Israel - 'chiến hạm của Mỹ tại Trung Đông'

16:00' 24-05-2021
Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel bắt đầu từ hậu Thế chiến II và ngày càng vững chắc khi Washington xem đây là mối quan hệ đặc biệt. 

Trong tuần qua, dù cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích các động thái quân sự của Israel ở Dải Gaza khiến gần 230 người Palestine thiệt mạng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông vẫn bám sát kịch bản quen thuộc ở Washington, bày tỏ ủng hộ rõ ràng đối với Israel và "quyền tự vệ hợp pháp" trước các cuộc tấn công rocket của Hamas.

Mỹ thậm chí ba lần trong một tuần ngăn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng tình trạng bạo lực giữa Israel và Palestine.

Sự ủng hộ mà chính quyền Biden dành cho Israel dường như bỏ qua thực tế là nhà nước Do Thái có nhiều ưu thế hơn người Palestine, từ năng lực quân sự, tiềm lực kinh tế cũng như nguồn tài nguyên. Nhà Trắng cũng từ chối lắng nghe những lời kêu gọi ngày càng tăng từ các thành viên Dân chủ cấp tiến trong quốc hội Mỹ, cho rằng Biden cần có lập trường cứng rắn hơn với Israel trong cuộc xung đột ở Gaza.

Joe Biden, khi là phó tổng thống Mỹ, gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem hồi tháng 3/2016. Ảnh: Reuters.

Mỹ đã bắt đầu bày tỏ ủng hộ với Israel ngay từ khi nước này thành lập năm 1948, khi cựu tổng thống Mỹ Harry Truman trở thành lãnh đạo thế giới đầu tiên công nhận quốc gia Do Thái.

Sự ủng hộ này một phần bắt nguồn từ mối quan hệ cá nhân. Edward Jacobson, đối tác kinh doanh cũ của Truman, đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho Mỹ công nhận quốc gia Israel.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel cũng bắt nguồn từ những tính toán chiến lược của Washington. Điều này xảy ra ngay sau Thế chiến II, khi Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đang hình thành. Trung Đông, với trữ lượng dầu mỏ lớn và các tuyến đường thủy chiến lược như kênh đào Suez, được xem là chiến trường quan trọng để tranh giành ảnh hưởng bá chủ siêu cường. Mỹ đã tiếp quản vai trò "người hòa giải" quyền lực của phương Tây ở Trung Đông từ các cường quốc châu Âu suy yếu.

Nhưng thời điểm đó, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel vẫn chưa thực sự rõ rệt. Mỹ bắt đầu quan tâm hơn tới Israel sau cuộc chiến tranh năm 1967, khi quốc gia Do Thái đánh bại liên quân Arab do Ai Cập, Syria và Jordan lãnh đạo để chiếm phần còn lại của đất nước Palestine trong lịch sử, cũng như một số phần lãnh thổ của Syria và Ai Cập.

Kể từ đó, Mỹ đã hành động dứt khoát để hỗ trợ ưu thế quân sự của Israel trong khu vực và ngăn chặn các hành động thù địch chống lại nước này từ thế giới Arab.

Israel sau đó tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc chiến năm 1973, thể hiện rõ ưu thế trước quân đội Ai Cập và Syria. Nhằm chia rẽ Ai Cập và Syria cũng như làm suy yếu ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực, Mỹ đã tận dụng kết quả cuộc chiến năm 1973 để đặt nền móng cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ai Cập, cuối cùng được ký kết vào năm 1979.

Kể từ năm 1985, Mỹ đã cung cấp gần 3 tỷ USD viện trợ không hoàn lại hàng năm cho Israel, biến nước này trở thành quốc gia nhận viện trợ thường niên lớn nhất từ Washington giai đoạn 1976-2004, đồng thời là nước nhận viện trợ tích lũy lớn nhất với 146 tỷ USD kể từ Thế chiến II. 74% số tiền này phải được dùng để mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Năm 2016, tổng thống Barack Obama ký thỏa thuận quốc phòng với Israel, cung cấp 38 tỷ USD hỗ trợ quân sự của Mỹ trong 10 năm, bao gồm cả tài trợ cho hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt.

Mỹ cấp tiền cho Israel phát triển Vòm sắt từ năm 2011 và tới nay, 55% cấu kiện của hệ thống này vẫn đang được sản xuất tại Mỹ. Mỹ đến nay đã cung cấp tổng cộng 1,6 tỷ USD cho hệ thống Vòm sắt của Israel.

