Anh Tuấn, quê Bắc Giang, lớn lên trong gia đình nghèo khó, thường xuyên phải lo lắng vấn đề tiền bạc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, anh làm thuê cho một vài công ty, khởi nghiệp ở tuổi 35, may mắn thành công. Hiện, thu nhập của anh lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, không nợ, nhưng Tuấn luôn bất an một ngày công ty phá sản, khách hàng quay lưng.

Lo sợ cảnh nghèo hèn quay lại, anh chi tiêu dè sẻn, có thói quen mua số lượng lớn thực phẩm từ các cửa hàng giảm giá và tích trữ. Mỗi khi nhận các hóa đơn thanh toán cao hơn dự kiến, anh giật mình và cáu bẳn, nhiều khoản bị thanh toán trễ hạn. Cách sống hà tiện của người đàn ông khiến bạn đời bức xúc, dẫn đến cãi vã, không khí gia đình căng thẳng.

Đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, anh Tuấn đề nghị bác sĩ giúp cởi bỏ tâm lý stress, "làm sao để đầu óc thoải mái, không còn nỗi sợ bị phá sản, nghèo trở lại".

Tương tự, bệnh nhân nam 39 tuổi, có sự nghiệp bán hàng online thành công, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, nhà cửa khang trang, nhưng luôn bận tâm về tài chính một cách quá mức bởi "lo sợ tái nghèo".

Khi mua hàng, anh có tâm lý muốn trả mức giá thấp hơn, nếu được bớt chỉ vài chục nghìn, anh cảm thấy bản thân khôn ngoan hơn người bán hàng. Ngược lại, người đàn ông sẽ dằn vặt trong nhiều ngày, nhiều tuần nếu mua "hớ". Không muốn quay lại cảnh nghèo, anh nhận nhiều việc làm thêm để lấp đầy thời gian trống, thường xuyên đi ngủ lúc 1-2h hàng ngày, hoặc thức trắng đêm. Lâu dần, da anh nổi mẩn, chán ăn, dễ cáu gắt, mất ngủ, căng thẳng mỗi khi nhắc đến tiền bạc.

Cả hai bệnh nhân trên phải nhập viện, được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng sợ nghèo đói, gây rối loạn lo âu.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết nỗi sợ về sự nghèo đói (Peniaphobia) thường gặp ở người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu, đã có những thành công về tài chính.

Người mắc chứng hội chứng này luôn lo lắng khi chi tiền, ngay cả với những thứ nhỏ nhặt có thể dễ dàng mua được. Lối sống của họ thường khổ hạnh, làm việc cật lực để kiếm nhiều tiền, nhưng chi tiêu dè sẻn, trốn tránh chi trả cả những hóa đơn thiết yếu.

Một số khác bị ám ảnh đến mức liên tục kiểm tra số dư ngân hàng, tránh thảo luận tài chính, căng thẳng với các quyết định tiền bạc liên quan. Điều này làm nảy sinh triệu chứng khó thở, nhức đầu, buồn nôn, da nổi mẩn, chán ăn, dễ cáu gắt, bồn chồn lo lắng và bi quan.

"Người mắc Peniaphobia nặng thường biểu hiện cực kỳ lo lắng khi nghĩ đến việc mất tiền hoặc trở nên nghèo. Kết quả là họ sống trong sự lo âu, sợ hãi về tương lai, bỏ bê hiện tại", bà Thu nói.

Việt Nam chưa có số liệu thống kê về những bệnh nhân mắc chứng này, song bác sĩ Thu nhìn nhận gần đây, con người phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng tài chính, lạm phát, nguy cơ mất việc làm, gây ra sự mệt mỏi. Một số người bị ám ảnh do sự nghèo khó hay cú sốc tài chính trong quá khứ, hoặc bắt nguồn sâu xa từ quá trình nuôi dạy thời thơ ấu. Những sự kiện khách quan như kinh tế khó khăn, khủng hoảng tài chính... có thể kích hoạt nỗi sợ của họ, dù bản thân những người này đang dư dả tiền bạc.

Nhiều người giải quyết nỗi ám ảnh bằng việc tìm thêm việc làm, mở thêm doanh nghiệp, dẫn đến gia tăng mức độ căng thẳng, bất ổn, dần dần không chỉ mắc tâm bệnh mà còn hoàng loạt vấn đề thể chất khác.

Bác sĩ cho biết cách hiệu quả để đối phó với Peniaphobia là đặt mục tiêu và lập kế hoạch rõ ràng. Bạn có thể nâng cao kỹ năng quản lý tiền bạc bằng việc dành thời gian nghiên cứu, học tập, hủy theo dõi các tài khoản mạng xã hội gây bất an.

"Người biết lập kế hoạch chi tiêu sẽ chủ động hơn khi có tình huống phát sinh, không bị lệ thuộc vào đồng tiền, ít gặp căng thẳng và xua tan những nỗi sợ. Ngược lại, người ám ảnh về tiền bạc sẽ bị đồng tiền dẫn dắt, kiểm soát, dẫn đến bất an", bác sĩ cho hay.

Mặt khác, mọi người nên học cách hài lòng với cuộc sống, ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục đều đặn. Thư giãn bằng thiền, chánh niệm. Khi phát hiện bản thân có các dấu hiệu tâm lý bất thường, ảnh hưởng cuộc sống, nên tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn kịp thời.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from EVA.

Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/roi-loan-tam-than-boi-noi-so-bi-ngheo-tro-lai-c131a606127.html