Hàn Quốc ưu tiên quản lý rủi ro kinh tế vĩ mô
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho ngày 11/5 cho biết sẽ đặt ưu tiên hàng đầu vào việc ổn định dân sinh, bình ổn giá cả, dốc toàn lực để quản lý rủi ro kinh tế vĩ mô.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập nhóm chuyên trách đối phó kinh tế khẩn cấp thuộc Bộ Kế hoạch và Tài chính, giám sát theo thời gian thực toàn bộ tình hình nền kinh tế, như nền kinh tế, thị trường tài chính và ngoại hối, đưa ra các biện pháp đối phó chủ động để quản lý hiệu quả các biến động.
Phó Thủ tướng Choo cam kết "cắt đứt mắt xích" tăng trưởng thấp bằng cách vực dậy tính năng động của nền kinh tế, tập trung vào khối tư nhân, thị trường và doanh nghiệp.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ đổi mới quy chế mạnh mẽ, để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và tạo ra nhiều việc làm chất lượng.
Bên cạnh đó, chính phủ nước này sẽ đẩy nhanh và quyết liệt chính sách đối phó với tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số, sự cách biệt giữa các khu vực, chuẩn bị cho lộ trình trung hòa carbon, nỗ lực để mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, chăm lo cho tầng lớp yếu thế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Choo đánh giá trong thời gian tới, bất ổn sẽ còn gia tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự thay đổi chính sách tiền tệ của các nước lớn. Trong khi đó ở trong nước, giá cả leo thang đang khiến nền kinh tế, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh rằng chính phủ mới đang đứng trước rất nhiều vấn đề mang tính cơ cấu, như sự chuyển đổi căn bản cơ cấu dân số, công nghiệp, sự phân hóa trong xã hội, nợ hộ gia đình tăng nhanh. Do vậy, đội ngũ kinh tế của chính phủ mới cần phải bắt tay vào việc ngay với quyết tâm cao độ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/5, một ngày sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cùng chính phủ mới đã có cuộc họp đầu tiên với đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền tại trụ sở Quốc hội.
Tổng thống Yoon đã nhấn mạnh vấn đề cần ưu tiên giải quyết hàng đầu hiện nay là nhanh chóng tìm ra nguyên nhân vật giá leo thang và có biện pháp kiềm chế đà tăng giá cả tiêu dùng.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp, Đại diện đảng PPP, nghị sỹ Kwon Seong-dong cho biết trong quá trình tranh cử, Tổng thống Yoon Seok-yeol đã cam kết hỗ trợ thêm 6 triệu won, tương đương khoảng 4.688 USD, cho giới tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ lẻ để nâng số tiền bồi thường lên tối đa 10 triệu won, khoảng 7.814 USD, bao gồm cả tiền hỗ trợ phòng dịch COVID-19 lần một và lần hai.
Phía đảng PPP đã đề nghị và Chính phủ Hàn Quốc cũng nhất trí sẽ chi trả thêm ít nhất 6 triệu won cho tất cả giới tiểu thương, hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa có doanh thu dưới 3 tỷ won (2,34 triệu USD) chịu thiệt hại do các quy định phòng dịch COVID-19 của chính phủ trong thời gian qua.
Phía đảng cầm quyền đã đề nghị chính phủ bổ sung hỗ trợ ưu tiên các doanh nghiệp bị loại khỏi nhóm đối tượng được nhận tiền hỗ trợ phòng dịch do ảnh hưởng của các biện pháp phòng dịch COVID-19 như doanh nghiệp lữ hành, lĩnh vực biểu diễn, triển lãm, hàng không và vận tải.
Ngoài ra, đối tượng người lao động tự do, lao động hợp đồng đặc biệt như tài xế taxi, xe buýt, nghệ sỹ, tài xế lái thay, những ngành nghề được cho là các điểm mù chịu thiệt hại do COVID-19 cũng dự kiến được đưa vào danh sách cần hỗ trợ.
Đảng PPP cũng yêu cầu chính phủ hỗ trợ bổ sung cho 2,25 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp và tầng lớp yếu thế trong xã hội.
Phía đảng đề nghị chính phủ tạm thời mở rộng tiền hỗ trợ sinh hoạt khẩn cấp so với dự thảo hiện nay từ 750.000 won (587 USD) lên tối đa 1 triệu won (783 USD).
Chính phủ mới đã nhất trí sẽ thúc đẩy nhanh và triển khai các kiến nghị của đảng PPP trong dự thảo ngân sách bổ sung sắp tới.
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ triệu tập phiên họp Nội các đầu tiên trong ngày 12/5 để thông qua khoản ngân sách bổ sung lên tới gần 28 tỷ USD để bồi thường hoàn toàn thiệt hại do COVID-19 cho giới tiểu thương./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-chinh-phu-moi-uu-tien-quan-ly-hieu-qua-kinh-te-vi-mo/789676.vnp