Israel - Hamas: Một cuộc xung đột không lối thoát
Trên bãi cỏ của Nhà Trắng ngày 13/9/1993, Yitzhak Rabin, thủ tướng Israel khi đó, đứng cạnh lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat và tuyên bố: "Chúng tôi, những người đã chiến đấu chống lại người Palestine, hôm nay nói với các bạn một cách rõ ràng rằng đã đủ máu và nước mắt rồi. Đủ rồi".
Đó là lần gần đây nhất Israel và Palestine quyết định phá vỡ vòng xoáy bạo lực mà tính đến nay đã tồn tại một thế kỷ. "Cơ hội vàng" cho giải pháp hai nhà nước, tức là hai bên đều công nhận nhau, dường như nằm trong tầm tay.
Tuy nhiên, đỉnh cao đối thoại vào năm 1993 không làm tan biến mối thù hận trong khu vực. Cộng đồng quốc tế giờ đây trở lại với những lời kêu gọi "kiềm chế", nhưng không có ý tưởng gì mới để "diệt tận gốc" xung đột.
Một người choàng cờ Hamas trong cuộc biểu tình phản đối Israel không kích Gaza tại nhà thờ Al Aqsa ở Jerusalem hôm 14/5. Ảnh: AP.
Giao tranh giữa Israel và Hamas bùng phát hôm 10/5, bắt nguồn từ nỗ lực của những người theo chủ nghĩa dân tộc Do Thái nhằm trục xuất các gia đình Palestine khỏi nơi cư trú của họ ở khu dân cư Sheikh Jarrah, thuộc Đông Jerusalem. "Lửa giận" âm ỉ trở nên dữ dội vì cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và dân Palestine tại nhà thờ Al Aqsa ngay tháng Ramadan, thời điểm luôn căng thẳng trong năm.
Bình luận viên Tim Lister của CNN chỉ ra cuộc đối đầu lần này không dừng lại ở các đợt không kích Gaza và phóng rocket vào miền nam Israel, mà còn mở rộng tới những con đường trong các thành phố của Israel, những khu dân cư ở Jerusalem và trên khắp Bờ Tây.
Đặc điểm dường như đáng báo động nhất là những thành phố Israel có cả dân Arab sinh sống, như Lod và Haifa, cũng bị hút vào vòng xoáy căng thẳng. Người Arab chiếm khoảng 20% dân số Israel.
Ngay cả trong xung đột đẫm máu hồi năm 2014 và những phong trào nổi dậy chống Israel (intifada), hòa bình phần lớn vẫn được duy trì tại các thành phố này. Nhưng vào tuần trước, các thanh niên Do Thái và Palestine đã đánh nhau trên đường phố, nơi thờ phụng. Nhà cửa bị đốt cháy. Chính quyền buộc phải triển khai lệnh giới nghiêm.
"Chúng tôi đã hoàn toàn mất kiểm soát thành phố. Nội chiến giữa người Arab và Do Thái đang bùng phát", Yair Revivo, thị trưởng thành phố Lod, phát biểu hôm 12/5.
Giữa không khí căng thẳng, phong trào Hồi giáo Hamas bước vào và tự coi mình là người bảo vệ toàn bộ dân Palestine, yêu cầu Israel rút lực lượng khỏi nhà thờ Al Aqsa và khu dân cư Sheikh Jarrah, nếu không muốn "trả giá đắt".
"Khi các bên cực đoan chi phối tình hình, đối đầu là tất yếu", bình luận viên Lister nhận xét.
Xét trên một số khía cạnh, xung đột mang lại lợi ích cho cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phong trào Hamas. Tình huống hiện nay giúp họ củng cố nền tảng ủng hộ và gạt bỏ những ý kiến ôn hòa.
Hamas có thể tuyên bố họ là bên đại diện đích thực của người Palestine, trong khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang trì hoãn các cuộc bầu cử. Emma Ashford, chuyên gia an ninh Mỹ, lập luận rằng việc Palestine không tiến hành bầu cử khiến Hamas "khao khát có cơ hội chứng tỏ bản thân". "Do đó, Hamas quyết định phóng rocket và nỗ lực tạo mối liên kết giữa động cơ hành động của họ với những gì đang xảy ra ở Đông Jerusalem", Ashford giải thích.