Hiện tại, Mỹ cung cấp 3,8 tỷ USD hàng năm cho Israel, tương đương 20% ngân sách quốc phòng của quốc gia Do Thái và gần 3/4 nguồn tài chính quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Ai Cập và Jordan, hai nước láng giềng của Israel, là những quốc gia nhận viện trợ cao tiếp theo với lần lượt là 1,3 tỷ USD và 350 triệu USD, trong chính sách nhằm đảm bảo mối quan hệ hòa bình của họ với Israel.

Ngoài viện trợ tài chính và quân sự, Mỹ cũng hỗ trợ cho Israel về mặt chính trị, khi 42 lần sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với các nghị quyết liên quan tới Israel, trong số 83 lần sử dụng quyền này của Washington. Từ năm 1991 tới 2011, Mỹ đã sử dụng 15 trong 24 quyền phủ quyết để bảo vệ Israel.

Giới quan sát nhận định Israel là một đồng minh chiến lược của Mỹ và mối quan hệ của Washington với nhà nước Do Thái nhằm củng cố hiện diện của Mỹ ở Trung Đông. Israel cũng là một trong những đồng minh chính ngoài NATO của Mỹ ở Trung Đông.

Cố thượng nghị sĩ Cộng hòa Jesse Helms từng gọi Israel là "chiến hạm của Mỹ ở Trung Đông", khi giải thích lý do khiến Washington xem Israel là đồng minh chiến lược.

Quả cầu lửa bùng lên sau cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza hôm 14/5. Ảnh: AFP.

Ngoài ý nghĩa về địa chiến lược, dư luận và ảnh hưởng chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách của Mỹ đối với Israel.

Dư luận Mỹ từ lâu đã nghiêng về phía Israel và không dành nhiều thiện cảm với Palestine. Một phần vì Israel có bộ máy truyền thông hiệu quả, nhưng các hành động bạo lực gây xôn xao dư luận của các nhóm ủng hộ Palestine như vụ thảm sát Munich năm 1972, trong đó 11 vận động viên Olympic của Israel bị sát hại, đã khiến đa số người Mỹ đứng về phía quốc gia Do Thái.

Các cuộc thăm dò của Gallup hồi tháng 2 năm nay cho thấy tỷ lệ người Mỹ cảm thông với Palestine đã tăng lên 25%, cao hơn 2% so với năm trước và 6% so với năm 2018. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Israel đối với dư luận Mỹ là rất lớn. Cuộc thăm dò của Gallup cũng cho thấy 58% người Mỹ đứng về phía Israel, trong khi 75% đưa ra đánh giá có lợi cho quốc gia này.

Ngoài ra, một số tổ chức ở Mỹ còn vận động để Washington hỗ trợ Israel, trong đó lớn nhất và quyền lực nhất là Ủy ban Công vụ Israel của Mỹ (AIPAC). Các thành viên của tổ chức tạo ảnh hưởng thông qua tổ chức các sự kiện vận động và gây quỹ trong cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái.

AIPAC thậm chí tổ chức hội nghị thường niên tại Washington với khoảng 20.000 người tham dự, trong đó có nhiều chính trị gia hàng đầu của Mỹ. Tổng thống Biden và cựu tổng thống Donald Trump cũng từng có mặt tại sự kiện này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một trong những người thường xuyên tham dự.

Ảnh hưởng của các nhóm như AIPAC với chính trị Mỹ cũng đáng kể. Những nhóm ủng hộ Israel tại Mỹ đã quyên hàng triệu USD cho các ứng viên chính trị liên bang Mỹ. Trong chiến dịch bầu cử năm 2020, các nhóm này đã quyên góp 30,95 triệu USD, trong đó 63% dành cho đảng Dân chủ và 36% dành cho đảng Cộng hòa. Số tiền này gấp đôi con số quyên góp trong cuộc bầu cử năm 2016.

Israel ngày nay có quan hệ ngoại giao với hầu hết thế giới, phần lớn do sự vận động của Mỹ. Washington đã nỗ lực để giúp Israel bình thường hóa quan hệ và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Giống như nhiều người tiền nhiệm, chính quyền Biden cũng coi trọng "mối quan hệ đặc biệt" với Israel.

Trong bài viết về chính sách với Israel hồi đầu năm nay trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan này cho hay "Israel là đối tác tuyệt vời của Mỹ và Israel cũng không có người bạn nào tuyệt vời hơn Mỹ. Người Mỹ và Israel đoàn kết với nhau bởi cam kết chung của chúng tôi với nền dân chủ, sự thịnh vượng kinh tế và an ninh khu vực. Mối quan hệ không thể phá vỡ giữa hai nước chưa bao giờ bền chặt hơn thế".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/israel-quoc-gia-duoc-vi-nhu-chien-ham-my-o-trung-dong-4281433.html