Khả năng phản ứng dây chuyền sau khi Sáng kiến Vành đai và Con đường bị hủy

23:00' 06-05-2021
Heribert Dieter, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức cho rằng, việc Australia hủy bỏ các thỏa thuận nói trên là hành động “gây mất mặt” đối với Trung Quốc.

Australia mới đây đã quyết định hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến Sáng kiến Vành đai-Con đường (BRI). Đây được coi như đòn giáng mạnh vào Trung Quốc, đồng thời tạo tiền lệ cho các quốc gia khác thực hiện động thái tương tự đối với Bắc Kinh.

 

Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: tfipost.

Trước đó vào năm 2020, Australia đã thông qua một đạo luật cho phép chính phủ liên bang điều chỉnh lại thỏa thuận do các bang của nước này ký kết với nước ngoài. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền bang Victoria ký các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc vào năm 2018 và 2019 liên quan đến Sáng kiến Vành Đai – Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm tạo ra liên kết thương mại thông suốt với hàng chục quốc gia trên thế giới.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết các thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia và không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Việc hủy bỏ các thỏa thuận nói trên cũng có thể đồng nghĩa với việc chấm dứt hợp tác giữa Australia và Trung Quốc trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ sinh học và nông nghiệp.

Quyết định gây mất mặt Trung Quốc

Heribert Dieter, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức cho rằng, việc Australia hủy bỏ các thỏa thuận nói trên là hành động “gây mất mặt” đối với Trung Quốc. Theo ông, quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã trở nên tồi tệ hơn trong 2 đến 3 năm gần đây và ngày càng xấu đi nghiêm trọng.

Trung Quốc đã áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia sau khi Canberra chỉ trích chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh. Australia đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19 và cũng là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên cấm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia cơ sở hạ tầng mạng 5G.

Theo chuyên gia Dieter, quyết định của chính phủ Australia có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia khác trì hoãn hoặc hủy bỏ những thỏa thuận đã ký kết với Trung Quốc liên quan đến BRI. Sáng kiến này đã mất động lực phát triển trong những năm gần đây, một phần do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều đối tác của Trung Quốc - chủ yếu là các quốc gia nghèo ở châu Á và châu Phi – rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế.  

“Dịch bệnh đã gây bất lợi lớn cho Trung Quốc vì nhiều nước liên quan đang phải đối mặt với các vấn đề về kinh tế”, chuyên gia Dieter nhấn mạnh, viện dẫn việc Pakistan – một đối tác của BRI thời gian gần đây đã yêu cầu Trung Quốc cắt giảm các khoản nợ được dùng để tài trợ cho các dự án sản xuất điện mới.

“Trung Quốc hoặc là phải gia hạn các điều khoản cho vay hoặc chấp nhận để các dự án bị đình trệ”, ông Dieter nhận xét.

Những hợp đồng mập mờ

Rất ít người biết về nội dung chi tiết trong hầu hết các thỏa thuận cho vay của Trung Quốc với các nước đối tác của BRI. Các nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel và Đại học Georgetown ở Mỹ đã đánh giá 100 thỏa thuận cho vay trong khuôn khổ BRI và công bố nghiên cứu mang tên “Cách Trung Quốc cho vay”. Nghiên cứu đã xác nhận điều mà những nhà phê bình nghi ngờ từ lâu.

Các tác giả nghiên cứu cho biết: “Thứ nhất, các hợp đồng của Trung Quốc đều chứa điều khoản bảo mật, cấm bên vay tiết lộ các điều khoản này hoặc thậm chí sự tồn tại của món nợ”.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các điều khoản về “hủy bỏ, tăng tốc hay giữ ổn định” trong các hợp đồng của Trung Quốc có khả năng cho phép bên cho vay gây ảnh hưởng với chính sách đối ngoại và đối nội của các nước vay nợ.

Chuyên gia Dieter cho rằng, các điều khoản trong hợp đồng cho vay của Trung Quốc khá “bất thường”. Theo ông, những hợp đồng mập mờ đã trở thành “tiêu chuẩn chung” của BRI, bên cạnh đó, một số chiêu thức có thể đã được áp dụng nhằm dẫn tới việc ký kết thành công các thỏa thuận.

Lo ngại phản ứng dây chuyền

Theo chuyên gia Dieter, Australia có thể là quốc gia đi đầu trong một thế giới ngày càng muốn né tránh các hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Hiện tại, nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã thể hiện mong muốn thành lập các liên minh đối phó với Trung Quốc, trong đó, phải kể đến sự tăng cường hợp tác quân sự giữa các nước thuộc nhóm Bộ Tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ).

“Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc khi nước này phải chứng kiến không chỉ Australia mà nhiều nước lớn hơn đang có xu hướng nói lời tạm biệt với Sáng kiến Vành đai và Con đường và xa hơn là chấm dứt triển vọng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc”, ông Dieter lưu ý.

Không chỉ Australia mà Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cho thấy sự thay đổi lập trường đối với tham vọng của Trung Quốc. Mikko Huotari, Giám đốc Viện MERICS về Trung Quốc ở Berlin cho rằng, một số nước EU trước đây khá thân thiện với Trung quốc, chẳng hạn như Italy đang quay trở lại ủng hộ xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa châu Âu và Mỹ./.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from VOV.