IMF: "Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là mối đe dọa đối với kinh tế thế giới"

12:11' 15-05-2019
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa cảnh báo những căng thẳng mới nhất trong vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với nền kinh tế thế giới, trong đó có cả kinh tế Mỹ.

Phát biểu trước báo giới tại một hội nghị ở Paris (Pháp) mới đây, người đứng đầu IMF nhận định: "Rõ ràng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là mối đe dọa đối với kinh tế thế giới."

Hồi đầu tháng 5/2019, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhận xét rằng nền kinh tế Mỹ đã bước vào “một chu kỳ tăng trưởng rất mạnh và lâu dài."

Nếu xét trên hầu hết khía cạnh, nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái “khỏe mạnh” với mức tăng trưởng xấp xỉ 3%, các doanh nghiệp đang tạo ra nhiều việc làm hơn số lao động bị thất nghiệp và tăng lương - điểm yếu lâu nay của nền kinh tế Mỹ đã khởi sắc.

Số liệu tích cực

Theo số liệu mà Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 3/5, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2019 của nước này đã giảm xuống còn 3,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Đầu quý 2/2019, các doanh nghiệp đã tăng cường tuyển dụng lao động trong các lĩnh vực như xây dựng, chăm sóc sức khỏe, mạng máy tính, thiết kế và các ngành công nghiệp khác, nâng tổng số việc làm mới tạo ra trong tháng 4/2019 lên 263.000.

Các lao động có thu nhập thấp ở Mỹ thực tế đang chứng kiến mức tăng trưởng lương khá mạnh - cao hơn bất kỳ đối tượng nào khác.

Theo số liệu thống kê của chi nhánh tại Atlanta của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), trong tháng 3/2019, 1/4 số lao động nghèo nhất tại Mỹ có thu nhập tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, các ý kiến phàn nàn về năng lực điều hành nền kinh tế của chính quyền Mỹ cũng phải thừa nhận rằng tình hình “sức khỏe” hiện nay của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump “ghi điểm” trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2020.

Tuy vậy, một vấn đề đáng chú ý là tình trạng chêch lệch thu nhập ở Mỹ vẫn không thu hẹp. Theo Viện Chính sách Kinh tế, 5% số người giàu nhất ở Mỹ đã có thu nhập cao hơn 3,4 lần so với mức thu nhập của một lao động trung bình trong năm 2018, cao hơn mức 3,3 lần năm 2016.

Trong khi đó, năng suất lao động ở Mỹ đã ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong hơn bốn năm trong quý 1/2019, trong khi số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp không biến động nhiều.

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, năng suất lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp - chỉ số đo sản lượng tính theo giờ của mỗi người lao động trong ba tháng đầu năm nay tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ quý 3/2014.

Bà Blerina Uruci, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Barclays, cho rằng số liệu của một quý không tạo nên một xu hướng và năng suất lao động sẽ không thể duy trì mức tăng như hiện tại, nhưng có thể tiến dần đến mức tăng 1,5-2%.

Trước đó, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố số liệu cho thấy số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ không biến động nhiều và ổn định ở mức đã được điều chỉnh theo mùa 230.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 27/4.

Trong tuần trước đó, số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 37.000 đơn, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2017. 

Ngày 2/5, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy số đơn đặt hàng tại các nhà máy của Mỹ đã phục hồi với mức tăng 1,9% trong tháng Ba, nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu khá cao đối với các thiết bị vận tải cũng như các sản phẩm điện tử và máy tính.

Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2018, sau khi ghi nhận mức tăng 0,3% trong tháng Hai năm nay.

Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế Thế giới" công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo năm nay kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,3%, giảm so với mức dự báo tăng 2,5% đưa ra hồi tháng 1/2019, nhưng vẫn khá cao.

Dù vậy, báo cáo của IMF vẫn cảnh báo về những nguy cơ đến từ tình trạng căng thẳng thương mại và mức nợ cao.

Mối nguy “thương chiến”

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng từ giữa năm 2018. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp áp thuế và đáp trả nhau bằng các mức thuế mới.


Container hàng Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ ngày 29/9/2018. (Ảnh: AFP)

Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao của hai nước đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày kể từ 1/12/2018 để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.

Tuy vậy, vòng đàm phán thương mại lần thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc vào ngày 10/5 vừa qua đã không đạt được kết quả như mong đợi.

Tiếp đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 13/5 cho biết, số hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ USD có thể bị đánh thuế sẽ bao gồm cả điện thoại di động và máy tính xách tay, song các mặt hàng thuốc men và nguyên liệu đất hiếm sẽ được miễn khoản thuế này.

