Hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ có hành vi bạo lực

18:11' 13-03-2020
Nếu bạn thấy bé yêu của mình có hành vi đánh đấm, cắn, cãi cọ với ba mẹ, với anh chị em hoặc với bạn bè thì đó cũng là... điều bình thường.

Hành vi bạo lực của trẻ 1 - 3 tuổi thực chất không phải là hiện tượng bất thường. Trẻ làm như vậy bởi các bé thiếu những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết, thiếu khả năng kiểm soát xung lực để điều khiển hành vi, cũng như muốn khẳng định sự độc lập của bản thân. Ngoài ra, phản ứng bạo lực của trẻ còn do trẻ bắt chước hành vi đánh đòn từ cha mẹ hoặc người chăm sóc trực tiếp.

Tưởng tượng một em bé đáng yêu kháu khỉnh khi bước lên độ tuổi từ 1-3 với suy nghĩ, những nguyên tắc riêng, chắc chắn trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi cũng như thách thức xảy ra. Vì thế sẽ là bình thường nếu bạn thấy bé yêu của mình có hành vi đánh đấm, cắn, cãi cọ với bố mẹ, với anh chị em hoặc với bạn bè.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thắc mắc mình đã làm sai ở đâu, hoặc tự trách móc bản thân không biết dạy con, hãy tìm hiểu 9 nguyên nhân khiến trẻ từ 1 - 3 tuổi có hành vi bạo lực sau đây.

1. Trẻ đang trong quá trình khám phá cơ thể và những tác động do mình tạo ra

Hành vi bạo lực bạn thấy ở con lại là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ đều có xu hướng đánh người khác tại một thời điểm nhất định (Cho dù bạn có hoặc không làm gì đó). Thực chất, hành vi này là để trẻ nắm bắt và khám phá tác động của cơ thể, khám phá xem liệu điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ vung tay chạm vào một vật hoặc người nào đó, liệu trẻ vung tay mạnh hơn thì chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Nói tóm lại, tất cả mọi thứ diễn ra thời điểm này về cơ bản còn vô cùng mới mẻ với trẻ, vậy nên những hành động con làm đều là bởi con cảm thấy tò mò. Tất nhiên, trẻ sẽ sớm nhận thấy hành vi của mình gây chú ý cho dù sự chú ý đó có mang tính tiêu cực. Tuy nhiên quyết định có hoặc không tiếp tục hành vi đó của trẻ còn phụ thuộc những yếu tố tác động khác.

2. Trẻ thiếu khả năng tự chủ

Khoảng thời gian trẻ được 18 tháng tuổi là lúc con bước vào sự hỗn độn trong các mối quan hệ và giao tiếp với mọi người. Trẻ bắt đầu học cách nói chuyện và đi lại, phạm vi những người xung quanh trẻ cũng được mở rộng hơn. Cùng lúc đó, trẻ còn phải học cách điều hướng tương tác với anh chị em, với bạn bè và cả những người bạn ở công viên hoặc sân chơi. Nói tóm lại, một mặt, não bộ trẻ đang dạy trẻ cách thể hiện cá tính, mặt khác, trẻ cũng trong quá trình phát triển nhiều kỹ năng phức tạp hơn.

Một em bé 18 tháng tuổi tất nhiên không có khái niệm về sự tự kiểm soát, cũng không biết rằng mình không thể làm bất cứ điều gì theo ý mình. Điều đó khiến trẻ có những hành vi theo bản năng bất kể là tức giận hay thất vọng. Đỉnh điểm của những hành vi này thường lên cao trào khi trẻ được 2 tuổi, và suy giảm dần trong khoảng 3 năm sau đó. Điều thú vị ở đây, đó là các trung khu trong não bộ có liên quan đến sự tự kiểm soát sẽ không hoàn toàn trưởng thành cho tới khi trẻ kết thúc độ tuổi thiếu niên.

3. Trẻ thiếu các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ

Ở độ tuổi từ 1 đến 3, trẻ vẫn chưa thể thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để có thể nói với bạn về cảm xúc của mình, hoặc để điều tiết một tình huống xã hội nào đó khiến trẻ không thoải mái. Theo tự nhiên, trẻ thể hiện bản thân và sự thể hiện đó có thể là một hành vi bạo lực. 

Chính vì trẻ chưa biết, chưa thấm nhuần những chuẩn mực hay quy tắc xã hội giúp kiềm chế hành vi bản thân giống người lớn, nên trẻ vẫn vô tư thực hiện nó nhiều lần. Tuy nhiên bạn cũng đừng quá lo lắng, vì những kỹ năng này dần dần sẽ được chọn lọc một cách từ từ nhưng chắc chắn.

4. Trẻ thiếu sự đồng cảm và tầm nhìn

Trong khoảng 2,5 tuổi trở lên, trẻ thường không thể nhìn thấy ai khác ngoài chính bản thân mình. Chính vì thế trẻ sẽ không có biểu hiện quan tâm đến cảm xúc của mọi người, hay tự hiểu hành vi đánh đấm sẽ khiến người khác bị đau. Ở độ tuổi này, trẻ vẫn coi bạn bè như đồ vật để xử lý khi thấy không thoải mái. Mặc dù trẻ có thể sẽ thấy buồn khi nhìn bạn khóc sau khi bị mình đánh hoặc đẩy, nhưng trẻ lại không thể lường trước được hậu quả của sự việc mình làm.

