Hàng loạt vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc

12:00' 13-07-2023
Tiêu dùng trì trệ, bất động sản chao đảo, xuất khẩu giảm tốc khiến kinh tế Trung Quốc hậu Covd-19 không bùng nổ, tác động lan tỏa toàn cầu.

2023 từng được xem là năm mà nền kinh tế Trung Quốc sẽ bùng nổ trở lại sau đại dịch, giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Nhưng thay vào đó, nước này đang đối mặt với loạt vấn đề: chi tiêu của người tiêu dùng trì trệ, thị trường bất động sản chao đảo, xuất khẩu sụt giảm trong bối cảnh Mỹ nỗ lực "giảm thiểu rủi ro", tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên kỷ lục và nợ chính quyền địa phương cao.

Tác động của những căng thẳng này bắt đầu lan tỏa toàn cầu, từ giá cả hàng hóa đến thị trường chứng khoán. Thách thức hơn, Bắc Kinh không có những lựa chọn đủ tốt để giải quyết tất cả. Điều đó làm dấy lên cuộc thảo luận về việc liệu nền kinh tế Trung Quốc có đi vào trạng thái bất ổn tương tự Nhật Bản sau 30 năm tăng trưởng vượt bậc hay không.

Một người đàn ông nhìn công trình xây dựng ở khu trung tâm Bắc Kinh ngày 18/10/2021. Ảnh: Reuters

Kinh tế Trung Quốc đang ra sao?

Mục tiêu chính thức của nước này là tăng trưởng khoảng 5% trong 2023. Trong khi kinh tế toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng 2,8% năm nay thì con số này là không nhỏ. Nhưng do Trung Quốc vẫn còn phong tỏa chống dịch vào 2022 nên mức nền so sánh là khá thấp.

Theo Bloomberg Economics, giá tiêu dùng của Trung Quốc không thay đổi trong tháng 6 trong khi giá sản xuất lại giảm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát. Một vòng xoáy giá cả đi xuống có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Việc kinh tế Trung Quốc không bùng nổ như kỳ vọng là vấn đề toàn cầu. Rất nhiều việc làm và sản xuất của thế giới phụ thuộc vào nước này, do đây là thị trường sản xuất lẫn tiêu thụ rộng lớn. IMF dự báo Trung Quốc sẽ là nước đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng dự kiến chiếm 22,6% tổng tăng trưởng thế giới - gấp đôi so với Mỹ.

Tăng trưởng của Trung Quốc có tác động đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhất là thông qua thương mại. Các nước xuất khẩu khoáng sản như Brazil và Australia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thăng trầm của cơ sở hạ tầng và bất động sản Trung Quốc. Giá các mặt hàng chủ chốt bao gồm thép cây và quặng sắt giảm trong năm nay do nhu cầu tại Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới - không tăng mạnh như kỳ vọng của các nhà giao dịch.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc cũng ảnh hưởng đến các nhà cung cấp hàng hóa công nghệ cao như Hàn Quốc và Đài Loan. Sản lượng xuất khẩu của họ đã giảm hai con số mỗi tháng trong nửa đầu năm nay. Sau nhiều năm bị hạn chế bởi Covid, du khách Trung Quốc vẫn ít đi du lịch nước ngoài vì thu nhập và niềm tin vào công việc còn yếu, gây tổn hại cho các quốc gia phụ thuộc vào du lịch. Với nguy cơ lãi suất tiếp tục tăng khiến Mỹ rơi vào suy thoái, viễn cảnh kinh tế hai siêu cường đồng thời lao dốc càng có nguy cơ diễn ra, khiến toàn cầu bất an.

Rắc rối đến từ đâu?

Nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực. Dữ liệu được công bố vào cuối tháng 6 cho thấy hoạt động sản xuất thu hẹp trở lại. Xuất khẩu - vốn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch để đáp ứng nhu cầu của Mỹ và châu Âu - đã giảm sút.

Kể từ khi đạt đỉnh kỷ lục 340 tỷ USD vào tháng 12/2021, xuất khẩu đã giảm xuống còn 284 tỷ USD vào tháng 5/2023 do lãi suất tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Tình hình trầm trọng hơn do Mỹ tìm cách cắt đứt Trung Quốc khỏi nguồn cung chất bán dẫn tiên tiến và các công nghệ then chốt khác có thể thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Các quan chức ở Washington gọi nỗ lực này là "cạnh tranh chiến lược" trong khi Trung Quốc chỉ trích, gọi là "sự cản trở".

