Ít nhất 38 tổ chức nhân quyền công khai phản đối Mỹ chuyển đạn chùm cho Ukraine
Ít nhất 38 tổ chức nhân quyền đã công khai phản đối việc chuyển giao đạn chùm cho Ukraine, nơi họ cho rằng loại vũ khí này đã được cả Kiev và Moskva sử dụng.
"Những thứ này đã hiện diện khắp Ukraine và cần phải được dọn sạch. Đó không phải cái cớ đủ thuyết phục để Mỹ gửi thêm", Sarah Yager, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) trụ sở tại Washington, hôm 7/7 cho hay. "Các nghị sĩ, nhà hoạch định chính sách và chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ suy nghĩ lại khi thấy ảnh những đứa trẻ bị thương tật bởi bom, đạn chùm do Mỹ sản xuất".
Bình luận của Yager được đưa ra sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho rằng việc cung cấp đạn chùm sẽ giúp Ukraine duy trì khả năng chiến đấu.
"Điều tồi tệ nhất đối với dân thường ở Ukraine là nước này thua trong cuộc chiến. Chúng tôi muốn đảm bảo người Ukraine đủ đạn dược để tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh cuộc phản công diễn ra chậm hơn một chút so với kỳ vọng", Kahl nói, thêm rằng Lầu Năm Góc đang hợp tác với Ukraine để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường.
Binh sĩ Ukraine cầm đạn con đã tháo ngòi từ một quả rocket của Nga hồi tháng 10/2022. Ảnh: Reuters
Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine với "các tổ hợp pháo và đạn dược, trong đó có Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM) hiệu quả cao và đáng tin cậy". Cơ quan này cho biết "đã tham vấn rộng rãi với quốc hội Mỹ cùng các đồng minh và đối tác" về quyết định cung cấp DPICM.
18 thành viên trong NATO đã cấm bom, đạn chùm và nhiều khả năng không ủng hộ quyết định của Mỹ. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 7/7 nói rằng Berlin ủng hộ Công ước về Bom, Đạn chùm, trong đó cấm sử dụng loại vũ khí này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từ chối bình luận về quyết định của Mỹ, nhưng cho biết các quốc gia thành viên được tự do đưa ra lựa chọn của riêng họ về vũ khí. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phản đối động thái này. "Tổng thư ký LHQ không muốn bom chùm, đạn chùm tiếp tục được dùng trên chiến trường", phát ngôn viên của ông Guterres cho biết.
DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để phát nổ trên khu vực rộng lớn, phá hủy xe tăng, thiết giáp và gây thương vong với lính bộ binh. Những quả đạn con có thể không phát nổ khi tiếp đất và tạo rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn.
Năm 2009, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm triển khai hoặc chuyển giao bom, đạn chùm có tỷ lệ đạn con không nổ cao hơn 1%, nhưng Tổng thống Mỹ có thể ký lệnh miễn trừ để bỏ qua hạn chế đó. Luật hiện hành cũng cấm sử dụng đạn chùm trong khu vực dân sự.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder hôm 6/7 cho biết có "nhiều biến thể" đạn chùm và Washington sẽ không cung cấp cho Ukraine những loại có tỷ lệ đạn con không nổ trên 2,35%, mà chọn tỷ lệ thấp nhất có thể.
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền cho rằng Lầu Năm Góc không minh bạch về dữ liệu tỷ lệ không nổ và đang kêu gọi làm rõ hơn. Cũng có lo ngại về độ chính xác và một số loại đạn chùm, trong đó có đạn pháo 155 mm, có tỷ lệ đạn con không nổ cao hơn nhiều so với báo cáo.
Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đều bị cáo buộc sử dụng bom, đạn chùm trong chiến sự. Tỷ lệ đạn con không nổ của Nga được cho là 40%, trong khi của Ukraine là 20%, theo Yager. Ông cũng nhấn mạnh cần khoản chi phí 73 tỷ USD để dọn dẹp bom, đạn chùm đã được triển khai ở Ukraine.
Lầu Năm Góc cho rằng đạn chùm có thể giúp Ukraine đạt bước tiến trên chiến trường. Nhưng Eric Eikenberry, giám đốc phụ trách quan hệ với chính phủ tại tổ chức Win Without War có trụ sở ở Washington, phản bác lập luận này. Theo Eikenberry, quyết định cung cấp đạn chùm cho Ukraine của Mỹ không phù hợp về đạo đức.
Bom, đạn chùm đã được sử dụng từ Thế chiến II và gây thương vong cho hàng chục nghìn thường dân. Lần gần nhất Mỹ triển khai bom, đạn chùm là ở Iraq vào năm 2003.
Cùng với Nga và Ukraine, Mỹ không phải bên tham gia Công ước về Bom, Đạn chùm được 123 quốc gia ký kết năm 2008. Các bên ký kết cam kết không sử dụng đạn chùm trong chiến sự.
Thành viên Cộng hòa trong các ủy ban Quan hệ Đối ngoại và Quân vụ Hạ viện, Thượng viện Mỹ ủng hộ viện trợ đạn chùm cho Ukraine. Trong khi đó, một số thành viên đảng Dân chủ phản đối động thái này.
Hạ nghị sĩ Chrissy Houlahan cho rằng "chiến thắng không thể đến khi cái giá phải trả là các giá trị và nền dân chủ Mỹ". "Sử dụng đạn chùm là bừa bãi và tôi cực lực phản đối việc cung cấp những vũ khí này cho Ukraine", bà cho hay.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-hung-chi-trich-khi-chuyen-dan-chum-cho-ukraine-4626709.html