Hành trình trở lại cuộc sống thực của bé trai lên trong 'giáo phái tận thế'

02:00' 02-11-2023
Ben Shenton lớn lên trong giáo phái tận thế với niềm tin rằng thế giới sắp kết thúc, nhưng khi 15 tuổi, cậu bé bất ngờ bị đưa trở lại cuộc sống thực.

Đằng sau những tán lá và hàng rào dây thép gai quanh ngôi nhà ven hồ Eildon ở Australia, 7 đứa trẻ mặc trang phục và kiểu tóc vàng giống nhau đang tập yoga thì nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài.

Đó là ngày 14/8/1987, khi nhiều cảnh sát bất ngờ xuất hiện và tập hợp lũ trẻ lại. Một lúc sau, họ đưa chúng rời khỏi khu nhà, trở về với thực tế mới mà Ben phải mất nhiều năm mới hiểu hết.

Những đứa trẻ được nuôi dạy trong giáo phái "Gia đình" những năm 1970 hoặc 1980. Ảnh: BBC

Cho đến thời điểm đó, mọi thứ trong mắt Ben về thế giới đều được định hình bởi huấn luyện viên yoga Anne Hamilton-Byrne, người vào năm 1963 đã thành lập giáo phái khét tiếng nhất Australia có tên "Gia đình" và thu hút nhiều tín đồ tham gia. Bà ta đã trốn đi sau khi cảnh sát đột kích ngôi nhà.

Các thành viên tin rằng Hamilton-Byrne là tái sinh của Chúa Jesus và khi ngày tận thế đến, thế giới kết thúc, họ sẽ chịu trách nhiệm giáo dục những người sống sót. Ben và những đứa trẻ khác được bảo rằng Hamilton-Byrne chính là mẹ của chúng. Người phụ nữ dạy nhóm trẻ tránh xa người ngoài và nếu có ai đến gần hãy làm theo nguyên tắc "không nhìn, không nghe, không biết".

"Đó là yêu cầu rất quan trọng. Bạn không được chia sẻ bất cứ điều gì với bất kỳ người bên ngoài nào không phải thành viên giáo phái", Ben kể lại. "Nếu tôi có tương tác với họ, tôi sẽ phải thật cẩn trọng để đảm bảo bản thân không tiết lộ thông tin gì dù nhỏ nhất".

Một năm trước khi thành lập giáo phái, Hamilton-Byrne quen nhà vật lý Raynor Johnson và nhanh chóng khiến Johnson trở nên "mê muội", tin rằng bà ta là hiện thân của Chúa Jesus.

Hamilton-Byrne phát triển các lớp yoga và thiền định của mình thành một nhóm tôn giáo. Các tín đồ ban đầu gặp nhau trong phòng khách của Johnson mỗi tuần một lần, sau đó tăng lên ba lần một tuần. Họ thiết lập một trung tâm riêng ở đối diện nhà của Johnson để tổ chức các cuộc họp.

"Gia đình" bắt đầu tuyển mộ các bệnh nhân từ Bệnh viện Newhaven ở Kew, cơ sở chữa trị bệnh tâm thần tư nhân được điều hành bởi nhiều thành viên của giáo phái. Họ nhắm mục tiêu vào những bệnh nhân dễ bị tổn thương, cho họ dùng thuốc gây ảo giác LSD liều cao và điều trị bằng liệu pháp sốc điện.

Hamilton-Byrne cũng tìm kiếm những bà mẹ đơn thân xuất thân từ gia đình giàu có, những người coi bà ta như vị cứu tinh. Họ trao tiền mặt và cả con của mình cho giáo phái.

Ben đến với giáo phái trong hoàn cảnh như thế. Tên của cậu đã bị thay đổi kể từ khi cậu bé 18 tháng tuổi. Mẹ ruột của Ben là Joy Travelly, một trong những phụ huynh đã bị Hamilton-Byrne "tẩy não", đồng ý giao con để bà ta nuôi nấng.

Các phụ tá thân tín của Anne, được gọi là "dì", giúp người phụ nữ chăm sóc Ben và những đứa trẻ khác. Họ thức dậy lúc 5h sáng trong những căn phòng kiểu ký túc xá và tuân theo một lịch trình không thay đổi: Tập yoga, thiền, học bài, tập yoga, thiền, làm bài tập về nhà, đi ngủ. Mặc dù chỉ có một số ít trẻ em tại cơ sở khi cảnh sát đột kích vào năm 1987, nơi đây từng nuôi dưỡng tới 28 đứa trẻ.

