"Tôi nắm rõ hơn những gì bạn có thể đã biết", Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tuần trả lời phóng viên, khi được hỏi về thông tin Israel chuẩn bị mở chiến dịch tấn công trên bộ ở Lebanon. "Tôi sẽ hài lòng nếu họ dừng lại. Chúng ta lúc này nên có một lệnh ngừng bắn".

Nhưng chỉ vài giờ sau, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã bắt đầu "các cuộc tấn công giới hạn, khoanh vùng nhằm vào cơ sở của nhóm vũ trang Hezbollah" ở miền nam Lebanon. Đây chỉ là một trong nhiều lần Israel phớt lờ ý kiến của Mỹ trong căng thẳng Trung Đông, dù Washington là đồng minh quan trọng nhất của họ.

Chiến dịch tấn công trên bộ vào Lebanon được coi là gáo nước lạnh mà Israel dội vào Mỹ, bởi chính quyền Tổng thống Biden ngay trước đó đã cùng Pháp đề xuất lệnh ngừng bắn dài 21 ngày tại Lebanon.

Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "thậm chí còn không phản hồi" đề xuất này trước khi mở chiến dịch ở Lebanon. Ngày 27/9, IDF tập kích quy mô lớn hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, hành động cũng khiến Washington bất ngờ.

Loạt diễn biến phản ánh rạn nứt ngày càng lớn giữa Mỹ và Israel, phần nào cho thấy Washington mất dần ảnh hưởng với Tel Aviv trong nỗ lực kìm chế đồng minh "bất kham".

"Ảnh hưởng của Mỹ với Israel chỉ còn rất nhỏ", Richard Haass, chủ tịch danh dự Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện chính sách có trụ sở ở Washington, nhận định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 30/9. Ảnh: AP

Tình trạng Israel tự ý hành động trong sự bất lực của Mỹ đã diễn ra nhiều lần kể từ khi chiến sự Gaza bùng phát ngày 7/10/2023. Từ cuộc chiến với Hamas ở Gaza, Thủ tướng Netanyahu giờ đây dẫn dắt Israel đối đầu với gần như toàn bộ lực lượng thuộc "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt.

Ông Netanyahu thường xuyên làm trước, tham vấn Mỹ sau, ngay cả khi những động thái của Israel chắc chắn ảnh hưởng đến nỗ lực ngoại giao của Mỹ, dấy lên nguy cơ Washington bị kéo vào một cuộc chiến ở khu vực.

"Về cơ bản, chúng ta trải qua 12 tháng mà Mỹ ủng hộ một đằng, Israel làm một nẻo ở Gaza. Trong vài ngày qua, họ còn không phối hợp với chúng tôi. Tiếp đó, Washington kêu gọi ngừng bắn nhưng Tel Aviv không quan tâm", ông Haass nói.

Cách tiếp cận của Israel thường xuyên khiến chính quyền ông Biden bị gạt ra bên lề trong các vấn đề quan trọng ở Trung Đông. "Mỹ cung cấp khí tài quân sự để Israel thực hiện các chiến dịch đó, nhưng lại thường xuyên bị bất ngờ trước hành động của Tel Aviv", Brian Katulis, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ tại Viện Trung Đông, trụ sở ở Washington, nói.

Cách hành xử "bất kham" của Israel phần nào khiến nỗ lực ngoại giao con thoi ở Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken suốt nhiều tháng qua không mang lại kết quả nào đáng kể. Washington liên tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza, nhưng Israel không quan tâm.

"Đây không chỉ là sự mất mặt về ngoại giao. Bất cứ khi nào một tổng thống Mỹ bị phớt lờ công khai, uy tín của họ cùng vị thế của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng", Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, nói. Ông Biden, chuyên gia về chính sách đối ngoại, có thể phải rời Nhà Trắng vài tháng tới với "vết đen" trong di sản là chiến sự bùng nổ ở Trung Đông.

Ở cấp độ quân sự, giữa Mỹ và Israel "vẫn có sự trao đổi chuyên nghiệp, trung thực về tình hình thực địa", Ellen Laipson, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Đại học George Mason, bang Virginia nói. "Nhưng ở cấp độ chính trị, tôi không rõ các cuộc trao đổi có chân thành như mong đợi hay không. Và lãnh đạo Israel có thực sự cho chúng tôi biết mục tiêu chính trị của họ là gì? Điều gì có thể đạt được?".

Tổng thống Biden được cho là đã không trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Netanyahu nhiều tuần qua. Sự thiếu liên lạc đã cản trở Mỹ trong việc đưa ra quan điểm về cách tiến hành cuộc chiến, trong khi vẫn phải điều lực lượng đến Trung Đông để bảo vệ Israel và răn đe Iran.

Trong bối cảnh đó, chiến dịch trên bộ của Israel ở Lebanon đặt ra thách thức mới với Mỹ. Nếu Israel đặt mục tiêu đẩy lùi Hezbollah về bên kia sông Litani, cách biên giới hơn 30 km, chắc chắn họ sẽ đối mặt nguy cơ bị sa lầy, buộc Mỹ phải can thiệp, theo Michael Young, nhà nghiên cứu tại Viện Carnegie về Trung Đông ở Lebanon.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, New York, Mỹ ngày 27/9. Ảnh: AP

Trong lúc cuộc đua vào Nhà Trắng cận kề, ông Biden không có nhiều dư địa để xoay xở, nếu muốn tránh chính trường trong nước bị ảnh hưởng bởi vấn đề Trung Đông.

Ông chủ Nhà Trắng chưa muốn dùng đến "lá bài" cắt viện trợ quân sự để gây sức ép với ông Netanyahu, bởi động thái như vậy sẽ khiến lãnh đạo Mỹ đối mặt cáo buộc bỏ mặc đồng minh. Thủ tướng Netanyahu dường như hiểu rõ và đang tận dụng yếu tố này.

Những lần phớt lờ của Israel phần nào đã tạo ra sự bất đồng ngay bên trong chính quyền Tổng thống Biden. Một số quan chức ủng hộ Israel giáng đòn quyết định vào Hezbollah khi nhóm vũ trang đang khủng hoảng, suy yếu. Số khác cảnh báo Israel mở chiến dịch trên bộ có thể phản tác dụng, bởi Hezbollah sẽ có thêm sự ủng hộ trong nước, nguy cơ gây thương vong lớn cho dân thường và khiến Iran tham chiến.

"Tất nhiên, chúng tôi tiếp tục ủng hộ lệnh ngừng bắn", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói ngày 30/9. "Nhưng đồng thời, một số quan điểm khác cũng đúng, như áp lực quân sự có thể tạo điều kiện cho ngoại giao".

Miller thừa nhận áp lực quân sự như cách Israel đang làm cũng có nguy cơ dẫn đến sai lầm, tạo ra hậu quả không mong muốn và có thể kéo Mỹ vào xung đột toàn diện ở Trung Đông. Nhưng Nhà Trắng dường như không có cách nào để ngăn chặn điều đó. "Chúng tôi đang trao đổi với Israel về những vấn đề này", Miller nói.

Vị trí sông Litani và vùng đệm nằm ở phía nam Lebanon. Đồ họa: Sky News

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bronwyn Halfpenny MP Vùng: Thomastown. Phone: 9401 2711
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-kho-ghim-cuong-dong-minh-israel-4798759.html