Về phía Netanyahu, ông được cho là phụ thuộc vào những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan để duy trì chức thủ tướng trong thời gian dài. Hai năm trước, đối thủ Benny Gantz của ông, người theo chủ trương ôn hòa hơn, cam kết "củng cố các khu định cư và Cao nguyên Golan, nơi Israel sẽ không bao giờ rời đi".
"Thung lũng Jordan sẽ là biên giới của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không để hàng triệu người Palestine sống phía bên kia hàng rào đe dọa định danh của chúng ta, là một quốc gia của người Do Thái", Gantz cho biết. Tuy nhiên, cánh tả hùng mạnh một thời trên chính trường Israel giờ đây tỏ ra thiếu năng lượng và ý tưởng.
Lãnh thổ Israel - Palestine hiện nay (trái) và do Liên Hợp Quốc đề xuất. Đồ họa: Việt Chung.
Ngoài chủ nghĩa cơ hội chính trị, nguyên nhân dẫn đến xung đột cũng ngày càng "ăn sâu bén rễ" hơn. Hồi năm 2018, chính quyền Netanyahu ban hành một đạo luật coi quyền tự quyết quốc gia là "độc nhất dành cho người Do Thái", không phải tất cả công dân Israel, đồng thời đưa tiếng Arab từ ngôn ngữ chính thức thành "trạng thái đặc biệt".
Israel còn thúc đẩy hơn nữa quá trình đưa người Do Thái định cư ở Bờ Tây, nơi họ chiếm được vào năm 1967 và người Palestine hiện chỉ được hưởng quyền tự trị hạn chế. Theo nhóm nhân quyền Peace Now của Israel, hơn 440.000 người Do Thái đã đến sống tại Bờ Tây tính đến năm ngoái. Những nỗ lực nhằm đẩy các gia đình Palestine khỏi Đông Jerusalem hiện nay dường như phù hợp với mô hình này.
100 năm trước, rất lâu trước khi nhà nước Israel ra đời, các cuộc bạo loạn đã bùng phát tại nơi sau này là khu vực Jaffa của Tel Aviv, khiến hàng chục người Palestine và Do Thái thiệt mạng. Một ủy ban điều tra của Anh kết luận bạo loạn bắt nguồn từ việc "người Arab cảm thấy bất bình và thù địch người Do Thái, vì các nguyên nhân chính trị và kinh tế, đồng thời liên quan đến việc người Do Thái nhập cư".
Những nguyên nhân sâu xa đó chưa bao giờ được xóa bỏ, ngay cả sau khi nhà nước của người Do Thái ra đời vào năm 1948, sự kiện mà người Palestine gọi là "thảm họa", hay cuộc chiến năm 1967 giúp Israel giành quyền kiểm soát Bờ Tây, Đông Jerusalem và Gaza, cùng hàng loạt xung đột giữa hai bên sau này.
"Các thanh niên Palestine ném đá vào người Israel, điều mà cha ông họ có lẽ cũng làm. Những binh sĩ Israel bắn hơi cay vào người Palestine. Và có lẽ cha ông họ cũng thế", bình luận viên Ben Wedeman của CNN nhận xét.
Giải pháp hai nhà nước, nền tảng của ngoại giao quốc tế và tuân theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, ngày càng trở nên xa vời khi Bờ Tây bị biến thành "vùng đất chắp vá" bao gồm các thành phố Palestine và khu định cư của người Do Thái.
Trong khi đó, giải pháp một nhà nước, giúp trao quyền công dân cho những người cư trú tại Bờ Tây và Gaza, sẽ khiến nhiều người Israel bất bình và hoàn toàn không có khả năng trong bầu không khí hiện tại.
"Vòng luẩn quẩn" này dường như tương tự năm 2014 và có khả năng sẽ kết thúc khi hai bên đều cảm thấy có thể tuyên bố "chiến thắng", bất chấp những tổn hại và cái chết của dân thường. Tới lúc đó, Ai Cập và Mỹ có thể vạch ra các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng sẽ không giải quyết được gì nhiều hơn.
Sau xung đột năm 2014, Hamas xây dựng lại kho rocket và hệ thống đường hầm, đồng thời siết chặt sự kiểm soát đối với Gaza. "Thật khó để thấy bất cứ điều gì khác ngoài quá trình lặp đi lặp lại này", bình luận viên Lister đánh giá.
Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?
chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/xung-dot-israel-hamas-nhu-duong-ham-khong-loi-thoat-4279828.html