Theo USTR, một buổi điều trần công khai sẽ được tổ chức vào ngày 17/6 để thảo luận 3.805 danh mục hàng hóa có thể phải chịu mức thuế lên đến 25%.

Các bộ phận công chúng, bao gồm các nhà ngoại giao, các tổ chức thương mại và các cá nhân, sẽ có thời gian đến ngày diễn ra điều trần để đưa ra các ý kiến bằng văn bản trước khi các quan chức hoàn tất danh sách này.

Danh sách đề xuất có thể bao gồm gần như mọi mặt hàng tiêu dùng chưa bị Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế lần trước đối với số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc, trong đó có điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính bảng.

Các sản phẩm tiêu dùng, từ quần áo tới, giày dép, tất, máy thổi tuyết và gọt bút chì nằm trong danh sách đề xuất.

Tuy nhiên, danh sách này không bao gồm dược phẩm, dược liệu và các sản phẩm y tế nhất định cùng với nguyên liệu đất hiếm và các nguyên liệu đầu vào cần cho sản xuất xe điện, các ngành quốc phòng và bào chế thuốc.

Bên cạnh đó, các sản phẩm được miễn trừ trong các lần tăng thuế trước như trang thiết bị công nghiệp, thiết bị lọc nước, động cơ điện cỡ nhỏ cũng vẫn không phải là những sản phẩm bị tăng thuế lần này.

Về phần mình, Trung Quốc ngày 13/5 tuyên bố sẽ tăng thuế từ 10% lên tối đa 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 tới, đáp trả quyết định của Mỹ ngày 10/5 về việc tăng thuế từ 10% lên 25% với 5.700 danh mục hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Trước tình hình trên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cho hay mức thuế do Mỹ và Trung Quốc áp đặt lẫn nhau đã làm chậm tăng trưởng kinh tế ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, một số người lo ngại cuộc chiến thương mại đang thách thức hệ thống đa phương vốn chi phối thương mại toàn cầu trong nhiều thập niên, bao gồm cả khuôn khổ mậu dịch theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Gary Hufbauer từ Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Washington nói: “Hệ thống này vốn rất mong manh và một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, trong đó cả khả năng hai bên phá vỡ các cam kết WTO sẽ rất gây thiệt hại rất lớn."

Trước đó, kết quả một cuộc khảo sát do Hiệp hội Quốc gia về Kinh tế Kinh doanh Mỹ (NABE) công bố ngày 29/4 cho thấy các công ty Mỹ đã hạ ước tính tăng trưởng trong năm nay do những tác động đến từ cuộc chiến thương mại và những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng, song gần một nửa các nhà kinh tế được hỏi dự báo GDP của Mỹ sẽ chỉ tăng hơn 2% trong năm nay.

Như vậy là tỷ lệ này thấp hơn so với 67% số người được hỏi lựa chọn tương tự trong cuộc khảo sát thực hiện hồi tháng 1/2019.

Hầu hết những người còn lại cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2% hoặc thấp hơn.

Số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,2% trong ba tháng đầu năm, nhưng nhiều nhà kinh tế nhận định rằng đà tăng này khó có thể duy trì.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của NABE cho biết họ đang tiếp tục nỗ lực ứng phó với những tác động của các biện pháp trả đũa thuế quan áp lên hàng hóa của Mỹ cũng như việc Mỹ tăng thuế đánh lên hàng nhập khẩu làm tăng chi phí của công ty.

Theo Chủ tịch NABE Kevin Swift, một năm sau khi Mỹ lần đầu tiên áp dụng mức thuế quan mới đối với các đối tác thương mại vào năm 2018, các mức thuế đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hơn 25% các công ty được hỏi.

Trong số các công ty sản xuất hàng hóa, 75% doanh nghiệp cho biết họ chịu một tác động tiêu cực, với 67% các nhà sản xuất phải đối mặt với chi phí vật liệu cao hơn và 50% công ty phải tăng giá sản phẩm.

Ngoài ra, 42% công ty được khảo sát báo cáo doanh số kém khả quan và 1/3 công ty cho biết họ trì hoãn các khoản đầu tư theo kế hoạch.

Với tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức rất thấp, tình trạng thiếu lao động tiếp tục là thách thức lớn cho các công ty, khiến gần 50% các công ty quyết định tăng lương hoặc thực hiện các biện pháp khác.

Gần 80% các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề cao.

Trong lĩnh vực sản xuất, 60% các công ty đã tăng lương cho nhân viên, trong khi 50% buộc phải giảm yêu cầu đối với những lao động tuyển dụng mới.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/kinh-te-my-tang-truong-khoi-sac-bat-chap-no-cao-va-cang-thang-voi-tq/569249.vnp