Lũ trẻ ăn những bữa chay đạm bạc và thường xuyên bị trừng phạt. Các "dì" dìm đầu bọn trẻ xuống nước và hơ tay chúng trên nến đang cháy. Hamilton-Byrne thỉnh thoảng dùng giày cao gót đánh chúng.

"Chứng kiến những cảnh tượng đó thôi đã đủ gây ra vô số vết sẹo tinh thần nghiêm trọng". Ben nói. "Bầu không khí tại giáo phái là một trong những nỗi sợ hãi trần trụi nhất".

Ben Shenton hồi năm 2019. Ảnh: SBS

Ma túy là công cụ giúp Hamilton-Byrne kiểm soát các thành viên giáo phái. Trẻ em được cho dùng thuốc an thần đều đặn như Mogadon và Valium. Người lớn và thanh thiếu niên có nghĩa vụ phải sử dụng LSD tại các buổi lễ gọi là "tẩy uế". Hamilton-Byrne tin rằng bằng cách này, bà ta có thể khiến các tín đồ một lòng theo mình.

Mặc dù Ben không thích môi trường giáo dục của mình, đó là tất cả những gì cậu bé biết. Nhưng tất cả đã thay đổi vào ngày cảnh sát tới. Năm 1987, một đứa trẻ trong giáo phái là Sarah bị Hamilton-Byrne đuổi đi do có hành vi nổi loạn. Với sự hỗ trợ của một thám tử tư, Sarah đã đóng vai trò lớn trong việc khiến cảnh sát ở Victoria chú ý đến "Gia đình". Cảnh sát mở cuộc đột kích ngày 14/8/1987 và giải thoát tất cả trẻ em.

Nằm trên giường trong đêm đầu tiên rời khỏi ngôi nhà bên hồ Eildon, Ben nghĩ lại mọi thứ mình đã nói, đảm bảo rằng bản thân không tiết lộ điều gì có thể khiến cậu gặp rắc rối. Đột nhiên, Ben nhận ra điều đó không còn quan trọng nữa. Cậu sẽ không quay lại với Hamilton-Byrne. "Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra mình được tự do", Ben cho hay.

Khó khăn giờ đây mới thực sự bắt đầu.

Ben biết được rằng mẹ mình không phải Hamilton-Byrne mà là một người "dì" tên Joy mà cậu căm ghét. Những đứa trẻ trong nhà không phải anh chị em ruột với nhau. Cậu bé 15 tuổi chứ không phải 14 như người ta nói. Và rõ ràng Hamilton-Byrne không phải hiện thân của Chúa Jesus.

"Đột nhiên, tôi phải cố gắng tìm hiểu về thế giới mới này, quy tắc của nó là gì? Tôi sẽ sống như thế nào, phải làm gì?", Ben nói.

Tại trường học, Ben rất khó hòa nhập. Khi những đứa trẻ khác làm thân, Ben đẩy chúng ra. Điều này là dễ hiểu bởi những đứa trẻ trong "Gia đình" không có cơ hội gắn bó, chúng sẽ lập tức bị chia cắt nếu bắt đầu trở nên thân thiết với nhau. Tình bạn là thứ Ben chưa từng trải qua.

"Thông thường, khi xây dựng tình bạn với ai đó, bạn và họ sẽ có các điểm chung, sở thích chung hoặc quan điểm chung. Tôi không có những thứ như vậy", Ben cho hay.

Ben phải vật lộn với chứng trầm cảm và ý nghĩ tự tử. Vào một đêm năm 1988, trong một chuyến đi dã ngoại của trường học vòng quanh miền trung Australia, Ben đã rơi nước mắt khi giáo viên đến gần và nói với cậu rằng những đứa trẻ khác đều biết nhau từ khi còn nhỏ.

"Sẽ mất nhiều thời gian. Em phải học cách làm thân với các bạn. Mọi người đều cởi mở nhưng em phải chủ động", giáo viên nói với Ben.

Ben ghi nhớ lời khuyên này. Cậu bắt đầu nghiên cứu cách người khác cư xử, phân tích kết quả hành động của họ và đưa ra kết luận.

Ben cũng bắt đầu đi nhà thờ. Dần dần, cậu bé làm quen được với thế giới mới. Sau này, Ben kết hôn và có hai con, hiện 22 và 24 tuổi. Ben, hiện 51 tuổi, đã làm việc tại công ty IBM hơn 20 năm.

