Hối hận vì nhờ người quen làm nhà: Cả nể sẽ khiến chủ nhà vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian và công sức
"Từ tủ bếp đến tủ quần áo, tất cả là một màu tím mộng mơ", chị Hằng nói, giọng không giấu nổi sự bực bội lẫn thất vọng.
Đầu năm 2020, vợ chồng chị mua căn hộ 70 m2 ở Mỹ Đình để chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Họ kỳ vọng tổ ấm mới sẽ đem tới những điều tốt đẹp nên quyết thuê kiến trúc sư thiết kế cho căn hộ thật chỉn chu. Nghe chồng giới thiệu bạn thân mở văn phòng kiến trúc, giá cả lại rẻ hơn những nơi khác, chị Hằng đồng ý ngay.
Để hoàn thiện phần nội thất của căn hộ, nữ gia chủ này đã đi tham khảo giá một số văn phòng kiến trúc sư và được báo giá khoảng 700 - 800 triệu đồng cho riêng phần đồ gỗ. Trong khi đó, người bạn chồng báo giá chỉ hơn 200 triệu đồng nên chị Hằng gật đầu luôn.
Căn hộ không lớn nên gia chủ muốn nội thất màu trắng cho sáng sủa, tạo cảm giác rộng rãi. Chồng thường xuyên đi công tác xa, chị Hằng lo toàn bộ việc nhà cửa. Sau hai tháng trao đổi, gia chủ và kiến trúc sư thống nhất phương án thiết kế.
Thời điểm căn hộ thi công cũng là lúc chị Hằng gần sinh nên không thể lên giám sát công trình. Hơn nữa, hai vợ chồng dành sự tin tưởng tuyệt đối cho người bạn của mình. "Trong quá trình thi công, kiến trúc sư thỉnh thoảng gửi ảnh cho tôi", chị Hằng thuật lại. "Tôi thấy màu sắc có vẻ sai nhưng họ giải thích do ánh sáng nên tôi không hỏi thêm nữa".
Một tuần trước ngày chuyển về, vợ chồng chị Hằng lên kiểm tra căn hộ và "không biết nói gì". Họ lập tức liên hệ người bạn kia để hỏi về lý do nội thất sai màu thì anh này đổ "tại cô vợ chọn như thế". Đến lúc gia chủ gửi ảnh chụp tin nhắn cũ, kiến trúc sư mới nhận lỗi nhưng nói: "Anh chị dùng tạm, màu này cũng đẹp".
Thấy chồng ngại, không dám bắt đền bạn thân, chị Hằng đành chấp nhận và trả đủ tiền theo hợp đồng. "Đến giờ tôi vẫn chưa hết giận. Cứ mỗi lần về nhà lại thấy bực mình", người phụ nữ bày tỏ.
Ảnh: Istock.
Cũng nhờ người quen làm nhà, chị Trần Thúy Minh ở quận Thanh Xuân "tức phát khóc" vì nơi ở mới của gia đình không kịp hoàn thiện trước Tết.
Bố mẹ cao tuổi, khó leo cầu thang nên giữa năm 2020, chị Minh mua một căn hộ chung cư và nhờ một người bạn làm kiến trúc sư thiết kế, thi công nội thất. "Không ngờ, càng là chỗ quen biết, người ta lại càng không làm việc nghiêm túc", chị Minh nói.
Quá trình thiết kế bắt đầu từ tháng 8 nhưng đến giữa tháng 10 mới hoàn thành bởi kiến trúc sư "năm lần bảy lượt trễ hẹn", lấy lý do bận nhiều công trình khác. Nghe vậy, chị Minh không dám giục mà chỉ kiên nhẫn chờ đợi.
Đầu tháng 11, căn hộ của gia đình chị Minh bước vào giai đoạn thi công. Theo hợp đồng, thời hạn làm nhà là 45 ngày nhưng đến gần cuối tháng 1/2021, căn hộ vẫn chưa hoàn thành. Nội thất gỗ bị sai kích thước và màu sắc, phải làm lại toàn bộ nhưng nhiều món không kịp xong trước Tết như bàn trà, tủ trang trí khiến gia chủ thiếu đồ dùng. Vài thứ đã sửa nhưng không đảm bảo chất lượng như kệ trang trí bị xước mặt, cánh tủ bếp bị sứt mẻ. Ngoài ra, vì thiếu giám sát, đội thợ còn khoan hỏng đường ống nước và đứt dây cáp trong nhà. Phàn nàn với kiến trúc sư, chị Minh nhận được câu trả lời: "Ra Tết sửa. Bạn bè phải thông cảm, san sẻ với nhau".