5. Trẻ đang trong quá trình đối phó với sự thay đổi

Thời điểm trẻ bước sang độ tuổi toddler (từ 1 đến 3 tuổi), các mối quan hệ xung quanh trẻ sẽ không chỉ dừng ở phạm vi gia đình, mà nó còn bao gồm cả các nhóm bạn trẻ quen ở sân chơi, bạn bè ở lớp. Sự phức tạp trong các mối quan hệ sẽ khiến trẻ bị áp lực khi không biết phải thích nghi với môi trường xung quanh như thế nào. Và bởi trẻ không thể điều khiển mọi thứ như ý muốn, nên hành động hung hăng có thể là phản ứng bản năng giúp trẻ khẳng định sự độc lập.

Đánh hoặc đẩy bạn để lấy món đồ chơi mình thích, đẩy anh chị em cản đường đi của mình có lẽ là cách duy nhất trẻ có thể sử dụng để giải quyết tình huống, nhất là với các tình huống trẻ mới gặp lần đầu. Trong một số trường hợp, hành động hung hăng của trẻ có thể do trẻ muốn thử nghiệm điều gì đó. Ví dụ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình đánh ai đó? Liệu người đó có khóc không? Không biết những bạn khác cũng hành động như vậy hay khác mình nhỉ?

6. Trẻ đang thử nghiệm các ranh giới

Bạn có phải là những ông bố bà mẹ luôn dành hầu hết thời gian của mình bên con? Nếu có, thì đây rất có thể là lý do khiến bạn trở thành mục tiêu chính cho những hành vi xấu của con. Thực tế, lý giải cho điều này lại mang tính rất tích cực.

Theo các chuyên gia, bố mẹ trở thành mục tiêu chính của những hành vi tiêu cực của trẻ là bởi khi ở cùng bố mẹ thì trẻ mới có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình nhất. Trẻ dễ có hành vi tiêu cực khi ở bên bố mẹ là bởi trẻ cảm thấy an toàn khi làm điều đó với cha mẹ. Hơn nữa, não bộ trẻ đang phát triển mạnh mẽ thời điểm này, nên trẻ sẽ bắt đầu hiểu về các mối quan hệ, hiểu mình có thể đẩy mọi thứ đi bao xa. Nói tóm lại, rất có thể trẻ đang thử nghiệm các ranh giới thông qua hành vi xấu của mình.

7. Trẻ bị đói, buồn ngủ hoặc cảm thấy không khỏe

Bên cạnh những yếu tố bên trong, hành vi hung hăng của trẻ đôi khi còn có thể đến từ các tác nhân bên ngoài có thể kiểm soát. Những tác nhân này bao gồm:

Đói: Vì không thể truyền đạt bằng lời rằng mình bị đói hoặc khát nên trẻ sẽ có những hành vi bị cho là hư.

Thiếu ngủ: Kể cả người lớn cũng dễ bị căng thẳng, cáu kỉnh khi thiếu ngủ, thì đối với một đứa trẻ, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Cảm thấy không khỏe: Sức khỏe sa sút cũng là nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi gây khó chịu, thậm chí là bạo lực.

Không được chú ý: Trẻ có thể sẽ làm những hành động tiêu cực khi nhận thấy mình bị ngó lơ hoặc không được chú ý. 

8. Trẻ bắt chước hành vi của người chăm sóc

Các nghiên cứu về bạo lực giữa cha mẹ và con (viết tắt là CPV), nhất là với người mẹ, thường cho thấy tỷ lệ bạo lực cao giữa cha mẹ và các em bé nhỏ tuổi.

CPV cũng là chỉ số phản ánh tình trạng bạo lực gia đình. Nó có thể là bạo lực giữa bố mẹ với nhau, bạo lực thể xác hoặc những phương pháp trừng phạt thân thể được áp dụng để kỷ luật con cái.

CPV cũng rất hiếm khi không có sự góp mặt của bạo lực giữa cha mẹ với con cái. Theo thống kê, cứ 10 em bé bị bố mẹ đánh đòn thì hầu như cả 10 em bé này về sau đều có khả năng có hành vi bạo lực.

9. Trẻ tiếp xúc với những nội dung bạo lực trên internet nên bị ảnh hưởng

Không thể phủ nhận việc truyền thông, báo chí, các chương trình TV có ảnh hưởng không nhỏ lên hành vi của một đứa trẻ. Các chương trình TV có quá nhiều chi tiết la hét, xô đẩy, đánh đấm sẽ ảnh hưởng ít nhiều lên hành vi của trẻ.

Theo một nghiên cứu được tiến hành, trẻ nhỏ chơi các game thực tế ảo có yếu tố bạo lực thường dễ trở nên hung hăng hơn những đứa trẻ chơi các game không có yếu tố này.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from AFAMILY.

Original source can be found here: http://afamily.vn/tre-em-1-3-tuoi-rat-hay-danh-nguoi-parent-coach-linh-phan-ly-giai-9-nguyen-nhan-cua-hanh-vi-bao-luc-nay-20200228165159029.chn