Tổng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã giảm 6,7% trong 5 tháng đầu năm nay, sau khi tăng 1,1% vào năm 2022. "Nợ ẩn" của các chính quyền địa phương thông qua các công ty tài chính mà họ lập ra (LGFV) gây căng thẳng cho một số tỉnh thành. Các địa phương đã tăng huy động vốn qua LGFV trong thời kỳ đại dịch vì nguồn doanh thu truyền thống từ bán đất cho các nhà phát triển bất động sản đã cạn kiệt do suy thoái trên thị trường nhà ở.

Theo tính toán của Bloomberg, trong trường hợp ngành bất động sản Trung Quốc sụp đổ, doanh thu bán đất của các chính quyền địa phương teo tóp ảnh hưởng đến chi tiêu của họ, thị trường chứng khoán nước này chuyển sang chế độ tránh rủi ro - khi các nhà đầu tư tập trung bảo vệ vốn, kết hợp với suy thoái ở Mỹ thì tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể giảm thêm 1,2 điểm phần trăm.

Một rắc rối khác là tiêu dùng. Đầu năm 2023, người ta rất lạc quan rằng Trung Quốc sẽ chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng trong chi tiêu tiêu dùng, được thúc đẩy bởi hoạt động mua sắm bù sau dịch, đi ăn ngoài và đi du lịch. Nhưng trong nửa đầu năm, lo lắng về thu nhập và thất nghiệp do tăng trưởng yếu hơn, tâm lý tiêu cực khi tài sản bất động sản giảm giá trị khiến mọi người muốn tiết kiệm.

Chi tiêu du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ hội vào tháng 6 thấp hơn so với mức trước đại dịch và doanh số bán ôtô trong tháng 6 giảm so với một năm trước. Một lực cản lớn khác với tiêu dùng là tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 20,8% - gấp 4 lần tỷ lệ thất nghiệp thành thị nói chung. Một phần do Bắc Kinh siết chặt quy định với các công ty công nghệ lớn những năm gần đây, lấy đi con đường sự nghiệp béo bở của nhiều sinh viên trẻ mới tốt nghiệp.

Chính phủ phản ứng thế nào

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất vào tháng 6 để hỗ trợ tăng trưởng. Động thái bất ngờ này làm tăng kỳ vọng về nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn. Các khả năng được đưa ra bao gồm nới lỏng hơn nữa các hạn chế về tài sản, giảm thuế cho người tiêu dùng, đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn và khuyến khích các nhà sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Kể từ đầu tháng 7, đã có những thay đổi chính sách như kéo dài thời gian giảm thuế cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới đến năm 2027. Nhưng mức nợ công cao và chính sách "3 lằn ranh đỏ" nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản có thể cản trở bất kỳ kế hoạch chi tiêu lớn nào.

Các ngân hàng quốc doanh lớn đã bắt đầu cung cấp khoản vay cho LGFV với kỳ hạn cực dài và tạm thời giảm lãi suất để ngăn chặn khủng hoảng nợ. Một số thành phố đã hạ thấp các yêu cầu thanh toán trước và loại bỏ các hạn chế về việc mua nhiều bất động sản để giúp vực dậy thị trường bất động sản.

Tính đến giữa năm 2023, giá nhà mới và nhà cũ đã giảm hàng tháng trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sự sụt giảm đó thu hút được những người mua nhà để giúp thị trường phục hồi. Vào tháng 7, Trung Quốc cho biết sẽ mở rộng các chính sách hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản thiếu vốn và vực dậy lĩnh vực này, bao gồm cả việc cho phép hoãn trả nợ trong một năm.

Tuy nhiên, tình trạng thừa cung lớn có nghĩa sẽ mất một thời gian để bất kỳ kích thích bất động sản nào có tác dụng, theo Bloomberg. Với dân số ngày càng giảm và quá trình đô thị hóa chậm lại, có ít yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhà ở sắp tới hơn.

Điều đó có nghĩa là nước này phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài trong khi giải quyết các vấn đề nợ nần, giống như Nhật Bản đã chứng kiến "thập kỷ mất mát" sau khi bong bóng thị trường chứng khoán và bất động sản vỡ tung. Nhìn chung, các lý do này có nguy cơ cản trở đà vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới của Trung Quốc, điều đã được kỳ vọng là có thể xảy ra ngay từ đầu những năm 2030.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?

Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-kinh-te-trung-quoc-cham-lai-4627949.html