng làm tăng tình trạng nhiễm trùng, rôm sảy trên da của bé.

Không dùng tinh dầu để massage cho bé

Có không ít bà mẹ có thói quen massage cho bé bằng tinh dầu dừa, tinh dầu oliu hoặc dầu massage cho bé. Bình thường, việc massage cho con bằng tinh dầu rất tốt, khiến bé sảng khoái, khí huyết lưu thông.

Tuy nhiên, trong những ngày hè nóng nực hoặc khi trẻ mọc rôm sảy, việc dùng các loại tinh dầu này chỉ làm tăng thêm tình trạng khó chịu, làm bí các nốt rôm, khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ

Nếu tình trạng mẩn ngứa nhiều, xuất hiện các mụn đầu trắng trên da, các nốt rôm sảy nổi dày đặc, đỏ và kéo dài..., các mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để khám và điều trị.

Tuyệt đối không tự mua thuốc bôi hoặc giữ con lại ở nhà tự chữa trị trong thời gian dài, vì điều này có thể làm bệnh nặng thêm, chưa kể các biến chứng có thể gây ra cho bé.

Không nên ủ bé quá kỹ hay thoa quá nhiều phấn lên da trẻ

Khi chăm sóc trẻ bị rôm sảy, mẹ hãy đảm bảo luôn giữ cho da bé được khô ráo và sạch sẽ. Nên chọn quần áo cho trẻ được làm từ những chất liệu mát mẻ và thấm hút tốt. Không nên thoa quá nhiều kem hay phấn lên da trẻ.

Ngoài ra, mẹ cần hạn chế đưa trẻ đi ra nắng, cần tắm nước mát, uống đủ nước. Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi lẽ khi bị trầy xước dễ dẫn đến nhiễm trùng da.

Lời khuyên của bác sĩ

Với những trường hợp rôm sảy thông thường, mẹ chỉ cần tắm cho trẻ hằng ngày để da sạch sẽ. Có thể áp dụng theo kinh nghiệm dân gian, dùng các loại cây, quả có tính mát như mướp đắng, kinh giới, sài đất, chanh... để tắm cho trẻ.

Tuy nhiên, khi sử dụng các loại lá này cần phải rửa sạch kỹ trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm và phải pha loãng với nồng độ phù hợp.

Nên chọn loại phấn rôm chất lượng tốt và chấm nhẹ nhàng một lớp mỏng lên những vùng da bị rôm sảy sau khi tắm cho con cũng là một cách hạn chế tình trạng này.

Trẻ mọc rôm sảy nếu được chăm sóc tốt sẽ nhanh chóng khỏi bệnh mà không để lại ảnh hưởng gì trên da bé.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?

Crystal Jade Vùng: Melbourne. Phone: 9639 2633
Xem thêm

ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2536753