"Thậm chí họ còn trách tôi là đã miễn phí thiết kế mà còn đòi hỏi dù ban đầu nói rằng cứ thi công là được miễn khoản này", chị Minh chia sẻ. "Họ cũng yêu cầu quyết toán trước Tết dù công trình chưa hoàn thiện".
Theo kiến trúc sư Lê Bảo Quốc Minh (TP HCM), việc các gia chủ hối hận sau khi nhờ người quen làm nhà là hiện tượng phổ biến. Chỉ trong tháng 12/2020, ông Minh đã được ba người kêu cứu, nhờ góp ý sửa lại nhà do người quen thiết kế và thi công.
Các gia chủ thường nghĩ rằng nhờ người quen sẽ đáng tin và tiết kiệm chi phí. Trên thực tế, việc này không hẳn sai. Nếu quen biết từ trước và hiểu tính cách nhau, chủ nhà và kiến trúc sư dễ dàng trao đổi, thống nhất phương án thiết kế với nhau. "Những kiến trúc sư nghiêm túc cũng sẽ cố gắng dồn tâm huyết cho căn nhà của người quen", ông Minh nói.
Tuy nhiên, không phải đơn vị thiết kế - thi công nào cũng làm việc "có tâm". "Nhiều khi, khách hàng bị đánh lừa bởi bản vẽ 3D, đến lúc làm thật mới thấy chất lượng không đạt", ông Minh tiết lộ.
Chưa kể, công việc rất dễ trục trặc nếu một trong hai bên ỷ lại sự thân quen mà hành xử thiếu chuyên nghiệp. Ví dụ, chủ nhà đòi kiến trúc sư giảm chi phí hoặc vẽ theo ý mình bất chấp yếu tố chuyên môn. Hoặc trường hợp đơn vị thiết kế - thi công làm sai nhưng không chịu sửa, "ép" khách hàng cảm thông như chị Hằng, chị Minh gặp phải.
Do tâm lý cả nể, cả kiến trúc sư lẫn chủ nhà đều khó xử nếu nảy sinh mâu thuẫn. Một số trường hợp chủ quan không làm hợp đồng hoặc làm qua loa nên không thể bắt đền nhau.
Mâu thuẫn trong quá trình làm nhà có thể khiến mối quan hệ cá nhân sau này giữa gia chủ và kiến trúc sư xấu đi. Để tránh hậu quả này, ông Minh khuyến cáo mỗi gia chủ tìm hiểu kỹ sản phẩm của kiến trúc sư trước khi giao nhà mình cho họ.
"Dù thân thiết đến đâu, hai bên cũng xác định chuyển sang mối quan hệ công việc, nói chuyện thẳng thắn và làm hợp đồng quy định rõ ràng các vấn đề như chi phí, thời gian thi công, điều khoản thanh lý", kiến trúc sư Minh khuyến cáo và nhấn mạnh, khi thắc mắc trong phạm vi công việc, chủ nhà và kiến trúc sư cần trực tiếp trao đổi với nhau, không hỏi ý kiến bên thứ ba. Mọi trao đổi này nên được lưu giữ dưới hình thức văn bản hoặc tin nhắn, không chỉ nói miệng.
Kiến trúc sư và chủ nhà không đề cập chuyện giảm giá. Nếu muốn, đơn vị thiết kế - thi công có thể tặng chủ nhà các món đồ hữu ích như máy lọc không khí. Việc giảm giá dễ tạo tiền lệ không hay, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của văn phòng kiến trúc hoặc trở thành cớ đổ lỗi cho gia chủ.
"Tốt nhất, đã làm nhà thì đừng cả nể. Nếu không, bạn sẽ vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian và công sức", kiến trúc sư Minh kết luận.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/hoi-han-vi-nho-nguoi-quen-lam-nha-4223720.html