Hệ thống phòng thủ Mỹ - Nhật - Hàn đánh chặn thành công tên lửa Bình Nhưỡng là rất thấp
Theo NHK, Viên Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh ngày 20/9 đã công bố Khảo sát chiến lược thường niên, trong đó đánh giá năng lực phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
IISS đánh giá các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2017 đã tăng tốc đáng kể, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng đủ khả năng để tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực bằng vũ khí hạt nhân trang bị trên tên lửa.
Theo IISS, Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể phát triển một tên lửa với thiết kế mới và nhắm mục tiêu tới toàn bộ lục địa Mỹ vào cuối năm nay.
IISS cho biết tên lửa đạn đạo 2 giai đoạn Hwasong-14 của Triều Tiên có tầm phóng tối đa hơn 7.500 km. Với tầm phóng này, tên lửa Triều Tiên hoàn toàn có thể vươn tới khu vực bờ biển phía tây của Mỹ nếu đầu đạn gắn trên tên lửa có trọng lượng dưới 650 kg.
Theo IISS, để ngăn Triều Tiên phát triển tên lửa, ngoài nỗ lực ngoại giao của các nước ở khu vực Đông Bắc Á, các cường quốc trên thế giới cũng cần phải vào cuộc. IISS cũng đề xuất phương án giải quyết như yêu cầu các nước cắt nguồn cung nhiên liệu tên lửa cho Triều Tiên.
Hệ thống tên lửa Mỹ - Nhật - Hàn bất lực?
Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 15/9 cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo Hwasong-12 bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tên lửa này ước tính đã đạt độ cao 770 km và bay xa 3.700 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Dựa trên các thông số này, chuyên gia về vũ khí hạt nhân Joe Cirincione nhận định các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bất lực trước tên lửa Triều Tiên.
“Độ cao 770 km là quá cao, cao hơn vài trăm km so với hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis được triển khai trên các tàu hải quân ở ngoài khơi Nhật Bản, thậm chí còn cao hơn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được lắp đặt ở Hàn Quốc và đảo Guam. Độ cao này cũng vượt trội hơn hẳn so với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đặt tại Nhật Bản”, chuyên gia Joe cho biết.
Cả 3 hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, THAAD và Patriot đều được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở sau giai đoạn giữa hoặc giai đoạn cuối. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng liệu các hệ thống phòng thủ có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên trước khi nó đạt độ cao đó không.
“Gần như không có cơ hội bắn hạ tên lửa Triều Tiên lúc đang bay trừ khi tàu chiến có hệ thống Aegis được triển khai rất gần địa điểm phóng, tức là nằm trong vùng biển của Triều Tiên. Sau đó, tên lửa đánh chặn sẽ phải đuổi theo tên lửa Triều Tiên và đây là cuộc đua mà tên lửa đánh chặn không nắm chắc phần thắng. Trong thời gian cảnh báo dành cho hệ thống phòng thủ chỉ từ 1-2 phút, cơ hội đánh chặn thành công gần như bằng 0”, chuyên gia Joe nhận định.
Tên lửa Triều Tiên không thể tấn công Mỹ?
Nhận định về khả năng an toàn của Mỹ, Giám đốc điều hành bộ phận quốc phòng, hàng không và an ninh của tập đoàn Boeing, bà Leanne Caret, cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của tập đoàn này hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ lục địa Mỹ trước một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
Bà Caret cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang “làm đúng những gì cần thiết” để đánh chặn tên lửa Triều Tiên.
“Tôi đã có cơ hội tới nơi thử nghiệm (hệ thống phòng thủ tên lửa) hồi cuối tháng 5. Chúng ta sẽ bắn hạ một tên lửa bằng một tên lửa”, bà Caret cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Leanne Caret cho biết chính bà đang dẫn dắt một nhóm phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Mỹ. Lãnh đạo Boeing gọi nhóm của bà là “400 người bảo vệ 400 triệu người”.
Bà Caret cũng cho biết Boeing đang lên kế hoạch cung cấp 44 hệ thống đánh chặn mới cho quân đội Mỹ vào cuối năm nay.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/he-thong-phong-thu-my-nhat-han-bat-luc-truoc-ten-lua-trieu-tien-20170921150911124.htm