Hậu quả nghiêm trọng từ bệnh quan liêu và hình thức tại Trung Quốc

09:00' 10-03-2021
Quan chức địa phương ở Trung Quốc quá chú trọng vào việc làm hài lòng cấp trên đến mức có thể bỏ bê trách nhiệm cơ bản của mình trong vai trò công chức.

 

Sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh đến năm 2020 phải xóa bỏ tình trạng nghèo đói ở vùng nông thôn, công chức ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, trở nên bận rộn với các thủ tục giấy tờ.

Được yêu cầu dành 70% thời gian cho chiến dịch, họ cần mẫn điền vào các biểu mẫu chứng nhận sự tuân thủ, Pang Jia, một người tham gia làm việc này, cho biết. Khi cấp trên yêu cầu bằng chứng hình ảnh thực địa, một số nhân viên cứu trợ đã "bù" cho những bức ảnh mùa đông bị thiếu bằng cách tạo dáng với trang phục trời lạnh trong các chuyến thăm nhà dân vào mùa hè, chị Pang nói.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập đã tái tổ chức nền chính trị Trung Quốc với phong cách riêng và định hướng từ trên xuống dưới để xây dựng chính quyền tập trung dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Song những nỗ lực của ông đang gặp phải kẻ thù cũ: bộ máy quan liêu.

Các nhà quan sát cho rằng tập trung hóa ở một quốc gia rộng lớn thường thúc đẩy sự trì trệ, gian dối và các thói quen làm việc kém hiệu quả khác của công chức, có nguy cơ gây tổn hại cho các mục tiêu của ông Tập.

Hậu quả nghiêm trọng

Thực tế, một số quan chức địa phương đã quá chú trọng vào việc làm hài lòng cấp trên đến mức có thể bỏ bê trách nhiệm cơ bản của mình trong vai trò công chức, đôi khi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Chẳng hạn, khi chủng virus corona mới lây lan ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, chính quyền địa phương sợ việc phải báo tin xấu với Bắc Kinh. Theo một điều tra của Wall Street Journal, chính việc này đã dẫn đến sự chậm trễ trong phản ứng ở cấp độ quốc gia và góp phần làm tăng số người chết.

Hình ảnh các bác sĩ thiệt mạng trong đại dịch Covid-19 được dán tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán hôm 7/2. Ảnh: Reuters.

Ông Tập và các quan chức cấp cao khác đã công khai chỉ trích việc các công chức tuyến đầu chỉ lo việc bàn giấy thay vì ngăn chặn sự lây lan ngoài thực địa. Họ dành nhiều giờ mỗi ngày để hoàn thành tài liệu cho các cơ quan, những nơi yêu cầu cung cấp thông tin giống nhau, bao gồm thân nhiệt và các triệu chứng của cư dân.

Báo cáo về các dự án gian dối và lãng phí đã phá hỏng chiến dịch xóa đói giảm nghèo ở nông thôn mà ông Tập khởi xướng, một trọng tâm trong "Giấc mộng Trung Hoa" của ông - đặc biệt là sau năm 2015, khi ông ra lệnh cho các quan chức ký cam kết hoàn thành các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phải chịu trách nhiệm nếu mọi việc đi sai đường.

Tại thành phố Phụ Dương tỉnh An Huy, các quan chức địa phương đã bị kỷ luật vào năm 2019 vì yêu cầu sơn nhà màu trắng tại một số làng để chúng trông đẹp hơn trong mắt lãnh đạo, với số tiền chi ra tương đương 1,2 triệu USD. Trong khi đó, các vấn đề thực chất như đường sá và hệ thống thoát nước lại không được giải quyết.

Đội ngũ thanh tra phát hiện các quan chức địa phương coi việc sơn nhà màu trắng là cách để mang lại kết quả nhanh chóng sau khi cấp trên yêu cầu sửa chữa nhà dân trong vòng ba tháng. Ngay cả việc sơn nhà như vậy cũng rất lộn xộn, khi nhiều ngôi nhà chỉ được sơn một phần, theo một phim tài liệu được chiếu trên truyền hình nhà nước.

Giới chức tỉnh nói rằng đây là dự án "làm màu" và là biểu hiện của "bệnh hình thức" gây thiệt hại lớn, và thay thế lãnh đạo Phụ Dương.

Gạt những khó chịu như vậy sang một bên, ông Tập tháng trước tuyên bố "thắng lợi toàn diện" trong cuộc chiến chống đói nghèo của Trung Quốc.

Tại các địa phương, giới chức cho biết họ vẫn "ngụp lặn" trong hàng loạt yêu cầu từ cấp trên, bao gồm việc họp hành liên miên và khối lượng giấy tờ quá lớn, đôi khi lên đến hàng trăm ký, theo truyền thông nhà nước.

