Khen ngợi bạn đời là cách rẻ nhất mà hiệu quả nhất để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân
Một nhà tâm lý học người Mỹ đã làm một thử nghiệm xã hội. Ông chia tình nguyện viên làm 4 nhóm và đưa ra lời nhận xét, đánh giá một người. Nhóm đầu tiên chỉ nhận được lời khen ngợi, nhóm thứ hai chỉ chê bai. Nhóm thứ ba khen trước chê sau, còn nhóm thứ tư thì chê trước khen sau. Sau cuộc thử nghiệm, tình nguyện viên nói rằng anh ta có cảm tình nhất với nhóm thứ 4 và ghét nhất nhóm thứ 3.
Tình nguyện viên này nói rằng, anh ta thích nhóm thứ 4 bởi đã chỉ ra cho bản thân thấy những lỗi lầm mắc phải rồi mới khích lệ bằng thành quả mà anh đạt được, như thế sẽ dễ dàng tiếp thu nhận xét và có thiện chí sửa chữa hơn. Được khen ngợi thì dễ dàng quên đi những lời chê trách trước đó giống như việc khi ăn một miếng rất đắng, sau đó mới ăn phần ngọt thì dư vị cuối cùng cảm nhận được là vị ngọt chứ không phải vị đắng.
Khen ngợi nhau là một trong những bí quyết dễ thực hiện nhưng các đôi vợ chồng vốn rất hay quên. Ảnh minh họa.
Trong hôn nhân, ai cũng kỳ vọng vào bạn đời của mình. Khi đối phương dành lời khen ngợi, bạn sẽ dành tình cảm tốt đẹp cho anh ta. Nhưng khi đối phương đánh giá thấp lời nói, việc làm hoặc hành vi của bạn, vô thức sẽ giảm hứng thú giao tiếp với người đó. Đây được gọi là hiệu ứng Aronson.
Ví dụ khi bạn hào hứng chia sẻ với chồng: "Hôm nay đi gắp thú nhồi bông, em gắp được 3 con", chồng dội gáo nước lạnh "Thế có gì mà tự hào". Khi bạn đang rất chán nản vì mất việc, đóng cửa phòng gặm nhấm nỗi đau thì chồng bước đến, dịu dàng nói: "Em không khó để kiếm công việc tốt hơn".
Với hai người đàn ông này, bạn muốn dành cuộc đời mình cho ai? Dám chắc mọi người sẽ chọn người thứ hai, dù có nhiều ý kiến cho rằng "Có gì đó mang chút không thật".
Khen ngợi, động viên nhau là một trong những bí quyết dễ thực hiện nhưng các đôi vợ chồng vốn rất hay quên. Trong hôn nhân, điều quan trọng nhất để bên nhau dài lâu là học cách giao tiếp. Phải biết tôn tạo hạnh phúc của mình, đừng có tư tưởng vợ chồng cưới nhau rồi thì không cần đến lễ nghĩa, khách sáo. Việc đánh giá cao nhau sẽ tránh các động thái tiêu cực như than phiền và cằn nhằn. Đừng tiếc lời khen cho những nỗ lực, ưu thế của bạn đời. Khi được khích lệ, sự hưng phấn, cảm xúc yêu thương cũng sẽ đến sau đó.
Tại sao nhiều người lại thích nghe lời khen ngợi?
Trong tâm lý học, khi một người được khen, lòng tự tôn của họ được thỏa mãn. Điều này cũng kích thích động lực để tiếp tục nâng cao nhiệt huyết của người đó với cuộc sống. Tương tự như vậy, khi bị người khác coi thường, thiện chí dành cho người đó sẽ bị bào mòn và giảm động lực để hòa hợp. Điều này cũng đúng với các cặp vợ chồng.
Nhiều ông chồng khi say xỉn, thường bị vợ phàn nàn "Suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt..." mà bỏ qua những hy sinh của chồng dành cho gia đình trước đó. Có những cặp đôi trong ngày lễ quan trọng như kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật, vợ xúng xính váy áo mới thì bị chồng chê: "Già rồi mà còn hở hang". Dù trong đáy lòng, người vợ có chồng say xỉn vẫn chăm sóc bạn đời tận tình trong cơn say, còn người chồng vừa chê vợ hở hang vẫn cảm thấy hạnh phúc vì vẻ đẹp của vợ.
Trong hôn nhân, sự hỗ trợ và khuyến khích từ bên trong không mạnh bằng lời nói hay hành động thể hiện ra bên ngoài. Ảnh minh họa.
Cách hòa hợp "Tâm tốt nhưng miệng độc" thực ra không được ủng hộ trong hôn nhân. Xét cho cùng, sự hỗ trợ và khuyến khích từ bên trong không mạnh bằng lời nói hay hành động thể hiện ra bên ngoài. Lời khen ngợi và động viên được thể hiện thường xuyên sẽ khiến đối phương biết rằng bạn yêu người đó bằng cả trái tim mình. Chỉ như vậy mới nâng cao được chất lượng cuộc sống vợ chồng.
Lời khen tặng giúp bạn thể hiện tình cảm, sự trân trọng đối với bạn đời, từ đó thắt chặt tình cảm giữa hai người. Khi hôn nhân dần trở nên bình thường, một lời khen đúng mực cũng sẽ mang đến một chất xúc tác mới trong cuộc sống vốn đang bình lặng.
Nhiều lời khen sẽ phản tác dụng nếu không có sự chân thành
Có một chàng trai họ Trương tràn đầy nhiệt huyết và đam mê khi theo đuổi bạn gái. Trương đưa đón cô ấy đi làm hàng ngày và thường xuyên nói những lời ngọt ngào kiểu như: "Có em, cả thế giới như bừng sáng"; "Em đẹp nhất trong trái tim anh, không ai có thể so sánh được với em".... Nhưng sự nhiệt tình này không kéo dài được lâu khi họ kết hôn. Trương bắt đầu lấy sự bận rộn làm cái cớ để không đưa đón vợ. Anh chê bai khi thân hình của vợ có những thay đổi sau khi sinh con và chế nhạo cô khi công việc thất bại. Cuối cùng hai người họ chia tay.
Trong "Hiệu ứng Aronson", điều này được gọi là tính không nhất quán. Bởi vì những lời khen ban đầu của Trương đã nâng cao kỳ vọng của người vợ về anh. Cô ấy đã cảm thấy hạnh phúc khi lấy được người chồng tâm lý, hòa hợp và luôn dành tình cảm tốt đẹp cho chồng. Bởi vậy khi nhận được những lời chê bai, sự thất vọng, tự ti trong nội tâm người vợ sẽ tăng lên từng ngày.
Dù tình yêu hay hôn nhân thì điều quan trọng nhất chính là sự chân thành. Tình thương chân thành làm cho hai người luôn lo lắng và bảo vệ cho nhau, bênh vực nhau. Họ thấy người yêu của mình làm gì cũng tốt, cũng đúng hoặc nếu có sai thì cũng dễ chấp nhận, dễ tha thứ. Một lời dối trá, một cử chỉ không chân thật sẽ làm lung lay, rạn nứt niềm tin của bạn đời. Nếu không có sự chân thành thì tình yêu sẽ không tồn tại được.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trong-hon-nhan-thu-gi-re-nhat-4218579.html