Trong quá trình trưởng thành, Ben ngày càng thân thiết với bà ngoại và thường xuyên ghé qua nhà bà. Mẹ Ben sống ở nước ngoài nhưng vẫn đến thăm mẹ mỗi khi bà trở về thị trấn. Năm 2006, tình cờ hai người cùng lúc đến thăm bà ngoại của Ben.

Họ đã không nói chuyện kể từ khi Ben biết Joy là mẹ mình gần hai thập kỷ trước. Vào thời điểm đó, Joy nói với Ben rằng bà không muốn liên quan gì đến anh. "Đừng bao giờ đến trước cửa nhà tôi, tôi sẽ đóng sầm cửa vào mặt cậu", Ben nhớ bà đã nói với mình như vậy.

Nhưng Joy đã thay đổi và nhà thờ đã dạy Ben cách tha thứ. "Bà ấy đã hứa với Anne là không kết nối với tôi", Ben nói. "Điều đó không có nghĩa là bà ấy không quan tâm tới tôi".

Joy vẫn thân thiết với Hamilton-Byrne nhưng từ đó bà cũng giữ liên lạc với Ben. Khi đến thăm Ben vào năm 2012, Joy đã hỏi Ben có muốn đến thăm Hamilton-Byrne không.

Lúc bấy giờ, Hamilton-Byrne đang sống trong trại dưỡng lão và gặp chứng mất trí nhớ. Người phụ nữ chưa bao giờ phải ngồi tù. Sau khi giáo phái bị đột kích, Hamilton-Byrne và chồng trốn ra nước ngoài trong 6 năm nhưng bị FBI bắt vào tháng 6/1993 ở New York trong một cuộc điều tra phối hợp của Anh, Australia và Mỹ. Hai vợ chồng bị dẫn độ về Australia và bị buộc tội âm mưu lừa gạt, khai man khi đăng ký khai sinh ba đứa trẻ không có quan hệ huyết thống là con ruột. Giới chức không có đủ bằng chứng để buộc tội Hamilton-Byrne về bất cứ điều gì khác.

Ben làm theo đề nghị của Joy, một phần vì tò mò. Hamilton-Byrne chào đón Joy một cách nồng nhiệt nhưng bà ta tỏ ra không quen biết Ben. Khi xem qua cuốn album ảnh trong phòng người phụ nữ, Ben nhanh chóng nhận ra rằng nó chứa đầy những hình ảnh thời thơ ấu của mình.

Đó là lần cuối cùng Ben gặp Hamilton-Byrne. Người phụ nữ qua đời ngày 6/6/2019 ở tuổi 97.

Ben cảm thấy nhẹ nhõm sau cái chết của bà ta. Theo Ben, Hamilton-Byrne vẫn chìm đắm trong những tưởng tượng của riêng mình và không bao giờ hối hận.

"Nhìn cách bà ấy tạo ra sự dối trá, duy trì nó và gây tổn hại cho mọi người. Tôi biết rằng Hamilton-Byrne sẽ không thể có cái mà chúng ta gọi là sự ăn năn", Ben cho hay.

Theo lời ông, tất cả những đứa trẻ trong "Gia đình" đều phải chịu nhiều mức độ thương tổn khác nhau. Với công việc ổn định, vợ và hai con, Ben cho rằng mình là người may mắn.

Hamilton-Byrne tại Melbourne năm 2009. Ảnh: News Limited

Ben điều hành một tổ chức tên là Cứu Gia đình, chia sẻ những bài học rút ra từ trải nghiệm của mình. Bằng cách nêu bật những phương pháp tiêu cực thường được sử dụng để nuôi dạy trẻ em, Shenton hy vọng sẽ bảo vệ được thế hệ tương lai khỏi nghiện ngập và trầm cảm. "Mục tiêu của tôi là giải thích cho mọi người mục đích của một gia đình là gì", ông nói.

"Bạn phải cố gắng giải thích những gì đã xảy ra và tại sao", Ben kết luận về quá trình tái hòa nhập của mình. "Tôi đã điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp với thực tế".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Rosie's Love And Care Vùng: South Morang. Phone: 9422 5464
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/hanh-trinh-tim-lai-cuoc-song-cua-cau-be-lon-len-trong-giao-phai-tan-the-4666298.html