Một cán bộ ở cơ sở đã phàn nàn với Tân Hoa Xã về việc không có thời gian làm công việc thực tế sau khi tham gia 15 cuộc họp trong 23 ngày. Hãng tin cũng dẫn lời một lãnh đạo huyện cho biết: "Nếu chúng tôi không tổ chức họp hành, làm thế nào chứng minh rằng chúng tôi đã triển khai công việc của mình?"

"Kẻ thù lớn" của đảng và nhân dân

Bộ máy hành chính quan liêu đã tồn tại từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Gần đây, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn như là hệ quả từ đường lối điều hành tập trung hóa.

"Khi kiểm soát chặt chẽ hơn từ bên trên, những người bên dưới phải đối mặt với quá nhiều mệnh lệnh và quy tắc, và họ chọn làm điều an toàn nhất", Ryan Manuel, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Official China, có trụ sở tại Hong Kong, phân tích.

Ông Tập Cận Bình tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc hôm 5/3. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ông Tập đã nhiều lần thúc đẩy nỗ lực dẹp bỏ thói quan liêu quá mức, thứ mà ông coi là "kẻ thù lớn" của đảng và nhân dân. Hồi tháng 1, ông ra lệnh cho ủy ban kỷ luật trung ương không ngừng nỗ lực chấn chỉnh những hành vi như vậy và yêu cầu "kết quả xuất sắc" nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7, theo truyền thông nhà nước.

Trong dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo đang xem xét vấn đề nghiêm túc như thế nào, ủy ban kỷ luật của đảng bắt đầu công bố dữ liệu toàn quốc về các hành vi thể hiện "bệnh hình thức" và "thói quan liêu" trong năm 2020.

Khoảng 108.000 người đã bị phạt vì những hành vi như vậy trong năm 2019, bao gồm cách chức, trong khi khoảng 117.600 người bị cảnh cáo hoặc kỷ luật vào năm ngoái. Số lượng tít báo đề cập đến "bệnh hình thức" trên truyền thông Trung Quốc đã tăng lên.

Han Dongfang, nhà hoạt động trong lĩnh vực người lao động, nói nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu của cấp trên giống như những màn biểu diễn chính trị gây ra sự xao nhãng đối với các công việc khác, như giám sát an toàn tại nơi làm việc.

Nhóm vận động có trụ sở tại Hong Kong của ông, China Labour Bulettin, đã tập hợp thông tin về một số vụ tai nạn công nghiệp trong năm qua. Họ tin rằng các công đoàn địa phương đã lơ là nhiệm vụ do bận tâm đến các ưu tiên về xóa nghèo ở nông thôn, thể hiện sự trung thành.

"Giống như một đội cứu hỏa địa phương nhìn thấy đám cháy ở huyện lân cận đang được chú ý nhiều hơn, nên họ bỏ qua đám ngay cạnh họ và lao đến đám cháy ở huyện kia, vì họ có thể ghi được điểm ở đó", ông Han nói.

Tháng 3 năm ngoái, ông Han cho biết, sau khi lũ lụt tại một mỏ than ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, giết chết bảy công nhân, ông đã gọi cho một công đoàn để hỏi những gì đang được thực hiện để cải thiện sự an toàn. Kết quả, ông được bảo rằng các cán bộ phụ trách vụ việc đang đi trợ giúp công tác xóa nghèo ở một ngôi làng xa.

Các cán bộ nhà nước phàn nàn rằng ứng dụng nhắn tin WeChat đã trở thành vũng lầy quan liêu, nơi họ chìm trong các yêu cầu mà sếp liên tục đưa ra trong ngày thông qua tin nhắn. Một số nhóm trò chuyện được tạo ra để thảo luận công việc biến thành những gì được gọi là "nhóm ca ngợi", nơi cấp dưới ra sức bợ đỡ cấp trên.

Một số người trong nhóm đăng biểu tượng quỳ gối "để làm vui lòng cấp trên", trong khi những người khác xun xoe "sếp, anh đã vất vả rồi", hoặc "sếp, anh quá giỏi", theo Đấu tranh chống bệnh hình thức, cuốn sách được một nhà xuất bản của đảng phát hành năm ngoái.

Trong một bài bình luận hồi tháng 12, Tân Hoa Xã cho biết các cán bộ cấp cơ sở thường là thành viên của hơn 100 nhóm trò chuyện trên WeChat. Thay vì nói chuyện với người dân để hiểu nhu cầu của họ, một số cán bộ chỉ chăm chăm ghi lại và nói về công việc của mình để làm hài lòng cấp trên.

Vòng tròn lẩn quẩn

Tuy nhiên, yêu cầu từ Bắc Kinh vẫn tiếp tục gia tăng.

Sau khi Trung Quốc ra mắt ứng dụng di động có tên Xuexi Qiangguo (Học Tập Cường quốc), có thể dịch là "Học từ Chủ tịch Tập để xây dựng đất nước giàu mạnh", vào năm 2019, hàng trăm triệu cán bộ, đảng viên, nhân viên doanh nghiệp nhà nước và sinh viên đã được yêu cầu tải xuống để tự học các tư tưởng và phát biểu của ông Tập.

Nhiều quan chức và quản lý doanh nghiệp đã yêu cầu cấp dưới thể hiện lòng nhiệt thành chính trị bằng cách kiếm điểm trên ứng dụng thông qua các hoạt động như câu đố và xem video. Một số người đã nghĩ ra cách giải quyết, chẳng hạn như sử dụng phần mềm giúp họ giả vờ sử dụng ứng dụng và đáp ứng mức điểm yêu cầu.

Một số đảng viên coi Xuexi Qiangguo là thứ "cần phải giải quyết và chỉ tìm cách kiếm điểm để hoàn thành nhiệm vụ học tập", Fang Shinan, giáo sư tại Đại học Tô Châu, tỉnh Giang Tô, viết trong một bài luận đăng trên tạp chí hồi tháng 7.

Bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 5/3. Ảnh: Reuters.

Các vấn đề tương tự cũng xuất hiện sau khi ông Tập phát động chiến dịch quốc gia "đĩa sạch" hồi tháng 8 nhằm hạn chế lãng phí thực phẩm. Truyền thông nhà nước cho biết theo ước tính, mỗi năm Trung Quốc có đến 35 triệu tấn thực phẩm lãng phí, và ông Tập nói các quan chức phải giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Chạy đua để đáp ứng mệnh lệnh, một số trường học yêu cầu học sinh trả lời một câu hỏi trắc nghiệm cho "mỗi hạt cơm bị lãng phí". Những trường khác bảo học sinh hát những bài hát và ngâm thơ để ca ngợi những người đã lao động vất vả để làm ra hạt gạo.

Vào tháng 9, tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, đã đăng bức thư từ một phụ huynh học sinh tiểu học ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Thư phàn nàn về việc nhà trường đã yêu cầu phụ huynh gửi video ghi lại cảnh con họ hát cùng một bài hát, với đĩa sạch trên tay sau bữa tối, trong 21 ngày liên tiếp.

"Những cách làm hình thức như vậy của nhà trường đã khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất lực và bất mãn sâu sắc, và chúng tôi thường xóa video sau khi hoàn thành", phụ huynh Liu Jing viết.

Phản ứng dữ dội đã khiến văn phòng chính phủ phụ trách chính sách giáo dục hồi tháng 10 đưa ra thông báo chỉ trích các trường học về "bệnh hình thức" trong việc chống lãng phí thực phẩm. Thông báo nêu cụ thể việc yêu cầu học sinh "học thuộc lòng và hát các bài hát trong bữa ăn" và dọa phạt bằng câu hỏi kiểm tra thêm với những học sinh bỏ phí cơm.

Một số biện pháp khắc phục mà Bắc Kinh đề xuất dường như làm tình trạng quan liêu thêm nặng hơn. Khi đại dịch gây áp lực lên các quan chức đang phải vật lộn để đạt được các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giới chức đảng hồi tháng 4 đã đưa có những nỗ lực mới để xóa bỏ thói quan liêu.

Một trong số các yêu cầu là: tập hợp các phát biểu của ông Tập về "bệnh hình thức" và "thói quan liêu" và buộc tất cả cán bộ phải đọc.

Trong vòng vài tuần, một nhà xuất bản của đảng đã phát hành tuyển tập dài 136 trang gồm 182 đoạn văn. Các cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước bắt đầu tổ chức tọa đàm để nghiên cứu ấn phẩm.

Bộ phận xuất bản của ủy ban kỷ luật trung ương đã phát hành sáu cuốn sách mới vào năm ngoái, bao gồm một sách tranh, để dạy các quan chức cách nhận biết và ngăn chặn các hành vi "bệnh hình thức".

Một trong các cuốn sách nói: "Chỉ thông qua việc học tập chăm chỉ và tận tâm nắm bắt tốt triết lý chính trị của Chủ tịch Tập, chúng ta mới có thể liên tục cả thiện khả năng và hoàn thành tốt hơn trách nhiệm của mình".

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Lyndale Secondary College Vùng: Dandenong North. Phone: 9795 2366
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/bo-may-quan-lieu-va-benh-hinh-thuc-de-doa-tham-vong-cua-ong-tap-post1190764.html